Theo lịch sử ghi lại thì bố của Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu mang theo mối hận với vua, trước khi chết đã trăn trối với con rằng: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”
Điều này Vua và Hoàng thân quốc thích nhà Trần đều biết rõ, nhưng vì sao nhà Vua vẫn quyết định phong cho Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế – Tổng chỉ huy quân đội đánh quân Nguyên Mông? Điều này không thấy trả lời rõ trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng được nói rõ trong cuốn “Đông A di sự” của Trần Triều Bình Chương Quốc Sư và Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán (đây là một bộ sử được coi là đúng nhất nói về các chuyện trong hoàng cung nhà Trần, vì do các người trong hoàng cung chép về các chuyện trong hoàng cung).
Câu chuyện mối hiềm khích trong nhà Trần
Trong lịch sử triều đại nhà Trần vào giai đoạn đầu, người nắm thực quyền không phải là Vua, mà là Thái Sư Trần Thủ Độ, người có công lớn nhất đối với nhà Trần khi ép Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi phải nhường ngôi cho chồng mình là Trần Cảnh mới 8 tuổi, từ đó lập ra nhà Trần. Quyền lực thực chất nằm trong tay Trần Thủ Độ cho đến khi ông mất vào năm 1264.
Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông, phong hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng là Chiêu Thánh hoàng hậu, năm 15 tuổi sinh hoàng tử Trần Trịnh nhưng không may chết yểu, sau đó hoàng hậu Chiêu Thánh không thể mang thai lại được nữa.
Năm 1237 vua Trần Thái Tông mãi vẫn chưa có con, điều này khiến nhiều tôn thất nhà Trần lo lắng hậu vận nhà Trần không có người nối dõi. Lúc này anh ruột của Vua Trần Thái Tông là Trần Liễu có vợ là bà Thuận Thiên đang có thai 3 tháng.
Trần Thủ Độ liền ép bà Thuận Thiên phải làm vợ của vua Trần Thái Tông, tức ép Vua phải lấy chị dâu đang mang thai. Sự việc này khiến nhà Vua và anh mình là Trần Liễu đều phản đối kịch liệt không tuân thủ theo.
Nửa đêm nhà Vua cùng hai cận thần trốn nên núi Yên Tử, gặp Quốc Sư Phù Vân là bạn của mình ngỏ ý muốn nương nhờ cửa Phật, Quốc Sư trả lời rằng: “Trên núi không có Phật, mà Phật ở ngay trong tâm ta”.
Lúc này Trần Thủ Độ dẫn quân tìm Vua và cuối cùng gặp được nhà Vua trên núi Yên Tử, nhà Vua nhất quyết không chịu trở về cung. Trần Thủ Đội nói rằng: “Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó” rồi ra lệnh xây ngay cung điện trên núi nơi Vua ở.
Sợ mất sự yên tĩnh nơi tu hành trên núi Yên Tử, Quốc sư Phù Vân khuyên vua trở lại kinh thành và nhờ vậy vua Trần Thái Tông cùng mọi người quay trở lại hoàng cung.
Trần Liễu uất ức vì bị mất vợ, nhân lúc Trần Thủ Độ dẫn quân đi tìm vua liền đem quân của mình đến đánh chiếm kinh thành. Thế nhưng Trần Thủ Độ khi dẫn quân đi tìm Vua đã đề phòng có biến, nên dặn dò sắp đặt trước mọi việc cho các tướng lĩnh giữ thành. Vì thế quân Trần Liễu chưa kịp tới kinh thành thì đã bị bao vây.
Không đủ sức chống lại quân Triều Đình, Trần Liễu bỏ chạy, biết rằng khó thoát tội chết, lại nghĩ rằng bây giờ chỉ có em mình là vua Trần Thái Tông mới cứu được mình, liền hẹn vua ở sông Cái, rồi Trần Liểu đem thân đầu hàng trước Vua. Tới khi gặp Trần Thủ Độ, nhà Vua đem thân mình che chở bảo vệ cho anh mình khiến cho Trần Thủ Độ không làm gì được.
Trần Thủ Độ tức lắm ném gươm xuống sông và nói: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?”.
Trần Liễu được tha nhưng quân tướng đi theo ông thì bị xử tội chết hết cả. Sau sự việc này anh em Trần Liễu và Trần Cảnh đã xóa hiềm khích. Tuy nhiên Trần Liễu vẫn dấu mối hận trong lòng, nhất là vợ mình là Thuận Thiên khi trở thành vợ vua ngoài sinh được Trần Quốc Khang còn sinh ra Trần Hoảng (sau này là vua Trần Thánh Tông), Trần Quang Khải, Trần Nhật Vĩnh, Trần Ích Tắc.
Trần Liễu có đứa con thứ ba là Trần Quốc Tuấn rất khôi ngô tuấn tú, Trần Liễu hy vọng đứa con này sau này có thể rửa mối hận cho mình, vì thế ông từ sớm đã đưa Quốc Tuấn đến thành Thanh Long ăn học ở nhà em gái mình là Thụy Bà công chúa, tìm thầy giỏi về dạy học cho Quốc Tuấn, nhờ đó ngay từ thời trẻ Trần Quố c Tuấn đã giỏi võ và thông thạo binh pháp.
Trước khi qua đời Trần Liễu trăng trối với Trần Quốc Tuấn rằng: “Con không
vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”
Thế nhưng trước khi 50 vạn đại quân Nguyên Mông sang xâm lược đại Việt lần thứ 2, rất nhiều binh lính và tôn thất nhà Trần dao động, không biết nên đánh hay hòa. Thì vua Trần lại quyết định trao chức vụ quan trọng nhất Quốc Công Tiết chết (tức tổng chỉ huy quân đội) cho Trần Quốc Tuấn, vì đâu vua Trần có được niềm tin này?
Việc trao binh quyền cho Trần Quốc Tuấn bắt đầu từ câu chuyện dưới đây:
Câu chuyện đánh cuộc tử vi nổi tiếng nhà Trần
Nước Tống có một vị quan đậu đến tiến sĩ, rất thông tỏ thiên văn, tử vi là Hoàng Bính, khí quân Nguyên Mông sang đánh Tống, ông hiểu rằng nhà Tống đã hết thời, tử vi nhiều quốc thích dòng tộc nhà Tống rất xấu, lại chết cùng năm. Nhìn về phương nam thấy nơi ấy sáng tỏ tất có thể cư ngụ.
Tháng giêng năm 1257, Hoàng Bính đưa toàn bộ gia tộc khoảng 2.000 người đến Đại Việt xin được lập nghiệp. vua Thái Tông được tin liền cho đưa về kinh. Cảm nhận thấy vua cùng các đại thần vẫn còn nghi ngại về mình. Hoàng Bính lấy tay chỉ lên trời mà rằng: “Trời nam … linh khí ngùn ngụt, thánh nhân giáng trần, cầm gươm đuổi ác quỷ, đó là nơi có thể an thân. Vì vậy thần mới đem tông tộc sang xin bệ hạ cho núp bóng hoàng long”.
Lại nói Hoàng Bính có cô con gái út mới 16 tuổi tên là Hoàng Chu Linh hết sức tài giỏi, thông hiểu tử vi, học một hiểu mười. Trở về kinh thành, được biết Hoàng Bính rất giỏi tử vi, nhiều người muốn ông xem, nhưng Hoàng Bính lại để con gái của mình là Chu Linh xem cho mọi người.
Chu Linh xem cho mọi người đều vô cùng chuẩn xác, khiến ai cũng khâm phục. Lúc này Thái Sư Trần Thủ Độ mới tìm cách thử tài Chu Linh, câu chuyện này được ghi chép trong Đông A Di Sự
Nhà Vua chỉ vào Trần Thủ Độ nói: “Hoàng cô nương! Đây là lão Vũ Thủy. Lão vốn cùng quê với quả nhân. Vì lão có tài trồng hoa, nên quả nhân trao cho lão coi vườn Thượng-uyển. Xin cô nương coi dùm xem lão còn sống được mấy năm nữa!”
Rồi lão Vũ Thủy (tức Trần Thủ Độ) cho biết mình sinh vào giờ Tỵ, ngày 6 tháng 6, tuổi giáp dần.
Sau khi bấm tay, Chu Linh nói: “À! Lão tiên sinh đùa tiểu nữ đây! Đến đấng chí tôn cũng thử tiểu nữ nữa”. Nàng nói bằng giọng nũng nịu, khiến cử tọa đều rung động.
Chu Linh đoán: “Cứ như tướng tiên sinh: Dáng đi như con diều hâu rình mồi, mắt hổ, đầu lân, tay vượn…Thì e tiên sinh chỉ ngồi dưới một người, mà trên vạn vạn người. Còn số Tử-vi, để tiểu nữ tính xem.”
Lúc này Hoàng Bính mới xen vào câu chuyện cùng Trần Thủ Độ đánh cuộc, nếu Chu Linh đoán đúng hết thân thế sự nghiệp thì Trần Thủ Độ phải thực hiện 3 yêu cầu của Chu Linh; còn ngược lại đoán không đúng thì Hoàng Bính cùng toàn bộ gia tộc trở về tộc.
Triều đình giật mình, vì không ngờ Hoàng Bính dám đánh cuộc lớn quá như vậy. Nhà Vua định bảo Thủ Độ bỏ cuộc, nhưng Trần Thủ Độ đồng ý đánh cuộc.
Sau một lúc bấm ngòn tay, Chu Linh nói: “Mệnh của tiên sinh lập tại Dần, Tử, Phủ thủ mệnh. Tử-vi, Thiên-phủ đều là đế tinh. Vì vậy tiên sinh thuộc loại mệnh cực lớn. Tiên sinh sinh ra đúng thời, là người tạo ra thời thế. Tất cả thăng trầm của Đại Việt trong vòng 50 năm qua, đều do một tay tiên sinh nắn bóp thành voi, thành hổ, tùy ý.”
“Tiên sinh tuổi Dần, mệnh lập tại Dần, thì trong người có đến hai ông kễnh thủ mệnh, lại thêm sao Thiên-hình phù trì. Tử-vi kinh nói: Hình hổ cư Dần, hổ đới kiếm hùng, tương phùng đế cách, ư Giáp Kỷ nhân, uy vũ trấn động. Nghĩa là: Người có Thiên-hình, với Bạch-hổ, hay tuổi Dần, là cách hổ đeo kiếm hùng. Người tuổi Giáp, tuổi Kỷ, uy vũ trấn động. Có điều tiên sinh được Lộc-tồn thủ mệnh, Hóa-lộc cư quan, là cách song lộc, thì là người chuyên quyền”.
“Thiên hình miếu địa ở mệnh, thì dù tiên sinh chịu ơn ai một bát cơm, sau sẽ trả bằng một kho thóc. Bị ai mắng một câu, sau này tiên sinh sẽ tru di tam tộc nhà người ta.”
“Cung thê của tiên sinh có Phá-quân, ngộ Hóa-quyền, Thai, lại bị Kiếp, Không chiếu thì duyên tình của tiên sinh rối như mớ bòng bong. Cho đến giờ này cũng chưa xong, còn chạy như ngựa nhong nhong.”
“Năm trên mười tuổi, tiên sinh gặp một người. Rồi hai người thề non, hẹn biển, định cuộc trăm năm, không cần mai mối, cũng chẳng thỉnh mệnh cha mẹ. Mà dù cha mẹ có cản trở, tiên sinh cũng không nghe nào!”
“Hai người xa nhau. Nàng tuân lệnh cha mẹ lấy chồng. Tiên sinh hóa điên, hóa khùng, nhưng nhất quyết trung thành với nàng. Vì vậy khi chồng nàng qua đời, tiên sinh với nàng nối lại tình xưa. À, có một điều tiểu nữ nói tiên sinh đừng giận. Kể về uy quyền, thì tiên sinh thuộc loại vương bất vi vương, bá bất vi bá, nhi quyền khuynh thiên hạ.Nghĩa rằng tiên sinh chẳng là vua, cũng chẳng là bá, mà quyền nghiêng thiên hạ. Thế nhưng, bất cứ một người ở địa vị cao sang cũng năm thế bẩy thiếp. Riêng tiên sinh thì chỉ biết có một phu nhân mà thôi!”
“Cung quan của tiên sinh có Liêm-trinh, Thiên-tướng, thì tiên sinh là người võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Danh tiếng bốn bể. Nhưng tiếc rằng cung quan ngộ Thiên-không, nên tiên sinh hành sự bất chấp luật pháp, chẳng kể đạo lý. Có lúc tiên sinh thành người nửa chính, nửa tà, nửa ma, nửa quỷ. Tiểu nữ e muôn nghìn năm sau còn bị dị nghị. Nhưng… dù ai dị nghị, thì chỉ dị nghị về cá nhân tiên sinh. Còn đối với đất nước, quả thật công nghiệp cũng như tấm lòng của tiên sinh sáng như trăng rằm, không ai chê trách được.”
Lúc này Hoàng Bính hỏi Thủ-Độ: “Thưa tiên sinh, xét số tiên sinh, thì tiên sinh chính là Thái sư Trần Thủ Độ”.
Nhà vua tuyên chỉ: “Thái sư thua Hoàng cô nương rồi. Vậy Thái sư phải làm cho cô nương ba điều đi thôi.”
Chu Linh nói điều ước thứ nhất của mình là mong toàn thể gia đình được ở Đại Việt, 2 điều ước còn lại sẽ nói sau.
Lúc này Hoàng Bính mới quỳ trước Vua và nói rằng: Chuyến về Thăng long này, mục đích của ông là dâng con gái cho nhà vua, để tỏ lòng trung với Trần triều. Lập tức nhà vua ban chế phong Hoàng Chu Linh là Huệ Túc phu nhân.
Người phụ nữ củng cố tinh thần kháng Nguyên và đưa Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm Quốc Công Tiết Chế.
Khi quân Mông Cổ chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, Huệ Túc Phu Nhân lúc này thấy lá số của nhiều tôn thất trong Hoàng tộc đều rất vẻ vang, nhiều người là anh hùng, nên khuyên nhà Vua nến quyết tâm chống giặc.
Bà cũng thấy rõ Trần Quốc Tuấn là anh hùng dân tộc, sự nghiệp và tên tuổi của ông sẽ lưu lại thiên thu, nên dù cho mâu thuẫn gia tộc bà cũng khuyên nhà vua nên giao chức Tiết chế cho Trần Quốc Tuấn.
Huệ Túc Phu Nhân tâu với Vua rằng: “Thiếp xem Tử Vi cho các thiếu niên trong Hoàng Tộc thấy họ đều là các vị anh hùng xã tắc mai sau . Sự nghiệp của Quang Khải, Quốc Tuấn mai sau rực rỡ vô cùng . Số của Quốc Tuấn là số của một vị anh hùng, là bậc thánh nhân chắc không có việc tạo phản đâu . Trong số các vị thái tử, thiếp chỉ lo có số của đệ tử thái tử Trần Ích Tắc thông minh, nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi ….”
Bà cũng thấy rõ lá số của Trần Quốc Tuấn là người thông tuệ, tấm lòng sáng tỏ như đôi vầng nhật nguyệt, tuyệt đối không thể làm phản nên hết lòng tiến cử Quốc Tuấn, và nhà Vua đã tin tưởng nghe theo lời bà mặc cho có lời bàn tán.
Nhờ đó Trần Quốc Tuấn được cất nhắc lĩnh ấn Tổng chỉ huy quân đội ngay từ lần chống quân Mông Cổ lần thứ nhất. Vào cuộc chiến chống quân Mông Cổ lần thứ 2, Khi 50 vạn quân Nguyên tiến sang, phía nam Toa Đô dẫn 20 vạn quân đánh ngược lên, người giữ thành Nghệ An là Trần Kiện cùng toàn bộ gia quyến và đưa toàn quân đầu hàng giặc. Quân giặc từ hai hướng bắc nam như hai gọng kìm siết chặt, Đại Việt rối bời. Lúc này nhiều người nói rằng đây là cơ hội tốt nhất để trả thù cho cha.
Thế nhưng Trần Quốc Tuấn bỏ ngoài tai hết cả, kể cả những lời nhắc nhở của con trai và người thân khác về thù nhà,
Ông dốc lòng đem tài thao lược của mình với kế sách “vườn không nhà trống”, “dùng đoản binh phá trường trận”, từng bước lấy lại thế trận đánh bại 50 vạn đại quân Nguyên Mông, giữ vững giang sơn xã tắc nước Đại Việt.
Nếu như không có lời tiến cử của Huệ Túc Phu Nhân, không có lòng trung trinh của Trần Quốc Tuấn, thì có lẽ lịch sử Đại Việt đã thay đổi
Trần Hưng
Theo trithucvn.net
xin hỏi vị vua lấy Chu Linh (huệ túc phu nhân) là Trần Thái Tông hay là ai ạ?
Là vua Trần Thái Tông bạn ạ
đây là vua trần thánh tông