Home » Kinh doanh » Nhập siêu đang gây nhiều bất ổn
Bộ Công Thương cho rằng, việc nhập ngoại thiết bị lạc hậu, thực phẩm kém chất lượng chưa được ngăn chặn. Quản lý nhập khẩu chưa tốt làm trầm trọng thêm sự bất ổn định kinh tế và xã hội.

Tại hội thảo “Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011-2020” diễn ra ngày 14/6 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh xuất khẩu là con đường ngắn nhất để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Trong đó, mục tiêu của chiến lược phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là phải gắn với tính bền vững và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt bài toán hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc là vấn đề được nhiều diễn giả quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh nhấn mạnh, nhập khẩu của Việt Nam phát triển chưa bền vững. Tình trạng nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo quy định an toàn và môi trường còn khá phổ biến, nhất là từ Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu mới chỉ chú trọng đến số lượng, chưa thật sự quan tâm tới chất lượng và hiệu quả dẫn đến giá trị gia tăng còn thấp.

“Việc nhập khẩu thiết bị lạc hậu, thực phẩm kém chất lượng, hóa chất độc hại chưa được ngăn chặn. Quản lý nhập khẩu chưa tốt làm nảy sinh gian lận thương mại, làm trầm trọng thêm sự bất ổn định kinh tế và xã hội”, ông Vĩnh lo ngại.

Ảnh: Hoàng Lan
Nhiều doanh nghiệp dệt may lao đao vì ký đơn hàng từ mấy tháng trước trong khi giá cả tiêu dùng không ngừng tăng lên. Ảnh: Hoàng Lan.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhập siêu đang có xu hướng gia tăng. Nếu như đầu năm nhập siêu chỉ chiếm 16,7% kim ngạch xuất khẩu thì tới tháng 5 tỷ lệ này là 22,7%. Tính chung 5 tháng, cả nước nhập siêu 6,6 tỷ USD, tương đương 19% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 16%. Bộ Kế hoạch Đầu tư dự báo nhập siêu 6 tháng đầu năm có thể lên tới 7,5 tỷ USD, tương đương 18% kim ngạch xuất khẩu.

5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với khu vực châu Á như: Trung Quốc (gần 5,4 tỷ USD), ASEAN (hơn 3,2 tỷ USD), Hàn Quốc (hơn 3,1 tỷ USD), Đài Loan (gần 3,1 tỷ USD), Thái Lan (gần 1,8 tỷ USD).

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại, tỷ lệ nhập siêu quá cao thì Việt Nam không thể phát triển bền vững. Ông Doanh đưa ra nghịch lý khó hiểu là Việt Nam xuất khẩu than nhưng thực tế lại phải nhập khẩu điện, xuất cao su rồi nhập săm lốp về.

Vị chuyên gia nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý trung ương cho rằng, tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc quá cao sẽ dẫn tới việc Việt Nam bị phụ thuộc. “Nhập siêu lớn mà lại thanh toán bằng đồng nhân dân tệ thì chúng ta càng phụ thuộc vào tài chính”, ông Doanh lo lắng.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển dẫn lời Giáo sư Trần Văn Thọ (Nhật Bản) về nguy cơ Việt Nam đang phải đối mặt với hai cái bẫy là thu nhập trung bình và trào lưu mở cửa tự do. Trong đó, vấn đề mở cửa vừa là cơ hội vừa là thách thức nên khai thác nó sao cho hiệu quả không hề đơn giản. “Nhập siêu của Trung Quốc ngày một gia tăng, cần làm rõ là do quan hệ thương mại thuần túy hay do đầu tư”, ông Tuyển nói.

Một số chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, Việt Nam cần áp dụng hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước thông qua các biện pháp phi thuế quan, tự vệ khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá để ngăn chặn việc nhập lậu hàng từ các nư­ớc ASEAN và Trung Quốc. Bên cạnh đó, định vị thị trường, đối tác, mặt hàng là nhiệm vụ quan trọng.

Ông Đinh Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, Việt Nam cần hướng tới mục tiêu cân bằng cán cân thương mại và chuyển sang xuất siêu từ năm 2020 trở đi. “Việc đầu tiên cần làm là phải đạt tiêu chí chất lượng, hiệu quả, tính bền vững trong hàng hóa xuất nhập khẩu và thị trường Việt Nam”, ông Thành nói.

Hoàng Lan

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc