Home » Chia sẻ, Cuộc sống số » WeChat: Âm mưu chính trị trả giá bằng lợi ích kinh tế
Trước Tết, vụ việc ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí WeChat của Tập đoàn Tencent (Trung Quốc) âm thầm đưa “bản đồ đường lưỡi bò” vào nội dung nhằm tuyên truyền cho tư tưởng bành trướng đã bị người dùng Việt phát hiện và phản đối.

Từng khuếch trương với con số gần hai triệu người dùng tại VN, và luôn có số lượt tải cao hàng đầu tốp các ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí trên Internet, trong gần hai tháng trở lại đây WeChat đã tuột dốc thê thảm.

Trước đó ở thời điểm tháng 12/2012 và tháng 1/2013, WeChat luôn đứng trong tốp dẫn đầu. Đặc biệt là khi chưa có nhiều ứng dụng cùng loại chính thức tham gia thị trường, thì WeChat gần như “một mình một chợ”.

Khách quan mà nói, WeChat là một ứng dụng có chất lượng khá tốt và được Tencent – một tập đoàn với giá trị vốn hóa lên đến vài chục tỉ USD trên sàn chứng khoán – đầu tư bài bản. Tuy nhiên, khi một sản phẩm truyền thông số lại chuyển tải một âm mưu truyền bá tham vọng thâu tóm lãnh thổ một cách bất chính, thì hậu quả nó phải hứng chịu cũng tương xứng.

WeChat bị rớt khỏi tốp ứng dụng “liên lạc” hàng đầu trên Google Play

WeChat bị rớt khỏi tốp ứng dụng “liên lạc” hàng đầu trên Google Play

 

Từ chỗ nằm trong tốp 3 vào thời điểm tháng 1/2013 cùng với các ứng dụng khác như Facebook Messenger, Zalo trên chợ ứng dụng Apple VN, sang tháng 2/2013 thứ hạng của WeChat bị rơi tự do, có lúc bị tách xa khỏi tốp 10.

Còn theo kho ứng dụng Google Play dành cho thiết bị chạy hệ điều hành Android vào thời điểm ngày 14/3/2013, trong mục ứng dụng “liên lạc miễn phí hàng đầu”, WeChat xếp thứ 13, đứng sau các ứng dụng như Viber, LINE, Zalo, Yahoo!Messenger, GO SMS Pro, KakaoTalk…

Người dùng Việt đã thực sự tẩy chay WeChat chỉ vì ứng dụng này lạm dụng sự tín nhiệm của họ mà mưu đồ bất chính, lợi dụng ưu thế của sản phẩm truyền thông số từ lĩnh vực kinh doanh thực hiện âm mưu chính trị.

Các doanh nghiệp Việt, đến bây giờ hẳn đã thấm thía hiểm họa và những rủi ro từ những “bản đồ đường lưỡi bò” trong các sản phẩm truyền thông số, hay những hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc hay có gốc gác Trung Quốc khi nhìn vào trường hợp “tai nạn” của VNG với game Chinh Đồ.

Tuy nhiên, cũng cần cảnh báo theo hướng ngược lại: Các doanh nghiệp Trung Quốc nếu lợi dụng niềm tin của doanh nghiệp Việt trong môi trường kinh doanh để mưu đồ truyền bá tư tưởng bành trướng, lấn chiếm lãnh thổ bất chính, thì cũng sẽ không qua mắt được công chúng Việt.

Người tiêu dùng Việt sẽ có biện pháp ứng phó thích đáng. Hãy nhìn từ vụ game Chinh Đồ (bị dừng phát hành) và ứng dụng WeChat (bị tẩy chay) để rút ra bài học mà biết cách hành xử đúng đắn và thích hợp.

Chính vì WeChat bị người tiêu dùng Việt tẩy chay, các ứng dụng đối thủ như Zalo (VN), LINE (Nhật Bản), KakaoTalk (Hàn Quốc)… mới có cơ hội bứt phá lên tốp đầu và tạo được thiện cảm đối với người dùng Việt. WeChat đã và đang mất đi cơ hội từng có theo như câu thành ngữ “gieo gió gặt bão”.  

Theo baodatviet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc