Home » Thể thao » Điểm rơi phong độ của U19 Việt Nam?

u19

U19 Việt Nam chưa chắc có điểm rơi tốt tại VCK U19 châu Á 2014
Khi người lớn bắt đầu nói đến mục tiêu giành vé dự VCK U20 thế giới từ cuối năm 2013, U19 Việt Nam đã phải đá hơn 40 trận tập huấn chỉ trong vòng vài tháng, tham dự hàng loạt giải đấu, trước khi… mất phương hướng ở giải đấu quan trọng nhất.

Mất điểm rơi

Từ cuối năm 2013 đến giờ, chỉ trong vòng vài tháng, U19 Việt Nam hết đi Đông, lại đi Tây, đá hơn 40 trận đấu khác nhau. Đá từ đối tượng là các đại diện của những lò đào tạo trẻ, các đội tuyển cùng lứa tuổi, cho đến… học sinh.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, đội bóng của HLV Graechen Guillaume tham dự hàng loạt giải đấu. Đặc biệt, trong 3 tháng liên tiếp, U19 Việt Nam đá 3 giải có tính chất tranh cúp là giải U22 Đông Nam Á ở Brunei, giải U19 Đông Nam Á – cúp Nutifood ở Hà Nội và VCK giải U19 châu Á đang diễn ra ở Myanmar.

Ngay cả một HLV giỏi cũng khó tính điểm rơi chính xác cho đội bóng của mình với mật độ đá giải dày đặc như vậy, huống hồ chi HLV Graechen Guillaume chưa bao giờ được đánh giá là xuất sắc trong công tác huấn luyện (vì cơ bản đấy không phải là nghề chính của ông).

Một điều khó khác cho vị HLV người Pháp là ở bất cứ giải đấu nào ông cũng phải đối diện với áp lực thành tích cực lớn. Ở bất cứ giải đấu nào trong số các giải đấu liên tiếp từ tháng 8 đến giờ, U19 Việt Nam giải nào cũng phải đứng trước yêu cầu đá đẹp. Như thế càng khiến cho HLV Graechen Guillaume khó tính.

Trong khi các đối thủ của U19 Việt Nam phân định mục tiêu chính và giải đấu phụ hẳn hoi, còn U19 Việt Nam thì không. Ví như ở giải U22 Đông Nam Á hồi tháng 8, U19 Thái Lan chỉ đưa đội hình phụ tham dự, đến giải U19 Đông Nam Á hồi tháng 9, Indonesia và Nhật Bản cũng dùng đội hình phụ, Myanmar chưa chắc bung hết sức. Riêng U19 Việt Nam trong tất cả các giải đấu vừa nêu đều phải căng sức đá, trước khi… kiệt sức ở VCK U19 châu Á.

Người lớn vạch sai đường, U19 chịu trận

Cái sai của người lớn nằm ở chỗ họ đang bắt U19 Việt Nam gánh quá nhiều nhiệm vụ. Cái sai của người lớn nằm ở chỗ có quá nhiều nhân vật không phải là dân chuyên môn đang làm thay công tác chuyên môn ở cơ quan điều hành nền bóng đá.

Và cái sai của người lớn còn nằm ở chỗ người ta dễ dàng bị lóa mắt bởi những thành công trước mắt, mà quên mất mình đang ở đâu so với mặt bằng bóng đá khu vực và châu lục.

Chúng ta có tính giỏi bằng người làm bóng đá ở Thái Lan hoặc Myanmar hay không thì chưa ai dám chắc? Chỉ có chắc một điều rằng U19 Thái Lan và U19 Myanmar đã có suất vào tứ kết, thậm chí có thể giành vé dự VCK U20 thế giới, nếu vào bán kết, trong khi chúng ta bị loại chỉ sau 2 trận vòng bảng.

Cứ cho rằng họ rơi vào bảng dễ hơn chúng ta, nhưng đấy là yếu tố khách quan, còn yếu tố chủ quan là họ chuẩn bị cho giải đấu này tốt hơn chúng ta, tính điểm rơi tốt hơn U19 Việt Nam.

Để tìm vé dự VCK U20 thế giới vào năm sau, hay chí ít là để đá thành công ở VCK U19 châu Á đang diễn ra, thấy rõ là Thái Lan hay Myanmar có kế hoạch chuẩn bị hết sức rõ ràng, giải nào cần bung sức và giải nào chỉ cần hiện diện để nghiên cứu đối thủ, trong khi U19 Việt Nam lại quá dễ bằng lòng với từng trận đấu riêng lẻ.

Ví như chỉ cần gây khó cho U19 Nhật Bản là nhiều người lại tiếp tục nghĩ đến chuyện bắt kịp người Nhật trong một sớm một chiều, dễ bằng lòng đến mức quên rằng chính chúng ta từng thua thảm Hàn Quốc trong một trận cầu chênh lệch lớn về mặt đẳng cấp.

Từ một giấc mơ lớn, bóng đá Việt Nam, cụ thể là U19 Việt Nam giờ tự bằng lòng với những trận đấu riêng lẻ, cũng bởi những người lớn đang làm công tác điều hành toàn thích làm mấy cái chuyện nhỏ.

Họ thích nêu ý kiến trong những lĩnh vực mà họ không nhất thiết và không nên làm, ví như thích xen ngang vào công tác chuyên môn, trong khi điều mà người ta cần ở họ là chiến lược đường dài và kế hoạch xuyên suốt để thực hiện chiến lược thì lại không giống ai!

Trọng Vũ

Theo dantri

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc