Home » Sức khỏe, Tiêu Điểm » 108 trẻ tử vong do sởi! Sao chưa công bố dịch?

Theo báo cáo của tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, từ 30.1.2014 đến nay, chỉ riêng tại bệnh viện này đã có tới 103 trẻ đã tử vong do sởi…

Trước tình hình nghiêm trọng của bệnh sởi, chiều 15.4 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến làm việc với Bệnh viện Nhi T.Ư.
 Trẻ phải thở máy do biến chứng bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh chụp sáng 15.4.

Trẻ phải thở máy do biến chứng bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh chụp sáng 15.4.

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, tại Khoa Nhi Bạch Mai (Hà Nội) cũng đã có 4 ca tử vong do sởi, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có 1 ca tử vong. “Dịch sởi năm nay diễn biến nghiêm trọng, với các biến chứng do sởi, diễn biến bệnh rất nhanh, khiến cho các bác sĩ trở tay không kịp. Hiện, bệnh nhân vẫn nhập viện do bệnh sởi vẫn không giảm. Bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận” – ông Lê Thanh Hải thông tin.

Gia tăng lây nhiễm chéo

Sáng 15.4, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) – mới được “đổi tên” thành Khoa Sởi – nóng như chảo lửa. Hơn 1 tháng nay, lúc nào khoa cũng chật cứng trên dưới 200 bệnh nhân bị sởi, mà chủ yếu là các cháu dưới 18 tháng tuổi. Chúng tôi chứng kiến tình trạng 3-4 trẻ 1 giường, cùng chung 1 máy thở. Hàng chục trẻ đang phải gồng mình chống chọi với thần chết…

Chị M (Bắc Ninh) đã vật vờ ở viện hơn 2 tháng nay. Chị cho biết, con chị mới hơn 7 tháng tuổi, nhập viện vì bị viêm phế quản. Bé chưa kịp ra viện thì bị mắc sởi. Bệnh diễn tiến rất nhanh, phim chụp phổi của bé trắng xóa, phải thở máy liên tục, bác sĩ tiên lượng rất xấu. Từ lúc con thở máy, chị như đứng trên đoạn đầu đài. Hơn 2 tháng qua, chị đã chứng kiến nhiều bà mẹ bị mất con vì bệnh sởi. Vì thế, chị chỉ mong nghe được tiếng khóc của con, vì còn khóc được thì vẫn còn sức, còn sự sống.

Theo khảo sát dịch tễ, trong số bệnh nhi mắc sởi đa số là trẻ dưới 2 tuổi, 21% trẻ dưới 9 tháng tuổi. Có đến 88% trẻ mắc sởi chưa được tiêm chủng.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó khoa Truyền nhiễm cho biết: “Dịch sởi năm nay quá bất thường. Năm 2009-2010, tuy dịch sởi có số lượng mắc lớn nhưng bệnh viện cũng chỉ tiếp nhận khoảng 100 trường hợp, còn các năm không có dịch thì mỗi năm chỉ nhận 30-40 ca. Năm nay khoa tiếp nhận tới 200 trẻ, bệnh biến chứng viêm phổi quá nhanh, rất khó khăn để cứu sống các cháu”.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hải cho hay, từ cuối năm 2013 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhi bị mắc sởi, 50% do các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên; 50% do người dân tự đến. Đây là con số kỷ lục hơn cả dịch sởi năm 2009-2010 (khiến hơn 8.000 trẻ mắc, trong đó hơn 100 trẻ nhập viện).

Không chỉ Khoa Truyền nhiễm bị chuyển thành “Khoa Sởi” mà các phòng bác sĩ của Khoa Tâm bệnh, Đông y, Cấp cứu lưu đều bị huy động làm bệnh phòng điều trị sởi. TS Hải lo ngại, bệnh nhi dồn về quá đông, nhiều trẻ đồng nhiễm cùng lúc nhiều loại virus (sởi, virus gây tiêu chảy, virus gây viêm phổi, viêm đường hô hấp) khiến cho trẻ bị suy hô hấp, suy đa phủ tạng, sức khỏe suy giảm rất nhanh.

Có nhiều ca, bệnh viện đã phải huy động hết nhân lực, vật lực để thực hiện các kỹ thuật cao, tiêu tốn nửa tỷ đồng mà vẫn không cứu được. “Thiếu giường, bệnh nhi phải nằm chồng chéo khiến cho bệnh sởi càng có điều kiện hoành hành. Không ít trẻ đến bệnh viện điều trị viêm phổi, bệnh tim… đã bị lây nhiễm chéo bệnh sởi”- TS Hải cho biết.

Tại sao không công bố dịch?

Cho tới ngày 15.4, Bộ Y tế công bố, các ca tử vong do bệnh sởi và các biến chứng sởi mới dừng lại ở con số 25 (kể cả ở Hà Nội và các tỉnh). Trong khi đó, các ca biến chứng sởi tử vong tại viện và bệnh nặng xin về (đợi chết – PV) ở Bệnh viện Nhi T.Ư diễn ra hàng ngày và trong suốt hơn 3 tháng qua. Các ca bệnh hiện nay tập trung chủ yếu ở Bệnh viện Nhi T.Ư, Bạch Mai và Xanh Pôn (Hà Nội).

Trước tình hình nghiêm trọng của bệnh sởi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bệnh viện Nhi T.Ư và Bộ Y tế khẩn trương tìm mọi giải pháp để kiềm chế, tiến tới hạn chế bệnh sởi lan rộng và hạn chế thấp nhất số trẻ tử vong.

Cục Quản lý khám chữa bệnh và các bệnh viện bằng mọi biện pháp không để bệnh sởi lây chéo với các bệnh khác khi bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở y tế; Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tính toán, cân nhắc, công bố dịch nếu thực sự cần thiết.

Tình hình bệnh sởi đang “nóng rẫy”, các bà mẹ có con bị bệnh nặng cũng sợ không dám đưa con đến Bệnh viện Nhi T.Ư vì sợ nhiễm bệnh. Trước câu hỏi “tại sao chưa công bố dịch?”, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định, sởi là dịch bệnh nhóm B, UBND tỉnh có quyền công bố dịch.

Nếu từ 2 tỉnh trở lên công bố dịch thì Bộ mới công bố. Tuy nhiên, ông Phu cũng nhận định, diễn biến dịch sởi năm nay khác “truyền thống”, trẻ bị đồng nhiễm nhiều loại virus, diễn tiến bệnh nặng rất nhanh. “Bộ Y tế sẽ gấp rút họp Hội đồng chuyên môn để bổ sung thêm các khuyến cáo mới vào phác đồ điều trị bệnh sởi” – ông Phu cho biết.

Các ca mắc sởi nặng tập trung chủ yếu ở Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội cũng không công bố dịch. Ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tích lũy từ đầu năm, Hà Nội có hơn 800 ca mắc sởi, rải rác tại các xã, phường chứ không tập trung với mật độ lớn, do đó khó có khả năng bùng phát thành dịch.

Với quan điểm như vậy, chưa tỉnh, thành nào công bố dịch. Vì thế, Bộ Y tế vẫn “bình chân như vại”. Cha mẹ bệnh nhi mong mỏi, đã đến lúc cần lắng nghe cơ sở điều trị, nhìn nhận bệnh dịch khách quan để có các hành động kiểm soát bệnh đúng với mức độ nguy hiểm của nó.

Theo GS – TS Nguyễn Thanh Liêm – nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, xét cả về 3 phương diện: Mức độ lây truyền, khả năng đáp ứng của các bệnh viện, con số tử vong thì đều khó có thể nói dịch sởi đang được kiểm soát tốt. Dịch sởi bùng phát cho thấy cần phải xem xét lại một số vấn đề của chương trình tiêm chủng mở rộng. Có lẽ mức độ bao phủ của chương trình không cao như chúng ta vẫn nghĩ.

(Theo Dân Việt.)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc