Home » Thế giới » Nội chiến Bờ Biển Ngà xảy ra như thế nào
Cuộc chiến giữa hai phe ủng hộ tổng thống mãn nhiệm và tổng thống đắc cử đang đẩy Bờ Biển Ngà vào cảnh hỗn loạn, buộc Liên Hợp Quốc phải can thiệp để ngăn cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Nguyên nhân nổ ra xung đột tại Bờ Biển Ngà do ông Laurent Gbagbo không chịu từ bỏ quyền tổng thống sau khi đã thất bại trong cuộc bầu cử hồi cuối năm ngoái. Phe ủng hộ ông vẫn chiến đấu tại thành phố lớn nhất nước này là Abidjan để giúp ông tiếp tục bấu víu quyền lực.

Trong khi đó, phe ủng hộ tổng thống đắc cử Alassane Ouattara cũng chiến đấu ác liệt để giành lại quyền lực mà họ cho là xứng đáng được hưởng. Liên Hợp Quốc đứng ra hỗ trợ tổ chức cuộc bỏ phiếu năm ngoái, sau đó xác nhận ứng viên Ouattara chiến thắng và đương kim tổng thống Gbagbo thất bại.

Các tay súng ủng hộ ông Gbagbo trên đường phố A. Ảnh: AFP
Các tay súng ủng hộ ông Gbagbo trên đường phố Abidjan. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, ông Laurent Gbagbo vẫn không “tâm phục khẩu phục” với lý do có gian lận trong bầu cử. Nhà lãnh đạo này còn cáo buộc Pháp, nước từng đô hộ Bờ Biển Ngà thời thực dân, đã dùng ảnh hưởng của mình tại Liên Hợp Quốc để gạt bỏ ông và bảo vệ các quyền lợi kinh tế tại thuộc địa cũ.

Ông Gbagbo đang đứng trước thách thức không khác so với lãnh đạo Libya Gadhafi khi phải đương đầu với cả nội công lẫn ngoại kích. Cộng đồng quốc tế từ Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc và tổ chức các nước Tây Phi Ecowas đều kêu gọi Gbagbo chấp nhận thất bại và gây sức ép để ông từ chức bằng cách áp đặt lệnh cấm vận.

Liên minh châu Phi ra hạn chót đến ngày 24/3 vừa qua ông Gbagbo phải chuyển giao ghế cho đối thủ chiến thắng trong cuộc bầu cử Ouattara, nhưng điều này đã không xảy ra. Vài ngày sau hạn chót, phe ủng hộ Ouattara từ căn cứ ở miền bắc tràn xuống trung tâm quyền lực của đất nước ở Abidjan để “đòi nợ” và nội chiến ở Bờ Biển Ngà được đẩy lên đỉnh điểm.

Cán cân lực lượng

Bước tiến của phe ủng hộ Ouattara diễn ra quá nhanh dẫn đến phỏng đoán họ gặp sức kháng cự rất yếu từ phe Gbagbo. Nhưng gạt bỏ tổng thống mãn nhiệm cũng không phải việc đơn giản, vì cuộc nội chiến đã kéo dai dẳng suốt 3 tháng qua và chỉ bùng nổ dữ dội trong những tuần gần đây ở thành phố Abidjan, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Liên Hợp Quốc cáo buộc phe ủng hộ Gbagbo bắn đạn pháo vào các khu dân cư ở Abidjan và hơn một nghìn người đã thiệt mạng cùng hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa. Những người còn cố thủ trong thành phố đang đối mặt với cuộc sống thiếu thốn và nguy hiểm rình rập.

Trước thế mạnh áp đảo của phe Ouattara và sức ép quốc tế, thời gian tồn tại của chính quyền Gbagbo chỉ còn được tính bằng ngày. Toà án hình sự quốc tế đang bàn điều tra về các tội ác chống lại loài người ở Bờ Biển Ngà nên có thể Gbagbo sẽ thận trọng khi tìm điểm hạ cánh của mình ở một nước phương Tây.

Tuy nhiên, tổng thống mãn nhiệm của Bờ Biển Ngà có thể dễ dàng tìm cho mình một chốn dung thân dễ chịu ở các nước châu Phi nếu muốn. Một trong những đồng minh thân cận của ông là Tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos và nhiều người dự đoán ông sẽ sang nước này lánh nạn khi không thể tiếp tục trụ lại Bờ Biển Ngà.

Sự chia rẽ vùng miền

Hơn một thập kỷ trước, Bờ Biển Ngà từng được coi là thiên đường hoà bình và thịnh vượng ở Tây Phi. Với vai trò là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ cacao lớn nhất thế giới, mức sống tại Bờ Biển Ngà cao hơn nhiều so với các nước láng giềng. Do đó dòng người từ Mali và Burkina Faso đã đổ tới Bờ Biển Ngà để kiếm sống.

Tuy nhiên, ngoài sức mạnh kinh tế, Bờ Biển Ngà đã chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc về sắc tộc và tôn giáo. Phần lớn người miền bắc theo Hồi giáo, giống như những người nhập cư từ láng giềng mà họ chào đón. Trong khi người dân phía nam phản đối làn sóng nhập cư và cho rằng dân miền bắc không phải là những người Bờ Biển Ngà đích thực.

Trong khi đó, những người miền bắc phàn nàn về tình trạng phân biệt đối xử đối với họ, nhất là về mặt quân sự. Ví dụ, ông Alassane Ouattara, một tín đồ Hồi giáo, từng bị cấm ra tranh cử tổng thống trước đây vì cha mẹ ông là người gốc nước láng giềng Burkina Faso.

Tương tự, nhiều người miền bắc cho rằng họ đã bị từ chối cấp giấy tờ tuỳ thân và tước quyền được đi bầu cử. Năm 2002, các binh sĩ người miền bắc đã làm binh biến tiến về thành phố Abidjan đảo chính. Họ gần kiểm soát được toàn bộ đất nước thì bị binh sĩ Pháp và 9.000 lính gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc ngăn chặn.

Kể từ cuộc nội chiến năm 2002, sự chia rẽ vùng miền tại Bờ Biển Ngà càng thêm sâu sắc. Do đó cuộc khủng hoảng về chuyển giao quyền lực hiện nay ở quốc gia này không phải là diễn biến quá bất ngờ.

Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc tại Bờ Biển Ngà. Ảnh: AFP
Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc tại Bờ Biển Ngà. Ảnh: AFP

Vai trò của Liên Hợp Quốc

Trước nguy cơ nội chiến leo thang tại Bờ Biển Ngà, các máy bay Liên Hợp Quốc được lệnh khai hoả hồi đầu tuần này và bắn phá kho đạn của phe Gbagbo tại Abidjan. Phát ngôn viên của lãnh đạo mãn nhiệm cáo buộc đây là “hành động bất hợp pháp” và “tội ác chiến tranh”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các trận không kích và cho rằng binh sĩ gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc đã vượt quá quyền hạn được uỷ nhiệm của họ là trung gian hoà giải. Liên minh châu Phi cũng coi sự can thiệp của nước ngoài vào Bờ Biển Ngà là không thể biện minh.

Trước đó Liên Hợp Quốc công nhận ứng viên Ouattara chiến thắng trong cuộc bầu cử có nhiều tranh cãi và áp đặt lệnh cấm vận để buộc ông Gbagbo phải chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, cơ quan lớn nhất hành tinh này phủ nhận cáo buộc cho rằng họ đang chiến đấu cùng phe ủng hộ Ouattara.

Sự can dự của quân đội Pháp càng khiến cuộc khủng hoảng gây thêm chú ý. Pháp duy trì đội quân 1.600 người tại Bờ Biển Ngà theo sự cho phép của Hội đồng Bảo an để hỗ trợ sứ mệnh gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc. Paris khẳng định họ chỉ can thiệp vào cuộc nội chiến Bờ Biển Ngà sau khi được Liên Hợp Quốc đề nghị nhằm bảo vệ thường dân.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Pháp có lý do khác để hành động. BBC dẫn lời chuyên gia Mỹ Phyllis Bennis thuộc tổ chức Nghiên cứu chính sách quốc tế tại Washington cho rằng, các cuộc không kích của Pháp tại Bờ Biển Ngà “có tính chất chính trị hơn là một cuộc can thiệp nhân đạo” và nhằm “tái lập sự hiện diện tại các nước nói tiếng Pháp ở châu Phi”.

Cũng theo nhà phân tích trên, những cuộc can thiệp của nước ngoài vào hai cuộc xung đột ở Libya và Bờ Biển Ngà hiện nay đều cho thấy thực tế các nước lớn đang một lần nữa sử dụng Liên Hợp Quốc như một công cụ cho những lợi ích riêng của họ.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc