Home » Sức khỏe » Dịch Ebola Tây Phi vượt tầm kiểm soát : Làm thế nào vượt qua nỗi sợ ?
Một thành viên tổ chức từ thiện Thiên chúa giáo Samaritan's Purse đào tạo một ê kíp phòng chống dịch do vi rút Ebola tại Liberia REUTERS/Samaritan's Purse

Một thành viên tổ chức từ thiện Thiên chúa giáo Samaritan’s Purse đào tạo một ê kíp phòng chống dịch do vi rút Ebola tại Liberia
REUTERS/Samaritan’s Purse

Kể từ khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, 08/08/2014, để đối phó với dịch Ebola, vi rút ác hiểm miền Tây Châu Phi tiếp tục giết thêm nhiều người. Theo một số dự đoán, đại dịch có thể kéo dài đến cuối năm. Cơ sở y tế yếu kém, chậm trễ trong nhận thức nguy cơ dịch bệnh, dân chúng mất lòng tin vào chính quyền, thiếu đầu tư cho vắc xin và thuốc đặc trị là một số nguyên nhân căn bản khiến bệnh dịch đang vượt quá tầm kiểm soát.

Ebola là vi rút có khả năng lây nhiễm khá dễ dàng, nếu tiếp xúc với người mắc bệnh, và một khi bị nhiễm thì tỷ lệ tử vong rất cao. Từ 14 đến 16/08, thêm 84 người chết, đưa tổng số người thiệt mạng vì Ebola lên 1.229 người kể từ khi dịch bùng phát 5 tháng nay. Trong số 2.240 người được biết là nhiễm vi rút, hoặc tình nghi bị nhiễm (theo WHO), đã có 1.229 người thiệt mạng, tỷ lệ tử vong trung bình là hơn 50%. Liberia, Guinea, Sierra Leone, ba nước đầu tiên bị dịch, là các quốc gia nghèo, bị nội chiến hoành hành cách nay không lâu, có hệ thống y tế rất yếu kém. Bất chấp các hỗ trợ tích cực tại chỗ của nhiều tổ chức y tế quốc tế như Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ, Y sĩ Không Biên giới… và đóng góp của nhiều quốc gia khác, cũng như tình trạng khẩn cấp được ban bố tại những nơi có dịch, bệnh dịch Ebola – vốn không có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu – chưa có biểu hiện được ngăn chặn, gây nhiều lo sợ. Nhiều tổ chức nhân đạo tuyên bố không thể huy động thêm người vào các hoạt động chống dịch, vì đã nỗ lực tối đa.

Ngày 12/08, Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm bác sĩ David Nabarro là làm người điều phối của Liên Hiệp Quốc trong việc ngăn chặn Ebola. Bác sĩ Nabarro từng đảm nhiệm chức trách người điều phối của Liên Hiệp Quốc trong các chiến dịch ngăn chặn đại dịch cúm gà và dịch SRAS, năm 2006 và 2003.

Ngày 14/08, Tổ chức Y tế Thế giới thừa nhận mức độ trầm trọng của bệnh dịch « được đánh giá quá thấp » và các con số chính thức có thể còn xa với sự thực.

Ngày 15/08, Tổ chức Y sĩ Không Biên giới đưa ra dự đoán dịch Ebola còn kéo dài 6 tháng nữa.

Một số quốc gia Châu Phi đóng cửa biên giới với các nước vùng dịch

Các quốc gia vùng dịch đều tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Riêng Liberia, nơi bệnh dịch được coi là tiến triển mạnh nhất, với 466 người chết, đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 21 giờ đến 6 giờ sáng, có hiệu lực từ tối nay.

Để tự vệ, một số nước láng giềng quyết định đóng cửa biên giới với các nước vùng dịch, bất chấp những tác hại rất lớn của quyết định này đối với bản thân nền kinh tế quốc gia, bất chấp khuyến cáo không cần ngăn chặn việc giao thông đi lại của Tổ chức Y tế Thế giới. Ngày 14/08, Cameroun tuyên bố hoãn các chuyến bay từ bốn quốc gia bị dịch, gồm ba nước Tây Phi nói trên và Nigeria, quốc gia thứ tư bị dịch, nơi được ghi nhận có bốn trường hợp tử vong vì Ebola. Ngày 18/08, Cameroun quyết định đóng cửa 2.000 km biên giới với nước láng giềng Nigeria. Một số nước Châu Phi như Kenya, Tchad cũng đã có các quyết định tương tự. 

Trước nguy cơ xu thế đóng cửa biên giới, đình hoãn các tuyến bay nối với các vùng bị dịch lan rộng, gây các thiệt hại khó lường, hôm qua, 18/08, WHO thông báo, Tổ chức Y tế Thế giới cùng Tổ chức hàng không dân sự quốc tế (OACI), Hiệp hội giao thông hàng không quốc tế (IATA), Tổ chức Du lịch Thế giới… đã lập ra một nhóm làm việc để « theo dõi dịch bệnh Ebola » tại Tây Phi, « cung cấp các thông tin kịp thời cho ngành lữ hành,du lịch cũng như các du khách » (cũng theo WHO, nhóm làm việc đã có cuộc họp đầu tiên ngày 13/08).

Thuốc đặc trị và vắc xin đại trà : ít nhất phải cuối năm 

Vấn đề nhanh chóng đưa thuốc đặc trị đang trong giai đoạn thực nghiệm vào sử dụng để cứu cấp những người nhiễm vi rút được giới chuyên gia đặt ra khẩn thiết trong bối cảnh bệnh dịch đang vượt tầm kiểm soát. Giáo sư Peter Piot, người phát hiện vi rút Ebola năm 1976, đã khuyến cáo WHO đưa liệu pháp đặc trị Ebola đang trong giai đoạn thực nghiệm vào sử dụng ngay để cứu người tại các vùng dịch ở Châu Phi. 

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới bật đèn xanh cho việc sử dụng thuốc thực nghiệm vào thí điểm cho người, Hoa Kỳ đã gửi tới Liberia dung dịch ZMapp, do hãng bào chế Mapp Biopharmaceutical sản xuất. Thuốc này đã được dùng để điều trị hồi cuối tháng 7 cho hai nhân viên y tế Mỹ bị nhiễm vi rút sau khi làm việc tại Tây Phi, cho kết quả khả quan. Với số lượng rất hạn chế, hiện tại dược phẩm ZMMap mới chỉ được dùng để điều trị cho các nhân viên y tế tại Liberia bị nhiễm vi rút. 

Vắc xin phòng Ebola hiện đang được một số tập đoàn dược phẩm nghiên cứu và thử nghiệm. Theo Reuters, ngày 13/08, Canada hứa sẽ cung cấp từ 800 đến 1.000 liều vắc xin phòng Ebola (trên tổng số 1.500 liều dự trữ), cũng trong giai đoạn thử nghiệm, cho WHO. Theo một người phụ trách Cơ quan y tế công Canada, bác sĩ Greg Taylor, nước này cần từ 4 đến 6 tháng để sản xuất được loại vắc xin này với số lượng lớn. Loại vắc xin nói trên do công ty dược BioProtection Systems, chi nhánh của Newlink Genetics, sản xuất, đã được thực nghiệm thành công trên động vật, nhưng chưa từng được áp dụng trên người, theo người phụ trách Y tế Canada nói trên. Trong bài trả lời được RFI, bác sĩ Jean-Marie Okwo Bélé, phụ trách bộ phận vắc xin và miễn dịch của WHO, cho biết một vắc xin chống Ebola cũng đang được hãng dược phẩm GSK triển khai và có thể được đưa vào sử dụng trong năm 2015. 

Trả lời câu hỏi của báo Libération (trong bài « Ebola : Bệnh của người nghèo ở những nước nghèo ») về nguyên nhân vì sao cho đến nay chưa có dược phẩm đặc trị Ebola, Phó Tổng giám đốc WHO, bà Marie-Paule Kieny, giám đốc nghiên cứu Inserm, Viện y tế và nghiên cứu y học Pháp, cho biết : 

« Rõ ràng có một sự khiếm khuyết trong dự đoán. Chúng ta không có bất cứ phương thức điều trị nào, ngay cả khi khả năng tạo ra là có. Đứng từ góc độ kỹ thuật, đây không phải là vấn đề hết sức khó khăn. Đây là một thất bại của xã hội dựa trên thị trường, một xã hội của tiền bạc và lợi nhuận. Ebola là căn bệnh của những người nghèo, ở những nước nghèo, và điều này chỉ khiến rất ít người quan tâm. Tại Châu Âu, việc điều trị được phát triển đối với các bệnh hiếm, ví dụ như các bệnh di truyền, cho dù chỉ liên quan đến ít ngườ, bởi các bệnh nhân hay quỹ bảo hiểm xã hội có thể trả tiền. Còn ở đó, người dân không có tiền, như vậy không có gì để khuyến khích việc nghiên cứu thuốc. Đặc biệt là khi phát triển thuốc đòi hỏi rất nhiều tiền, hàng trăm triệu euro. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nói rằng không có gì được làm cả. Nhiều nhà khoa học và nhiều tổ chức nhỏ đã làm việc về vi rút Ebola. Các tài trợ của chính phủ Mỹ, trong khuôn khổ cuộc chiến chống vũ khí sinh học khủng bố, đã cho phép nghiên cứu tiến triển. Nhờ thế mà một số phân tử mang lại hứa hẹn đã được phát triển đến mức độ tương đối cao. Không may là, các hãng bào chế đã không đi đến được giai đoạn phát triển cuối cùng, cụ thể là việc thực nghiệm lâm sàng trên người, bởi vì giai đoạn R&D, nghiên cứu thực nghiệm này là tốn kém nhất. » 

Ông Bruno Canard (giám đốc nghiên cứu CNRS) (bài « Ebola : Nỗi sợ có ích », Le Monde, 13/08/2014), cho biết số lượng các nghiên cứu về Ebola là hết sức ít : theo PubMed, trong khi có 279 325 xuất bản khoa học về vi rút HIV/AIDS và hơn 34.000 nghiên cứu về viêm gan B, thì theo một nghiên cứu khác, chỉ có 37 bài báo tiếng Pháp về Ebola, không có bất cứ bài nào về các trị liệu đang được nghiên cứu. Còn trên trang của Cơ quan Khoa học Quốc gia Pháp, chỉ có 4 dự án về Ebola, trên tổng số 10.000 dự án được tài trợ. Tình trạng nghiên cứu về Ebola cũng tương tự với nhiều bệnh truyền nhiễm khác ở xứ nhiệt đới. 

Tại sao bệnh dịch lại bùng lên ở quy mô lớn ?

Trong cuộc tọa đàm với chương trình tạp chí Y tế của RFI, bác sĩ Daogo Sosthène Zombre, người phụ trách điều phối chống dịch Ebola tại Guinea của WHO, giải thích :

« Sở dĩ bệnh dịch đã phát triển đến tầm mức này là vì, trước hết phải nói rằng, lúc đầu các trường hợp mắc bệnh đầu tiên đã không được phát hiện ra. Những người bị bệnh nặng đã được để sống cộng đồng, khiến bệnh lây lan, thậm chí khiến nhiều người chết. Người bệnh không được phát hiện, để lây lan vi rút trong cộng đồng là nguyên nhân thứ nhất.

Tiếp theo đó, các dịch vụ y tế địa phương không có kinh nghiệm để đối phó, bởi vì đây là lần đầu tiên bệnh dịch lan đến khu vực này. Cũng phải nói rằng, hệ thống y tế của chúng tôi rất kém. Đây là một khu vực vừa trải qua chiến tranh. Hệ thống y tế hiện tại còn rất mong manh.

Bên cạnh đó, ứng xử của người dân cũng không làm cho mọi việc thuận lợi hơn. Vào một thời điểm nhất định, bệnh dịch đang có chiều chững lại, nhưng rồi lại bùng lên, do các ứng xử của người dân khiến cho ngành y tế không theo dõi được ‘‘các tiếp xúc’’. Mà chỉ cần một người bệnh sống trong cộng đồng cũng đủ khiến dịch lây lan trở lại ».

Trường hợp Liberia, với số lượng người tử vong cao nhất, được các chuyên gia nhìn nhận như là nơi hội đủ tất cả các yếu tố tiêu cực khiến Ebola trở thành đại dịch. Hãng thông tấn AFP, ngày 19/08, có bài phỏng vấn với ông Cyprien Fabre, phụ trách văn phòng trợ giúp nhân đạo của Liên Hiệp Châu Âu cho Tây Phi. Theo người phụ trách văn phòng trợ giúp nhân đạo của Liên Hiệp Châu Âu, Liberia (cũng như các nước vùng dịch) là nơi có tỷ lệ bác sĩ trên tổng số dân cư vô cùng thấp (1 bác sĩ cho 100.000 dân, so với tỷ lệ trung bình 26 bác sĩ đối với toàn Châu Phi – theo số liệu của WHO – AFP), vào thời điểm bệnh dịch bùng phát, tổ chức Y sĩ không Biên giới, rất giỏi về Ebola, đã không có mặt tại đó, tổ chức phi chính phủ Mỹ Samaritan’s Purse phải ngừng hoạt động vì nhiều người của hội bị nhiễm vi rút…

Đêm thứ Bảy, rạng sáng Chủ nhật 17/08 rồi, một trung tâm cách ly ở ngoại ô thủ đô Monrovia, Liberia, bị những người mang vũ khí tấn công, khiến 17 người bệnh mất tích. Hôm qua 19/08, 17 người bệnh nói trên đã tự trở về bệnh xá, tuy nhiên, giới y tế lo ngại, vi rút đã có thể nhân dịp này mà lan rộng, nhất là những người tấn công trung tâm cách ly rất có thể đã bị nhiễm vi rút Ebola.

Theo các nhà quan sát, vụ tấn công trung tâm y tế trong đêm nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của tình trạng mất lòng tin của rất nhiều dân cư địa phương vào hệ thống y tế. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở nên hết sức nan giải. Hiện tượng thân nhân dùng vũ lực để đưa người nhà nhiễm vi rút đang nằm điều trị tại các trung tâm về nhà là phổ biến, khiến vi rút lan truyền ra cộng đồng.

Tại sao các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh với số lượng lớn ?

Một thực tế nghiêm trọng nữa là tỷ lệ bác sĩ, y tá các nước vùng dịch bị thiệt mạng trong thời gian dịch Ebola là hết sức đáng ngại. Riêng tại Sierra Leone, 10% số người tử vong do Ebola là nhân viên ngành y tế. Tiếp theo bác sĩ Omar Khan, chuyên gia duy nhất của Sierra Leone về bệnh do vi rút qua đời cuối tháng 7, đến lượt Modupeh Cole, một bác sĩ nổi tiếng khác của Sierra Leone, mất ngày 14/08, cũng do vi rút hiểm ác Ebola. Tại Nigeria, trường hợp tử vong thứ năm mới đây là một bác sĩ, chăm sóc cho bệnh nhân bị Ebola đầu tiên từ Liberia trở về. Tình trạng này khiến các lực lượng y tế, vốn đã mỏng manh của các quốc gia vùng dịch càng trở nên yếu hơn.

Theo giáo sư, bác sĩ Elisabeth Bouvet, khoa bệnh truyền nhiễm bệnh viện Hôpital Bichat (Paris), vi rút Ebola dễ lây hơn rất nhiều so với HIV/AIDS, vốn được coi là một đại dịch đáng sợ. Giáo sư Serge Eholié, bác sĩ chuyên khoa về các bệnh lây nhiễm và nhiệt đới ở Abidjan Côte d’Ivoire, quốc gia có biên giới với Liberia, cho biết RFI các lý do cụ thể vì sao các y bác sĩ lại dễ bị nhiễm vi rút:

« Vấn đề lớn là, thoạt tiên dịch Ebola chỉ được coi như một bệnh nhiệt đới quen thuộc, như bệnh sốt rét. Những người ở tuyến đầu, các y tá, hộ lý đã không có khái niệm về sự cẩn trọng cần thiết trước căn bệnh nguy hiểm này.

Những nhân viên y tế làm việc tại các trung tâm y tế cộng đồng, cũng như những người làm tại các cơ sở cấp cứu của các bệnh viện lớn, nhận các bệnh nhân từ khắp mọi nơi, thường là ở trong tình trạng sốt cao. Về nguyên tắc, cần phải trở lại quan điểm phòng ngừa vệ sinh chuẩn, các tiêu chí phòng vệ mang tính bắt buộc. Trên thực tế, nếu các vị đến những nước tại khu vực chúng tôi, liệu có bao nhiêu bác sĩ, nhân viên y tế dùng găng tay và mặt nạ bảo hộ khi khám bệnh cho một người bị sốt, một đứa trẻ bị sốt rét ?

Đối với những nước không có dịch, thì không cần phải áp dụng những biện pháp như vậy, dễ gây tâm lý lo sợ, tuy nhiên, đối với những nước nào có dịch, thì nhất thiết phải áp dụng nghiêm các biện pháp bảo hộ tại tất cả các cơ sở y tế ».

Dẹp bỏ nỗi sợ : Hiểu đúng về Ebola để phản ứng đúng

Theo nhiều bác sĩ, chuyên gia, chính tâm lý hoang mang và mất lòng tin vào các cơ sở y tế điều trị Ebola rất phổ biến trong dân chúng, là một yếu tố căn bản khác cản trở việc khống chế dịch bệnh. Rất nhiều người cho rằng, chính các cơ sở điều trị tập trung là nơi lây bệnh, thậm chí phủ nhận việc dịch bệnh Ebola là có thật.

Ngược lại, bao nhiêu trường hợp người bị nhiễm Ebola, hay nghi bị nhiễm Ebola, bị đối xử vô cùng tàn nhẫn bởi những người xung quanh. Tại Trung Quốc, thậm chí lan truyền tin đồn cho rằng, người bị mắc Ebola có thể sống dậy và biến thành zombi, đi hại người. Tin đồn này khiến truyền thông Nhà nước phải cải chính.

Đầu tháng 8, AFP loan tin về trường hợp em Fatu Sherrif, 12 tuổi, bị chết vì đói và khát, sau khi bị nhốt trong nhà cùng với thi thể người mẹ. Nỗi sợ đã biến ngôi làng Ballajah, Liberia, khoảng 500 dân cư, thành một bãi tha ma. Lý do là vì, các nhân viên y tế, sau khi lấy đi thi thể của người cha, bị nhiễm vi rút Ebola, đã khóa chặt cửa nhà với người mẹ và người con đang ốm, và dặn dân làng không được lại gần. Báo chí cũng loan tải trường hợp thi thể người bệnh Ebola bị bỏ mặc trên đường phố Tây Phi ngày, trước khi được nhân viên y tế đưa đi. 

Nhân đây, xin nhắc lại lưu ý của Tổ chức Y tế Thế giới về việc nguy cơ lan truyền vi rút Ebola trong các chuyến bay là « thấp », vì ngược lại với các vi rút cúm hay lao, Ebola không lan truyền qua không khí. Việc lây từ người sang người đòi hỏi phải có tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch từ cơ thể người mắc bệnh. WHO nhấn mạnh « nguy cơ lây nhiễm trong máy bay còn rất thấp bởi vì những người mặc bệnh nhìn chung ở trong một tình trạng tồi tệ đến mức mà chính họ cũng không thể di chuyển được ». Theo WHO, không nên quá lo sợ, vì một người bị nhiễm Ebola chỉ có thể truyền đi được vi rút này, một khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện (sau thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 đến 21 ngày, thường là khoảng một tuần lễ). 

AFP hôm qua có phóng sự về những người thoát chết Ebola, tích cực chống dịch bệnh. Nhân vật nổi bật trong phóng sự này là thiếu nữ Hawa Idrina, 19 tuổi, người từng bị máu người bệnh phun khắp người tại một trung tâm cách ly Ebola ở Sierra Leone, khi chăm sóc người thân. Có các triệu chứng đầu tiên của vi rút, được đưa vào một trung tâm điều trị Ebola của Y sĩ Không Biên giới, cô đã khỏi bệnh sau 4 tuần điều trị. Đối với Y sĩ Không Biên giới, Hawa Idrina là một nhân chứng sống động để chứng minh cho những ai hoài nghi rằng : không những Ebola là có thực, mà bệnh này hoàn toàn có thể được chữa lành. 

Kết thúc tạp chí về dịch bệnh Ebola là bài hát “We must all arise to fight Ebola” (Chúng ta phải đứng lên chống lại Ebola) của nhà chính trị Liberia, George Weah, cựu ngôi sao bóng đá. Để đẩy lùi dịch bệnh Ebola, rất cần đến sự đoàn kết của tất cả.

Trọng Thành

Theo rfi

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc