Home » Chia sẻ, Cuộc sống số » Khi thầy và trò kết bạn qua Facebook

“Cô mặc bộ váy này đẹp quá”, những học trò cấp 2 tại Hà Nội bình phẩm về bức ảnh mà cô Hồng, giáo viên chủ nhiệm của họ, đưa lên mạng xã hội Facebook. Những học trò này còn thỉnh thoảng hỏi cô giáo lịch kiểm tra bài, cũng qua… Facebook.

[title]

Mối quan hệ thầy-trò tại Việt Nam không còn gói gọn trong khuôn khổ trường lớp mà đã tiếp nối qua… mạng xã hội! (Bay Vút)

Nhiều thành phần trong xã hội Việt Nam đã và đang sử dụng Facebook như là một trong những phương tiện giao tiếp, chia sẻ thông tin. Trong số này, các giáo viên lẫn học sinh không là ngoại lệ. Từ đó, mối quan hệ thầy-trò không còn gói gọn trong khuôn khổ trường lớp mà đã tiếp nối qua… mạng xã hội!

Gắn bó & cởi mở

Cô Hồng là một giáo viên chủ nhiệm kiêm dạy môn Văn ở một trường cấp 2 tại Hà Nội. Cô đã sử dụng Facebook cách đây hơn hai năm với mục đích ban đầu là để kết nối liên lạc với những người bạn cũ của mình.

Tình cờ, có một cô học trò ở lớp mà cô Hồng đang làm chủ nhiệm phát hiện ra địa chỉ Facebook của cô giáo mình và xin được ‘add’ (kết nối) vào danh sách bạn bè. Vốn rất cởi mở với học sinh nên cô Hồng đồng ý ngay. Không ngờ sau đó các học sinh khác của cô cũng tấp nập xin ‘add’.

“Mỗi lần tôi đưa lên mạng một bức ảnh mới của mình để chia sẻ với bạn bè là các em liên tục “nhảy” vào comment (bình luận). Nào là “cô mặc bộ váy này đẹp quá”, “hai bé nhà cô yêu quá”… Thậm chí các em còn thỉnh thoảng nhắn tin cho tôi trên Facebook để hỏi bài hoặc lịch kiểm tra bài”, cô Hồng cho biết.

Giống như cô Hồng, thầy Hoàng là một giảng viên đại học ngoài 30 tuổi, hiện đã sang Úc du học, cũng là “tín đồ” của Facebook. Rất dễ tìm thấy trên Facebook của cựu giảng viên này những lời bình luận từ các nữ sinh đối với các bức ảnh được đăng tải: “Thầy đẹp trai quá!”, “Thầy ơi, bao giờ lấy vợ?”…

Thầy Hoàng thổ lộ rằng mặc dù đôi khi anh cũng gặp một chút rắc rối vì sự yêu mến ‘có phần thái quá’ của một vài sinh viên nữ nhưng nhìn chung anh cảm thấy rất vui vì vẫn giữ được mối liên hệ với những học trò cũ của mình.

Qua Facebook, người thầy cũ này cũng thích biết được thêm nhiều thông tin về cuộc sống, công việc, sự nghiệp của những sinh viên mà mình đã từng một thời dìu dắt. “Đây là một điều không dễ dàng có được trong cuộc sống hiện đại và rất hối hả ngày nay. Thỉnh thoảng có em còn nhắc lại những kỉ niệm cũ về lớp và đăng ảnh lớp cũ lên khiến tôi rất xúc động,” thầy Hoàng chia sẻ.

Mỗi lần thầy Hoàng sắp về nước là một số sinh viên cũ ở Việt Nam nhắn tin trên Facebook mời thầy đi chơi, hát karaoke hoặc đi… nhậu!

“Soi” thầy, cô giáo

Facebook là mạng xã hội mang tính ‘công cộng’ rất lớn bởi sự chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh của mọi người sử dụng. Do vậy, những giáo viên sử dụng trang mạng xã hội này rất dễ bị các học sinh, sinh viên của mình “soi”. Phổ biến nhất là “soi” ảnh.

Thầy Hoàng cho biết mỗi lần anh đưa một bức ảnh của mình lên mạng là anh nhận được rất nhiều lời bình luận khen, chê… từ phía các sinh viên cũ của mình. Nhất là khi anh để ’lộ’ ra một tấm ảnh nào đó chụp chung với một người bạn gái nào đó thì số lượng comment lại gia tăng đến chóng mặt.
Có lần anh để tấm ảnh đại diện (avatar) là một trái tim bị vỡ, thế là có biết bao câu hỏi dồn dập được gửi đến: “Thầy bị thất tình ạ?”, “Thầy ơi, cố lên!”… khiến anh ngại bị hiểu lầm nên vội vàng rút ngay xuống.

Cô giáo Hồng cũng thường bị học sinh “soi” hàng ngày vì mỗi khi có chuyện vui, buồn, cô đều lên Facebook để chia sẻ với bạn bè.

“Tôi rất vui vì được các em quan tâm đến mình bằng những lời chúc mừng khi tôi có niềm vui hoặc chia sẻ khi tôi buồn. Nhưng đôi khi nó cũng khiến tôi hơi căng thẳng một chút và phải thận trọng hơn với mỗi phát ngôn của mình được đưa ra”.

Có lần, cô Hồng vào xem ảnh của một người bạn cũ thời đại học của mình và để lại trên đó một lời bình luận vui vui mang tính bông đùa nhưng với ngôn từ không được “chỉn chu” lắm. Thế là ngay sau đấy học trò của chị lập tức “nhảy” vào: “Cô nói gì lạ quá cả nhà ơi!”.

Ngay sau khi phát hiện ra, cô Hồng phải nhờ người bạn kia xóa comment của mình ngay lập tức để “không bị méo mó trong mắt học sinh”.

An ủi và động viên trò qua Facebook

Cô giáo Hồng cho biết việc giao lưu với học sinh trên mạng xã hội giúp cô rất nhiều trong việc gần gũi hơn với học trò của mình. Từ đó, cô Hồng hiểu thêm được tâm tư, tình cảm của học trò, thậm chí có thể giúp các em vượt qua được khó khăn trong cuộc sống.

“Có một cô học sinh học khá nhưng tính cách lại hơi cá biệt. Bình thường em này rất ít nói. Thế nhưng em ấy lại hay chia sẻ tâm sự, trải lòng về những chuyện buồn trong gia đình trên mạng. Có lần tôi thấy em ấy để một tin nhắn (status) đầy tâm trạng và rất bi quan trên Facebook. Tôi bèn liên lạc với em để tìm hiểu và được em chia sẻ rất nhiều về hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc của mình. Từ đó, tôi đã phần nào hiểu hơn là tại sao cá tính em lại có xu hướng nổi loạn như vậy và tìm cách giúp đỡ em”, cô Hồng kể.

Có lần, cô Hồng nhận được một tin nhắn trên Facebook của một em học sinh khi đã nửa khuya: “Cô ơi, cô còn thức không, em có việc gấp”. Ngay sau đó, cô đã gọi điện cho em học sinh đó và được em kể là bố mẹ đang chửi mắng nhau khiến em buồn quá. Cô đã phải khuyên nhủ, an ủi và động viên em rất nhiều.

Trên trang Facebook của cô giáo Hồng thỉnh thoảng lại xuất hiện lời cám ơn của một số học trò đã từng được cô động viên, chia sẻ tâm sự để vượt qua lúc khó khăn.

Cựu giảng viên Hoàng cũng thường xuyên đóng vai trò “anh Bồ Câu” tư vấn cho một số sinh viên cũ của mình ở Việt Nam qua Facebook. Hiện đang làm công việc dạy tiếng Việt bán thời gian cho một trường trung học ở Úc, thầy Hoàng vẫn tiếp tục phát huy vai trò này đối với các du học sinh Việt Nam.

Những du học sinh đồng hương này chủ yếu là ở lứa tuổi 15-17, lần đầu tiên xa gia đình để đi du học nên có rất nhiều bỡ ngỡ trong cuộc sống vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc thường xuyên của gia đình. “Vì vậy, các em liên lạc với tôi qua Facebook để nhờ tôi tư vấn mỗi khi gặp khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống”, thầy Hoàng cho biết.

Tuy nhiên, thầy Hoàng cũng cho biết thầy luôn ý thức và thận trọng với mỗi thông tin của mình được đăng lên Facebook.

“Để giữ được sự tôn trọng của học sinh mà lại vẫn cởi mở, gần gũi với các em, thì điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của mình trên Facebook. Nếu mình ăn nói từ tốn, có thái độ chừng mực và luôn biết giữ một khoảng cách nhất định, không xô bồ, dễ dãi với những bức ảnh, lời nói của mình thì mình sẽ luôn giữ được hình ảnh của một người thầy trong mắt các em”, thầy Hoàng chia sẻ.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc