Home » Thời nay, Văn hóa » Người mẫu Trung Quốc chết vì làm việc quá sức
Cái chết của người mẫu ảnh Ngải Vi Vi là hồi chuông cảnh báo cho một thế hệ trẻ mắc chứng nghiện công việc hoặc phải lao động đến kiệt sức để tồn tại trong xã hội đầy cạnh tranh tại Trung Quốc.

Ngải Vi Vi (Ai Weiwei) qua đời hôm 14/5, ở tuổi 22, sau khi phải nhập viện trong tình trạng kiệt sức và bị phát hiện mắc bệnh bạch cầu cấp. Bác sĩ chẩn đoán, cô không qua khỏi vì thể tạng quá yếu, mắc nhiều bệnh và thường xuyên làm việc quá sức.

Trong một bài viết trên blog cá nhân hồi tháng 2, Vi Vi chia sẻ: “Chỉ ăn được chút yến mạch lúc sáng. Bây giờ dạ dày mình đau quá”. Gần đây hơn, cô viết: “Đang có festival Đèn lồng và mình lại chỉ có một mình. Con nhớ bố, bố ơi”.

Người mẫu Ngải Vi Vi. Ảnh: Diva.
Người mẫu Ngải Vi Vi. Ảnh: Diva.

Theo Diva, một tuần sau festival này, Vi Vi đột quỵ khi đang làm việc. Cô ngay lập tức được đưa vào viện. Tại đây, Vi Vi bị phát hiện mắc bệnh bạch cầu cấp và qua đời hôm 14/5. Cái chết của Vi được thông báo trên website riêng: “Cuối cùng, Ngải Vi Vi đã được yên nghỉ. Cô ra đi trong vòng tay của bố mẹ và bạn trai”.

Vi Vi là một hotgirl, người mẫu nổi tiếng với các quảng cáo online. Zhu Xing, đại diện của cô, cho biết: “Vi Vi thường xuyên làm qua đêm. Cô ấy còn làm việc không ngơi nghỉ suốt 3 ngày liên tục. Dạ dày của Vi rất kém, có thể là hậu quả của thói quen ăn uống không khoa học”.

Theo Zhu Xing, Vi Vi là cô gái tự lập sớm. Năm 16 tuổi, cô rời khỏi quê nhà Giang Tô, một thân một mình đến Phủ Châu (Giang Tây) lập nghiệp. Tại đây, cô đi làm thêm bằng nghề người mẫu để lấy tiền học tại một trường nghệ thuật. Cũng bắt đầu từ đó, cô theo đuổi nghề người mẫu chuyên nghiệp.

Vi Vi trong một quảng cáo máy tính.
Vi Vi trong một quảng cáo máy tính. Ảnh: Diva.

Làm việc quá sức đang là hiện tượng đáng báo động với giới trẻ Trung Quốc. Một thống kê hồi cuối tháng 4 cho thấy, 80% số người được hỏi khẳng định, họ thường xuyên phải làm việc căng thẳng. 26% trong số đó cho biết, họ thường làm trung bình 10 tiếng mỗi ngày.

“Trung Quốc hiện đại là môi trường đầy cạnh tranh. Mọi người luôn cô gắng nắm bắt từng cơ hội nhỏ để thành công trong cuộc sống. Chúng ta cần có những điều khoản trong luật để bảo vệ những người lao động phải làm việc quá sức. Bi kịch của Ngải Vi Vi là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người mê công việc mà không quan tâm đến sức khỏe của mình. Đừng chờ đến phút cuối cùng của cuộc đời mới nhận ra sự quý giá của cuộc sống”, Zheng Qiwu, nhà xã hội học tại Đại học Hạ Môn (Phúc Kiến), nói.

L.H.

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc