Bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh một cách đáng báo động. Trong khi đó, thời tiết TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung đang trong mùa “sáng nắng gay gắt, chiều đổ mưa rào” cũng khiến nhiều loại bệnh “nổi dậy”.
Bệnh tay chân miệng ở mức báo động
Từ đầu tháng 5 đến nay, tại TP.HCM đã có thêm bốn ca bệnh tay chân miệng tử vong. Trong đó, ca tử vong gần đây nhất là vào ngày 14.5. Bệnh nhi ở Tiền Giang và tử vong chỉ 12 tiếng sau khi nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
|
Bác sĩ Trần Thị Thúy, Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh không chỉ tăng mạnh mà còn diễn biến phức tạp với nhiều ca nặng. Trong đó, ca tử vong ngày 14.5 là một điển hình khi bệnh nhi được đưa vào viện trễ, đã ở tình trạng sốc và bệnh diễn tiến rất nhanh.
Nếu trong tháng 4, Bệnh viện Nhi đồng 2 có 2.012 lượt trẻ đến khám được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng (trong đó, 317 trẻ nằm viện và 2 ca tử vong), thì chỉ trong 15 ngày đầu của tháng 5, số lượt khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 được chẩn đoán bị tay chân miệng đã lên đến 2.405 ca (cao hơn tổng số ca mắc của cả tháng 4).
Bệnh viện tiếp nhận 30-40 bệnh nhi tay chân miệng nhập viện mỗi ngày. Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) hiện nay chật kín bệnh nhi nằm điều trị nội trú, mà hầu hết là bệnh tay chân miệng với hơn 100 ca.
Điều đáng nói là ngay cả phòng cấp cứu, hồi sức của khoa cũng đang trong tình trạng quá tải.
Hơn 10% số ca là ca bệnh rất nặng (cấp độ 3-4). Các ca bệnh cấp độ 2 (bệnh nhi cần phải được theo dõi sát sao) chiếm đến 50%. Khoa phải huy động hết các máy thở để điều trị tích cực cho bệnh nhi. Bác sĩ tại khoa làm việc hầu như không kịp thở.
Bác sĩ Thúy cho biết, so sánh với cùng kỳ năm 2010, số bệnh tay chân miệng năm nay tăng đột biến, số ca đang điều trị nội trú tại bệnh viện tăng 3-4 lần. Đặc biệt, số lượng bệnh nặng và chuyển sang biến chứng thần kinh, giật mình, run chi, thở mạnh, khó thở,… tăng nhiều. Các bệnh nhi phải được can thiệp truyền thuốc, đặt máy giúp thở để hỗ trợ hô hấp sớm.
|
Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng đang quá tải với bệnh tay chân miệng. Khoa Nhiễm – Thần kinh hiện có 100 trẻ đang nằm viện do tay chân miệng. Trong đó, có 2 ca nặng ở cấp độ 3, 4, phải thở máy. Hơn 10 trường hợp bệnh diễn tiến ở cấp độ 2.
Với diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng như hiện nay, bác sĩ Thúy khuyên phụ huynh: nếu thấy trẻ có biểu hiện lở miệng, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, chân, gối, mông, kèm theo sốt cao liên tục, giật mình (nhất là khi ngủ), hốt hoảng, bứt rứt, run tay chân, đi đứng loạng choạng, ói nhiều, thở nhanh,… thì phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để khám chữa. Trẻ nhập viện trễ, sốc thì rất khó cứu.
Theo ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (TP.HCM), có thể vi-rút tay chân miệng đã biến thể khiến diễn tiến bệnh nhanh và nặng hơn. Đa số ổ dịch tập trung ở các trường học, khu nhà trọ có mật độ người sinh hoạt đông đúc…
Lý giải sự gia tăng số ca dịch bệnh và trẻ tử vong nhiều trong thời gian qua, ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh ở quận, huyện chưa cao, nhân viên y tế thiếu cảnh giác đã để mầm bệnh lan khắp thành phố. Bên cạnh đó, người dân cũng thiếu thông tin và ít quan tâm phòng bệnh tay chân miệng.
Nhiều loại bệnh “ngóc đầu”
Trong khi TP đang “ưu tiên” số một cho chống dịch và khám chữa bệnh tay chân miệng thì một số bệnh nhiễm khác đang có cơ hội vào mùa gia tăng.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) cho biết, thời gian nắng nóng và mưa rào này cũng là thời điểm bệnh thủy đậu xuất hiện và có điều kiện “hoành hành”.
Không chỉ trẻ em mới mắc bệnh thủy đậu mà người lớn cũng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, bác sĩ Vinh cho biết, người lớn bị bệnh sẽ dễ biến chứng nặng hơn trẻ em. Bệnh diễn tiến nặng có thể đưa đến nhiễm trùng nốt đậu, sưng phổi, viêm phổi.
|
Tại Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, hiện có hơn 12 bệnh nhân đang nằm viện để điều trị thủy đậu. Trong khi bình thường, rất ít trường hợp người lớn nhập viện vì thủy đậu (lâu lâu chỉ có 2-3 ca). Trong đó, nhiều ca đã có biến chứng nhiễm trùng nốt đậu do bệnh nhân chủ quan, không nghĩ mình mắc bệnh nên khi diễn biến nặng mới đi khám.
Để phòng bệnh, bác sĩ Vinh khuyên người dân phải vệ sinh cơ thể tốt. Người nhiễm bệnh có triệu chứng sốt nhẹ 1-2 ngày. Sau đó, cơ thể nổi các mụn nước, ngứa và rát. Các mụn nước nổi từ mặt rồi lan xuống bụng và tứ chi.
Bệnh lây lan qua đường hô hấp do các giọt nước bọt bắn từ người bệnh qua người lành khi nói chuyện hoặc do người lành tiếp xúc với da của người bệnh. Vì vậy, ở những nơi tụ tập đông người, nguy cơ lây bệnh rất cao, một người bị bệnh có thể lây lan cho 4-5 người khác xung quanh. Xác suất lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh lên đến trên 90%.
Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Thúy cho biết, có hai ca thủy đậu nặng đang được điều trị. Trong đó, một ca đã chuyển qua viêm phổi nặng; một ca khác thì chuyển qua biến chứng viêm não.
Trong khi đó, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cảnh báo, trong mùa này, bệnh tiêu chảy cũng đang trên đà gia tăng. Nửa đầu tháng 5, đã có 1.540 lượt bệnh nhi bệnh tiêu chảy khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Nguyên Mi
Theo thanhnienonline
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!