Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Trung Quốc thành chủ nợ lớn ở Nam Thái Bình Dương
Bài viết tìm hiểu những vấn đề đằng sau việc Trung Quốc mới vươn lên vị trí thứ ba trong số các nước cung cấp viện trợ có hoàn lại nhiều nhất cho khu vực Nam Thái Bình Dương.

[title]

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về vai trò mới của nước này ở khu vực và trên toàn cầu. (ABC)

“Bí mật quốc gia”

Hiện nay, Úc vẫn là nước đứng đầu và bỏ xa vị trí thứ hai trong danh sách các quốc gia viện trợ nhiều nhất cho khu vực Nam Thái Bình Dương.

Chỉ riêng trong năm 2009, Úc đã viện trợ cho các quốc gia láng giềng gần 700 triệu đô-la Mỹ, tiếp sau là Hoa Kỳ với gần 300 triệu và Trung Quốc, hơn 200 triệu. Nhật Bản, New Zealand và EU hỗ trợ trên dưới 100 triệu.

Theo số liệu do hai nhà nghiên cứu chính sách người Úc là Fergus Hanson và Mary Fifita, Viện Lowy, các khoản viện trợ có hoàn lại của Trung Quốc đã gia tăng rất nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn. Năm 2005, con số mới dừng ở mức 33 triệu đô-la Mĩ và từ năm 2007 đến nay, mỗi năm tăng hơn 200 triệu. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm kể từ năm 2005-2009, Trung Quốc đã cho các tiểu quốc ở Nam Thái Bình Dương vay hơn 600 triệu đô-la Mỹ.

Theo các tác giả, điều “đáng ngạc nhiên” là Trung Quốc vẫn coi những thông tin về chương trình viện trợ là “bí mật quốc gia” và quan điểm này được cho là đi ngược lại với chủ trương minh bạch hóa viện trợ phát triển mà chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố vào năm 2008.

Trong một cuộc phỏng vấn với Cơ quan Truyền thông Quốc gia Úc (ABC), hai tác giả này cho biết Viện Lowy đã hỏi trực tiếp các chính phủ các quốc gia nhận viện trợ để có được các số liệu chi tiết và đó là “một cửa sổ hạn hữu (a rare window) để nhìn vào chương trình viện trợ của Trung Quốc”.

Không riêng gì đối với Nam Thái Bình Dương, viện trợ của Trung Quốc ở những khu vực khác cũng được nước này giữ bí mật. Năm 2009, một báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ công bố số tiền mà Trung Quốc viện trợ cho các khu vực châu Phi, Châu Mỹ La tinh, và Đông Nam Á đã lên tới 25 tỉ đô-la Mỹ.

Những con nợ mới

Tác giả Fergus Hanson đã dùng từ “được chăng hay chớ” (erratic) ngay mở đầu bản báo cáo để nhận định về tính chất của viện trợ Trung Quốc, tức là cho vay tiền mà không quan tâm đến hiệu quả sử dụng của đồng tiền.

Điều này khiến cho Trung Quốc bị chỉ trích là không tính đến lợi ích lâu dài của các khoản cho vay ngắn hạn, đã “sai lầm” và “bắt tay” với chế độ độc tài ở Fiji.

Trường hợp thứ hai được nói đến là quốc gia nhỏ Cook Islands với khoảng 21 ngàn dân, đã vay của Trung Quốc tới 9,6 triệu đô-la Mỹ trong năm 2009 để đầu tư trang thiết bị thể thao cho giải Mini Games ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Khoản vay này là nguyên nhân chính khiến cho Cook Islands bị hạ bậc trong bảng xếp hạng các nước nghèo và có thu nhập trung bình.

Khác với các khoản viện trợ lâu dài hoặc không hoàn lại, điều đáng nói là 85% các khoản cho vay của Trung Quốc đều có thời hạn 5 năm. Đó là áp lực lớn với các nước là con nợ.

Trước câu hỏi của Đài Úc về khả năng trả nợ của Cook Islands, Phó Thủ tướng nước này đã ‘hồn nhiên’ trả lời: “Chúng tôi hy vọng sẽ được New Zealand hỗ trợ để xử lí vấn đề”.

Một trường hợp nghiêm trọng hơn là đảo quốc Tonga – con nợ lớn nhất của Trung Quốc với công nợ lên tới hơn 100 triệu đô-la Mỹ , bằng 1/3 GDP nước này. Khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố con số đó, Bộ trưởng Tài chính tiền nhiệm của Tonga cũng thừa nhận với Đài Úc rằng: “Rất nhiều khả năng Tonga không thể trả được nợ trong tương lai”.

Tác giả bản báo cáo cho biết, Trung Quốc cần bàn thảo với các chủ nợ khác về việc cải thiện tình hình và hướng đến viện trợ phát triển bền vững cho khu vực này. Nếu không, họ sẽ bị tạo dựng hình ảnh về một ‘gã xấu chơi’, và “đang xiết cổ các nước Nam Thái Bình Dương với những núi nợ nần”.

‘Ngoại giao đô-la’

Việc vươn tới khu vực Nam Thái Bình Dương cho thấy chiến lược tăng cường viện trợ kinh tế có hoàn lại cho các nước đang phát triển của Trung Quốc đã phủ khắp toàn cầu.

Giới quan sát cho rằng, động cơ đầu tiên của Trung Quốc trong vấn đề này là nhằm tranh đua với Đài Loan. Thuật ngữ ‘ngoại giao đô-la’ được dùng để chỉ quan hệ hiện thời của Trung Quốc với Đài Loan.

Kể từ khi Tổng thống Mã Anh Cửu, người được cho là có tư tưởng ôn hòa, lên nắm quyền năm 2008, một thỏa thuận phi chính thức, tạm thời chấm dứt sự đối đầu giữa hai bên đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tranh thủ tăng cường viện trợ để đổi lấy những ủng hộ ngoại giao.

Theo báo cáo của Viện Lowy, Trung Quốc chỉ cấp viện trợ không hoàn lại (ODA) cho những quốc gia nào công nhận một nước Trung Quốc. Tuy nhiên, các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương được liệt kê trong bản báo cáo này, bao gồm Cook Islands, Micronesia, Fiji, Niue, Papua New Guinea, Samoa, Tonga và Vanuatu, lại đều không thừa nhận Đài Loan thuộc về Trung Quốc. Vì vậy, bản báo cáo cho rằng họ vô tình trở thành các ‘di sản’ từ cuộc ganh đua dai dẳng giữa Đại lục và Đài Loan.

Bên cạnh đó, các tác giả cũng nói đến mặt tích cực của chương trình viện trợ của Trung Quốc. Về cơ bản thì nó cũng giúp các nước Nam Thái Bình Dương theo đuổi để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ngoài ra, Trung Quốc còn cung cấp cơ sở hạ tầng giá rẻ rất cần thiết cho những nước này.

Tuy nhiên, báo cáo của Viện Lowy cũng một lần nữa gián tiếp cho thấy sự e ngại trước sự trỗi dậy và vai trò mới của Trung Quốc ở khu vực và trên toàn cầu.

Chính vì thói quen không chịu minh bạch các chương trình viện trợ của mình, Trung Quốc đã làm tăng thêm nghi ngại về những toan tính đằng sau, hay ít nhất là tạo ấn tượng về một cường quốc mới ‘kì dị’, nếu không muốn nói là đối lập với phong cách của phương Tây.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc