Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ » Nhớ lắm những cái Tết quê
Năm nào cũng vậy, cứ đến cái thời điểm này tôi lại xốn xang cảm xúc khác lạ. Cảm xúc ấy không khác con trẻ nhiều lắm dù tôi cũng đã gần 40 tuổi. Muốn được nhanh chóng kết thúc mọi công việc bận rộn để về quê đón Tết cùng bố mẹ, họ hàng.

18 tuổi, tôi rời quê hương đi học, rồi ở lại Hà Nội làm việc, lập nghiệp. Nhưng từ đó đến nay, gần như chưa bao giờ tôi ăn Tết xa quê, trừ cái Tết lúc còn học ở nước ngoài.

Nhớ lắm những cái Tết quê
Cả nhà quây quần gói bánh chưng

Gần 40 tuổi, phấn đấu đạt một chức vị nho nhỏ, cũng vì thế mà công việc ngập đầu với bao lo lắng, toan tính, thậm chí là mưu mẹo thường nhật. Tết về quê thanh thản giữa xóm làng bình yên trong không khí đầm ấm, quây quần, chợt thấy mình như con trẻ thật trong sáng, hồn nhiên.

Năm nay cũng thế, tôi đặt mục tiêu cố hết sức xong mọi công việc trước ngày 27 âm lịch để 28 lên đường về quê, nơi bố mẹ, họ hàng, anh chị em đang tất bật tổ chức cái Tết còn đậm chất quê.

Nhớ lắm những cái Tết quê Hình ảnh ông lưng còng rạp trong bộ quần áo nhuộm nâu sờn rách, bạc phếch nhọc nhằn bổ củi, ngồi chẻ lạt chuẩn bị gói bánh chưng giữa sân rơm vàng ươm trong cái lạnh se sắt giữa đông, lũ trẻ chúng tôi đùa nghịch xung quanh sẽ lưu lại mãi mãi trong tâm trí tôi. Nhớ lắm những cái Tết quê

Về quê ăn Tết năm nay, chúng tôi không được quay quần bên ông nội nữa. Bà tôi mất sớm, bố tôi đi bộ đội, mẹ tôi tất bật với công việc đồng áng. Thành ra ông tôi phải vất vả chăm sóc anh em chúng tôi.

Gần 2 tháng trước Tết, ông tôi đã chọn nếp cái hoa vàng ủ men nấu rượu mà hồi ấy ông vẫn gọi là “cất rượu” để chuẩn bị rượu ngon uống Tết trong nhà. Rồi ông bổ gốc tre gác lên bếp để kịp khô vào những ngày giáp Tết còn nấu bánh chưng.

Hình ảnh ông lưng còng rạp trong bộ quần áo nhuộm nâu sờn rách, bạc phếch nhọc nhằn bổ củi, ngồi chẻ lạt chuẩn bị gói bánh chưng giữa sân rơm vàng ươm trong cái lạnh se sắt giữa đông, lũ trẻ chúng tôi đùa nghịch xung quanh sẽ lưu lại mãi mãi trong tâm trí tôi.

Càng gần đến Tết, niềm vui của lũ trẻ chúng tôi càng tăng lên mạnh mẽ. Với anh em chúng tôi, niềm vui lúc ấy là chờ mong ngày chú tôi về phép. Bố tôi công tác ở gần nên cứ đến chủ nhật hàng tuần là về nhà.

Hơn tháng trước Tết, chú đã gửi thư về nhà và tôi đã đánh vần đọc hết bức thư thông báo chú sẽ về Tết cho ông tôi nghe. Tôi thấy đôi mắt già nua trên khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ của ông tôi ánh lên niềm vui.

Ông có 3 con trai, bác cả tôi hy sinh ở chiến trường miền Nam, còn lại bố và chú tôi đều trong quân ngũ, cứ đi biền biệt. Vì thế mà sum họp gia đình có đầy đủ con cái, cháu chắt là niềm vui rất lớn đối với ông tôi.

Nhớ lắm những cái Tết quê
Phiên chợ Tết

Rồi cũng đến ngày chú về. Cả nhà tôi vui như có hội. Đó cũng là những ngày sát Tết. Quê tôi có tục “đụng lợn” Tết, nghĩa là khoảng 4 gia đình chung nhau một con lợn chừng 60 – 70kg.

Cả gia đình quây quần ngồi gói bánh chưng. Lũ trẻ chúng tôi thức suốt đêm cùng bố tôi và chú tôi luộc bánh. Thời đói kém, đó là lúc chúng tôi được thỏa thích ăn uống nhiều nhất trong năm.

Sáng 29 Tết mỗi năm, mẹ tôi đều đưa chúng tôi đi chợ Tết. Chợ nằm ở xã bên, họp theo phiên, mỗi tháng chỉ có 9 phiên chợ chính. Những ngày còn lại, chợ vẫn họp, nhưng người đi chợ thưa hơn, gọi là “chợ xép”.

Mẹ tôi quẩy đôi quang gánh đi trước để mua sắm rau củ, gia vị cho những ngày Tết, chúng tôi mỗi đứa một cái áo bông xù xù theo sau vừa chạy vừa đùa nghịch. Đường quê dạo ấy chỉ có xe đạp, hiếm khi có chiếc xe máy nào (mà chúng tôi thường gọi là “bình bịch”) nên chẳng bao giờ lo tai nạn giao thông.

Đi chợ Tết cũng là dịp để người quê hỏi thăm nhau lần cuối cùng trong năm cũ. Ở đó, năm nào chúng tôi cũng được xem màn múa lân, xem chú hề bôi mặt sặc sỡ; lướt qua những bễ lò rèn hừng hực lửa, bác thợ rèn mồ hôi nhễ nhại đang rèn sắc những con dao cuối cùng cho kịp tất niên; lướt qua những hàng lá dong cao như núi; đi qua những hàng tò he sặc sỡ mà tôi thể nào cũng phải ngắm không chán ông Tiến sỹ mũ áo chỉnh tề.

Chợ Tết quê nghèo chỉ có sản vật của nhà nông. Ngoài mua gà vịt, rau củ, mẹ tôi sẽ mua củ nâu về nhuộm áo cho ông tôi mặc Tết.

Nhớ lắm những cái Tết quê
Trò chơi dân gian ngày Tết không thể thiếu ở những miền quê

Khác với mọi bận, mẹ không mua quà mà thay vào đó là mỗi đứa một bộ quần áo mới. Chúng tôi nhất loạt mặc áo mới về khoe trẻ con trong xóm.

Sau bữa cơm tất niên, chúng tôi được bám áo ông và chú đi chơi nhà họ hàng, xóm giềng rồi ra đình làng xin lộc chờ giao thừa. Ở quê tôi, mỗi giao thừa, hầu như nhà nào cũng có người ra đình làng xin lộc bằng cách đốt nén nhang mang về nhà thắp.

Nhớ lắm những cái Tết quê Thời khắc giao thừa, ông tôi mặc áo the đen, khăn lượt chỉnh tề lễ gia tiên, tiễn thần năm cũ, đón thần năm mới. Trong mùi nhang thơm ngát, trong tiếng ngâm thơ xúc động phát ra từ chiếc radio cũ rích bố tôi mua nhiều năm trước, ông tôi chắp tay lầm rầm khấn vái, đôi mắt thành kính hướng lên bàn thờ tiên tổ. Nhớ lắm những cái Tết quê

Thời khắc giao thừa, ông tôi mặc áo the đen, khăn lượt chỉnh tề lễ gia tiên, tiễn thần năm cũ, đón thần năm mới. Trong mùi nhang thơm ngát, trong tiếng ngâm thơ xúc động phát ra từ chiếc radio cũ rích bố tôi mua nhiều năm trước, ông tôi chắp tay lầm rầm khấn vái, đôi mắt thành kính hướng lên bàn thờ tiên tổ.

Trong cái không khí nghiêm trang, xúc động ấy, chúng tôi không chờ bố mẹ nhắc nhở ngồi lặng yên, không đùa nghịch, hò hét như lúc trước…

Sáng mồng một Tết, ông tôi, bố mẹ, chú tôi mừng tuổi các cháu. Sáng sớm, mọi người đã tấp nập đi lễ gia tiên ở nhà thờ họ, rồi đi lễ ở đình làng.

Sau buổi trưa, chúng tôi lao về hướng trung tâm xã, nơi đang có trò đánh đu, chọi gà và chơi cờ tướng. Thanh niên nam nữ trong bộ cánh mới háo hức chờ đến lượt mình để được leo lên cây đu nhún sao cho bay lên cao nhất.

Ở bãi đất trống bên kia, già trẻ lớn bé xúm lại hò hét cổ vũ cho cặp gà chọi mình đỏ au đang hăng tiết xông vào chọi. Ngay bên cạnh, lũ trẻ đang đánh đáo, cũng hò hét ầm ĩ.

Khu bên cạnh, tĩnh lặng hơn, những cụ ông hay người trung niên trong áo the, khăn xếp tay cầm lá cờ nhỏ trầm ngâm, đăm chiêu đi lại tính những nước cờ tướng quyết định. Quân cờ được làm bằng thanh gỗ dài xếp trên bãi đất rộng nên càng tăng thêm vẻ trang nghiêm cho những người chơi cờ…

Thế rồi những ngày Tết đầy háo hức cũng qua đi. Bố tôi, chú tôi trở lại đơn vị. Mẹ tôi trở lại với công việc đồng áng bận rộn bởi ra giêng là bước vào vụ cấy. Chúng tôi trở lại trường học trong niềm nuối tiếc niềm vui.

Thấm thoắt cũng lại đến Tết, rồi chúng lại trở lại với bao toan tính của cuộc sống…

“Bao giờ về lại ngày xưa…” Tôi chợt lẩn thẩn nghĩ…

Những ngày Tết ấm áp đang kề cận. Những người xa quê lâu ngày hẳn không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ngày Tết đã xa, nhưng sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí. Quý độc giả hãy bớt chút thời gian để lòng mình lắng lại chia sẻ những kỷ niệm của mình ở mục bình luận bên dưới.



theo vtcnews


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc