Home » Kinh doanh » Tăng phí ATM: Người dân có quay lại dùng tiền mặt?
Trong khi chưa thể thu phí giao dịch ATM nội mạng, các ngân hàng đang lên kế hoạch tăng biểu phí giao dịch liên mạng từ mức trần 3.300đ hiện nay lên 5.500đ. Kế hoạch điều chỉnh biểu phí giao dịch liên mạng đã được phần lớn các thành viên tán thành và có thể được áp dụng sớm nhất từ 1/6, tùy theo lộ trình của từng ngân hàng. Việc tăng này có hợp lý?

TS Cao Sỹ Kiêm (nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam): Thời điểm này chưa hợp lý
Trước vấn đề tăng phí rút tiền tại ATM ngoại mạng cũng như thu phí nội mạng, tôi cũng đã tham khảo ý kiến Ngân hàng Nhà nước. Theo tôi, đây là chủ trương hoạch toán của các ngân hàng thương mại nên họ sẽ có các đề xuất nhằm phù hợp với công việc họ làm. Nhưng ở góc độ người tiêu dùng tôi cho rằng thời điểm này chưa hợp lý để tăng phí và các ngân hàng cần cân nhắc chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định, minh bạch.

Bản thân, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tính toán sao cho hợp lý với chủ trương mở rộng thanh toán không bằng tiền mặt. Nếu tăng phí không hợp lý, chủ trương này của Nhà nước sẽ bị kìm hãm lại, thậm chí không thực hiện được.

Qua tìm hiểu thực tế, với một số người mức tăng phí chỉ một vài nghìn đồng cho mỗi lần rút không đáng là bao nhưng với người dân lao động mức phí này là cả một vấn đề, nhất là khi tiền lương được chuyển hoàn toàn vào thẻ cho người lao động. Hiện nay, nước ta đang đối mặt với tình hình lạm phát, việc tăng phí ATM ngoại mạng hay thu phí nội mạng sẽ khiến người dân cân nhắc khi sử dụng và rút tiền. Điều này có thể đồng nghĩa với việc nhiều người dân ái ngại sử dụng thẻ ATM và quay lại dùng tiêu dùng tiền mặt.

Việc tăng phí ATM ngoại mạng hay thu phí nội mạng sẽ khiến người dân cân nhắc khi sử dụng và rút tiền

Đáng lưu ý, mức phí này có thể là cao so với tình hình dịch vụ thẻ cũng như cách phục vụ hoàn toàn chưa thuận lợi cho người sử dụng hiện nay. Nhiều ngân hàng hệ thống mạng lưới còn eo hẹp, rủi ro của máy đang cao, trách nhiệm trước người sử dụng chưa tốt. Nếu các ngân hàng đề xuất tăng phí thì trước tiên cần bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng nội mạng sao cho người dân hạn chế mức thấp nhất khi đi rút ngoại mạng.

Ông Đỗ Gia Phan (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam): Không nên thu chứ đừng nói là tăng

Tôi nghĩ rằng, các ngân hàng không nên thu phí ATM khi người dân rút tiền chứ đừng nói đến chuyện tăng thêm phí kể cả nội mạng hay ngoại mạng. Có 2 lý do. Thứ nhất, người dân gửi tiền vào ATM, lẽ ra ngân hàng phải trả lãi cho số tiền gửi đấy, đằng này ngân hàng đã “chiếm dụng” và được lợi rồi. Vậy mà còn thu phí, giờ lại tính đến chuyện tăng phí khi rút tiền. Thứ 2, hiện nay ở nước ta việc lưu thông tiền mặt khá nhiều, vì thế, chúng ta có chủ trương hạn chế lưu thông tiền mặt. Nếu ngân hàng tăng phí, “già néo đứt dây”, khách hàng lại “ngán” dùng thẻ, điều này vô hình chung lại khiến cho người dân quay lại việc dùng tiền mặt. Nếu nói chi phí đầu tư cho hệ thống lớn, rồi tiền bảo trì, bảo dưỡng, tăng cường an ninh nên phải thu phí là không thỏa đáng. Ngân hàng đã được hưởng lợi từ số tiền mà người dân gửi vào không có lãi. Hãy lấy số tiền ấy để đi bảo dưỡng, nâng cấp chứ đừng bắt người dân mất thêm tiền kiểu đó.

Theo thống kê của Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, hiện có khoảng 30 triệu thẻ ATM tại Việt Nam đã phát hành, tuy nhiên không thể biết chính xác số thẻ ðang sử dụng trên thực tế là bao nhiêu.

Theo khảo sát của tổ chức thẻ Visa quốc tế, hiện nước ta có khoảng vài trãm ngàn thẻ visa (loại thẻ phải trả phí duy trì hoạt động hàng năm) nhưng chỉ có khoảng 8% trong đó là sử dụng thường xuyên.

Nhóm PV TSKH
Theo bee
Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc