Home » Xã hội » Hàng thùng ‘đập kiện’ vỉa hè lấn át chợ đêm sinh viên
Trong thời giá cả leo thang, thói quen mua hàng của những người thu nhập thấp và trung bình thay đổi, khiến hàng thùng giá rẻ thời gian gần đây rất hút khách mua.

15.000, 20.000 đồng, thậm chí chỉ 10.000 đồng… là giá của những chiếc áo thun hàng thùng bày bán trên đoạn vỉa hè đối diện cổng chợ đêm sinh viên trên đường Xuân Thủy (Hà Nội) các buổi tối trong tuần. Với những loại váy có dáng lạ, chất lượng “ngon” hơn, mức giá cũng có khi lên đến 50.000-70.000 đồng, nhưng rất ít sản phẩm vượt quá 100.000 đồng

Xuất hiện cách đây 1-2 tháng, chợ hàng thùng này họp từ khoảng 19h đến hơn 22h đêm và chỉ có 4-5 sạp hàng. Dưới ánh sáng vàng mờ của những ngọn đèn đường, tối nào cũng có cả trăm lượt khách (chủ yếu là phụ nữ) xúm xít bới chọn. Không có mắc treo, hàng thùng bán tại đây đổ thành đống to cho người mua thỏa sức… bới. Những sạp hàng nhỏ hơn bày sản phẩm lên tấm bạt, sắp xếp gọn gàng để khách dễ nhìn.

Chợ hàng thùng được quảng cáo là hàng
Chợ hàng thùng được quảng cáo là hàng “đập kiện” giá rẻ luôn đông nghịt khách mua.
Ảnh: Tuệ Minh.

Theo một người bán quần áo hàng thùng tại vỉa hè, hàng được nhập về nguyên kiện từ mối lớn. Chất lượng và giá thành thậm chí còn cạnh tranh hơn một số tuyến phố chuyên bán hàng thùng tại Hà Nội như Kim Liên hay Đông Tác, chị cho biết. Nguyên nhân là bán tại khu vực tập trung nhiều trường đại học, nhà trọ sinh viên và công trường xây dựng nên khách mua chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, người bán không thể đẩy giá cao lên hay nói thách quá nhiều.

Tuy nhiên, điều khiến chị ngạc nhiên là ngay cả những người trước kia vốn thờ ơ và có định kiến với hàng “nước hai” như công nhân, người bán rong, lao động tự do… cũng đã bắt đầu có thói quen mua hàng cũ. “Có những tối bán được cả chục món đồ cho công nhân mấy công trường gần đó. Trước đây, những người này thường mua hàng ở chợ đêm đối diện”, chị này tiết lộ.

Theo chị, thường hàng mới mở kiện sẽ có giá cao hơn, do có nhiều sản phẩm còn gần như mới, nguyên mác. Tuy nhiên, ngay cả với hàng loại một như vậy cũng không khi nào vượt quá 100.000 đồng một sản phẩm. Mức giá thường cao nhất 70.000-80.000 đồng. Còn với loại hai, ba, có khi chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng đến 30.000 đồng, khách đã mua được chiếc áo, váy. Người bán hàng đánh giá đây là mức giá quá rẻ trong bối cảnh hàng hóa tăng mạnh như hiện nay và không quên tiết lộ, chuyện bán được cả trăm sản phẩm trong một buổi tối là bình thường.

Nguyễn Thị Hương, sinh viên một trường ĐH trên đường Cầu Giấy đang chọn mua hàng hàng thùng cho hay, từ lúc các sạp hàng “đập kiện” này mở ra, cô nàng đã trở thành tín đồ. Cô kể trước kia thường hay vào chợ đêm sinh viên, chợ Nhà Xanh hoặc Nghĩa Tân để mua quần áo giá rẻ. Nhưng từ khi giá cả leo thang, tiền nhà trọ, tiền ăn ở, điện nước sinh hoạt cũng tăng lên cũng khiến cho thói quen mua hàng thay đổi.

“Trước, cứ nghĩ đến việc mặc quần áo cũ là mình thấy ghê ghê, nhưng mà bây giờ thì những sạp hàng này lại thu hút rất đông khách mua, nên mình nghĩ người ta mặc ầm ầm, mình chẳng việc gì phải sợ”, Hương thật thà chia sẻ.

Thời bão giá, người tìm đến hàng secondhand là những người có thu nhập trung bình và thấp như sinh viên, công nhân, lao động tự do... Ảnh: Tuệ Minh
Thời bão giá, người tìm đến hàng secondhand là những người có thu nhập trung bình và thấp như sinh viên, công nhân, lao động tự do…
Ảnh: Tuệ Minh

Giá hàng bán tại đây rất rẻ chỉ từ 10.000 đồng đến 40.000-50.000 đồng một chiếc nên rất phù hợp với túi tiền sinh viên. Hương tính toán, với 200.000 đồng trong tay, nếu mua hàng mới, dù tại chợ đêm bình dân hay shop trên phố cũng chỉ mua được cùng lắm một hai sản phẩm. Còn nếu mua hàng thùng “đập kiện”, có thể rinh về một lúc cả năm bảy món đồ.

Chọn mua áo sơ mi ở vỉa hè Xuân Thủy tối 14/5, chị Luyến quê ở Hà Nam làm công nhân xây dựng cho hay trước đây chưa bao giờ nghĩ đến mặc đồ lại của người quen, chưa nói đến việc ra chợ “rước” hàng thùng về mặc. Chị vẫn hay mua quần áo để mặc tại hàng rong và chợ đêm sinh viên, vì giá cũng không đắt, mà lại là hàng mới trăm phần trăm.

Tuy nhiên, từ khi vật giá leo thang trong khi lương không tăng lên đáng kể, chị chuyển sang mặc hàng thùng bán ở vỉa hè. Chị này tính toán, hiện tại, mỗi ngày công khoảng 120.000 đồng, một tháng trung bình làm 20 ngày, cũng được khoảng gần 3 triệu đồng. Bỏ một phần mười trong số tiền này mà mua được 5-6 bộ quần áo mặc cả năm thì rõ ràng là kinh tế.

Bác sĩ Thoa, Viện Da liễu Quốc gia nhận định, việc mặt quần áo mất vệ sinh có nguy cơ gây nên các bệnh về da, trong đó có viêm da và một số bệnh nấm. Với hàng secondhand bán ở vỉa hè, bác sĩ Thoa cho rằng, không loại trừ trường hợp chủ nhân trước mắc bệnh về da, do đó người mua cần cảnh giác, lựa chọn kỹ lưỡng và nếu mua được áo, quần nguyên mác là tốt nhất.

Còn theo chia sẻ của chị Mai, có thâm niên bán hàng quần áo cũ tại phố Kim Liên, khách mua hàng thùng nếu cẩn thận nên giặt một lần qua nước nóng và phơi thật khô. Chị này cũng khuyên người mua, thay vì mua đồ lót thì chỉ nên mua các loại đồ mặc ngoài như áo, váy.

Tuệ Minh

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc