Home » Tiêu Điểm, Xã hội » ‘Sách người Việt viết mà có cờ Trung Quốc rõ ràng là có ý đồ’

TS Nguyễn Tùng Lâm không kìm được sự bức xúc và thẳng thắn trả lời phỏng vấn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam với không ít ý kiến khá gay gắt.

Chiều 7/3, sau một ngày dài họp HĐND TP Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Thủ đô, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng biết được thông tin lại có thêm cuốn sách in lá cờ Trung Quốc do chính người Việt Nam xuất bản. Ông không kìm được sự bức xúc và thẳng thắn trả lời phỏng vấn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam với không ít ý kiến khá gay gắt.
   
Không còn là chuyện của trẻ con
   
– PV: Thưa ông, với tư cách là một nhà tâm lý giáo dục, một người thầy và nhà quản lí, ông có suy nghĩ gì về hiện tượng một số cuốn sách cho mầm non có vẽ cờ Trung Quốc?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Có một số vấn đề đặt ra trong tình huống này, trước hết về mặt chính trị giữa chúng ta và Trung Quốc (nước bạn có nhiều động thái vi phạm chủ quyền lãnh thổ trên biển), vì thế những việc như thế này phải hết sức cẩn trọng. Thí dụ, nếu sách giáo dục tình hữu nghị thì phải có nhiều cờ của nhiều nước, lúc đó có thêm cờ Trung Quốc còn có thể khả dĩ, nhưng đây lại có duy nhất cờ Trung Quốc thì không khác gì là một hình thức tiếp tay, tuyên truyền cho tư tưởng bá quyền của Trung Quốc.
Chúng ta đều biết từ những thứ rất nhỏ như bản đồ không có Trường Sa, Hoàng Sa hay đèn lồng Trung Quốc cũng đưa sang, tức là người ta tìm mọi cách để xuyên tạc sai về chủ quyền lãnh thổ. Thế nên những chuyện như thế này là không được, về mặt chính trị đơn thuần thì các NXB phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói là vô can, đây là một cách làm việc không cẩn trọng.   

 

 

Về mặt giáo duc: Đối với thế hệ mầm non đây là những hình ảnh khiến cho trẻ có những ấn tượng rất sâu sắc. Rõ ràng đưa hình ảnh này vào trong khi sách lại có chủ đề “Rèn trí thông minh…”, sách do người Việt Nam làm mà lại vẽ cờ Trung Quốc, tôi không biết ý đồ ở đây là gì nhưng rõ ràng là có ý đồ. Làm như vậy là chúng ta có lỗi lớn, tạo cho các em có những ấn tượng không đúng với khoa học giáo dục, có những ấn tượng sai mà sau này trong gia đình, trong cuộc sống chúng ta phải giải thích lại.
Chúng ta đang giáo dục lòng yêu nước bắt đầu là làm quen với chữ cái “C” trong đó có chữ “Cờ” mà lại không có cờ Việt Nam thì rất vô lí, không gì có thể chối cãi, biện hộ được ở đây.
Tôi nhấn mạnh ở đây không còn là chuyện trẻ con, mà thành chuyện của người lớn, ý thức cảnh giác, ý thức tự tôn dân tộc, ý thức bảo vệ tổ quốc, tất cả những chuyện đó chúng ta phải đặt ra để những người làm việc này không thể chối cãi, không thể vô tình, từ tác giả, NXB, người kiểm duyệt và tất cả hệ thống quản lí của chúng ta phải tự đánh giá kiểm điểm để sau này không xảy ra chuyện này nữa.
Chúng ta không chụp mũ cho ai nhưng không được coi đây là việc vô tình, phải đặt trách nhiệm cao trong tình hình đất nước chúng ta hiện nay.
   
Không có chuyện người vẽ “vô tình”
   
– Ông có cho là người làm sách chỉ vô tình vẽ nhầm?
TS Nguyễn Tùng Lâm:Ở đây có 2 vấn đề đặt ra phải rất nghiêm túc.Thứ nhất người vẽ không thể vô tình được. Đây là việc làm nếu nói nhẹ thì là: thiếu cẩn trọng, thiếu suy nghĩ, thiếu tính toán. Nhưng câu hỏi đặt ra tại sao không rơi vào những trường hợp cờ nước khác mà lại rơi vào cờ của Trung Quốc? Nên biện hộ là quên, nhầm lẫn, không chú ý thì đặt trong tình hình hiện nay tôi không tin điều đó được. Hoàn toàn tôi không thể tin được đó là sự vô tình.Cũng có thể lý giải đó là một ám thị của một sao chép rồi chúng ta cứ sao chép vào sách, nhưng tôi cũng không thiên về cách giải thích này, mà cho rằng người làm việc này phải chịu trách nhiệm, chứ không đơn giản là vô tình.

Thứ hai, hệ thống kiểm duyệt của chúng ta về những văn hóa phẩm tôi nghĩ là quá dễ dãi. Muốn ra một cuốn sách phải có cả một quá trình kiểm duyệt qua nhiều người chứ không phải một người, nhưng trong trường hợp này ai cũng… tin nhau!
– Liệu chăng đây có thể chỉ là “tai nạn” trong một khâu nào đó khi xuất bản?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Với cuốn sách mà chúng ta mua bản quyền của Trung Quốc thì có thể giải thích được, vì mua bản quyền nên trong hợp đồng phải giữ nguyên, cái lỗi ở đó là lỗi kiểm duyệt. Còn sản phẩm của người Việt Nam, người Việt Nam vẽ thì hoàn toàn phải chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho ai được.
– Trong nhiều năm qua xã hội chúng ta tràn ngập văn hóa – nhất là phim ảnh Trung Hoa. Thế nên, ở góc độ tâm lý, việc vẽ cờ Trung Quốc liệu có thể do quen quá mà nhầm không, thưa ông?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Không thể lấy bất cứ một lí do gì để giải thích trong chuyện này được. Trong bài tập đó có bao nhiêu thứ sao không lấy lá cờ khác, thậm chí là cờ đuôi nheo cũng được, tại sao cứ phải lấy cờ Trung Quốc? Chuyện này hoàn toàn vô lí, tác giả không thể chối được.
– Qua sự việc này ông có nghĩ rằng “an ninh văn hóa” của chúng ta đang lỏng lẻo?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Đúng quá! Đây là sách còn có thể kiểm duyệt được, hệ thống kiểm duyệt sách là chặt chẽ mà còn để hở như thế, thì bảo đảm an ninh mạng còn khó khăn hơn. Riêng về sách và ấn phẩm, tôi nghĩ từ nay chúng ta phải xác định rõ người chịu trách nhiệm trong quá trình kiểm duyệt, phải có kỷ luật chặt chẽ. Tôi biết ngày nay sách lỗi chính tả, in ấn rất nhiều, những chuyện như vậy gần như là không có kiểm duyệt. Cảm giác hệ thống kiểm duyệt rất lỏng lẻo.
   
Đã đến lúc “tranh chấp” bằng văn hóa
   
– Báo chí nói nhiều về văn hóa ngoại lai đang ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, nhất là với những người trẻ. Ông có góp ý gì để chúng ta giữ gìn được sự trong sáng của văn hóa Việt, của con người Việt và lòng tự tôn dân tộc?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Theo tôi chúng ta phải làm từ ba phía. Trước hết phải giáo dục cho dân mình có ý thức tự tôn của dân tộc, trong đó vai trò của nhà trường rất quan trọng, đưa ra những hoạt động phù hợp cho lứa tuổi các em, uốn nắn thế hệ trẻ vào những hoạt động đó. Gia đình cũng phải có ý thức về việc này.
Mặt thứ hai, các cơ quan quản lí về văn hóa phẩm phải được siết chặt hơn, phải có đủ lực lượng để ngăn chặn, có nghiệp vụ để giải quyết, vì hàng lậu chỉ ảnh hưởng về mặt kinh tế, tác động nhiều về vật chất nhưng tác động về mặt văn hóa thì lại ảnh hưởng lâu dài về cả kinh tế lẫn con người. Chúng ta phải coi trọng điều này.
Phía thứ ba, phải biết cách “đấu tranh” bằng văn hóa chứ không thể để lép vế mãi được nữa. Tức là chúng ta cần tung một lực lượng văn hóa phẩm ưu tiên cho những vùng cao, vùng biên giới. Tôi lấy ví dụ, phim Việt Nam có thể phải đưa lên những vùng cao, vùng biên giới một cách ưu tiên hơn. Sách vở, báo chí cần phải được đưa nhiều tới trường học ở những nơi xa xôi như vậy.
– Qua sự việc cụ thể như này, giả sử còn những cuốn sách tương tự, thì tầng lớp mầm non nếu tiếp nhận sẽ nhận thức như thế nào thưa ông?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi nghĩ nếu chỉ “lọt” 1 đến 2 cuốn sách như thế thì chưa ảnh hưởng lớn tới trẻ em ngay, vì nó còn đang như muối bỏ bể, nhưng tôi đặt một vấn đề lớn hơn, chính câu chuyện trẻ con hôm nay là chuyện của người lớn của chúng ta, chuyện của xã hội.
Chúng ta vẫn có nhiều người sáng suốt để phơi ra những việc này, tôi tin đất nước, dân tộc mình đủ sức thông minh, tôi không sợ ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, nhưng trên quan điểm phải làm đúng nguyên tắc, không tùy tiện để hôm nay xảy ra chuyện này ngày mai lại xảy ra chuyện khác, nếu như vậy thì xã hội chúng ta bất an. 1 đến 2 cuốn sách chúng ta có ý thức lên tiếng mạnh mẽ như vậy là tốt.Qua đây chúng ta không nên có quan điểm đây chỉ là sai sót, nhầm lẫn mà nó là vấn đề quan trọng, từng bộ phận phải rút kinh nghiệm. Tôi nhắc lại đây là câu chuyện của người lớn.
– Ông đánh giá như thế nào về động thái của hai NXB khi tiến hành cho thu hồi?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho việc thu hồi là đúng, không chối bỏ trách nhiệm là tốt. Từ câu chuyện này bản thân hai NXB không chỉ thu hồi sách mà phải kiểm điểm lại hoạt động của mình, ngoài những cuốn sách này còn có sai sót nào ở những cuốn khác không, phải thực sự nhìn thẳng vào sự thật, nhìn tổng thể để xây dựng lại nguyên tắc làm việc, những ai sai sót phải tự chịu trách nhiệm chứ không được dung túng.Tôi nhấn mạnh, tính chất giáo dục của mỗi ấn phẩm cần phải được đề cao hơn nữa.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
TS Nguyễn Tùng Lâm hiện là Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên hiệp các Hội khoa học & kỹ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Thủ đô, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Từ năm 2011, ông là Đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011 – 2016, đại diện cho tiếng nói của nhân dân Quận Đống Đa, TP Hà Nội.
theo GDVN

3 ý kiến dành cho “‘Sách người Việt viết mà có cờ Trung Quốc rõ ràng là có ý đồ’”

  1. bebolove 09/03/2013

    thời kỳ nào chẳng có bọn Việt gian bán nước chứ

    Reply
  2. langchang 09/03/2013

    Bọn tàu mà biết được chắc chúng vui như việc chúng thu hồi được đảo Đài Loan. Theo tôi những người có liên quan phải chịu hình thức xử lý thích đáng nhất cho những thiếu sót,tác trách của mình. Thật như chuyện hài mà báo Trung Quốc viết để cổ vũ cho tham vọng vô lý của chúng.Đúng là “Rước voi về xéo mã Tổ”

    Reply
  3. quoc hung 11/03/2013

    muc nat tu trong muc ra .mat nuoc den noi roi

    Reply