Hà Nội vào thu, đây cũng là mùa mà người Hà Nội phải đón một ngày lễ khá trọng đại do nhà nước đề xuất, qui định – lễ Quốc Khánh 2 tháng 9. Với người Hà Nội, mùa thu bao giờ cũng là mùa bản nguyên của thành phố ngàn năm này. Chỉ có mùa thu người Hà Nội mới cảm nhận được vẻ đẹp của liễu rũ mặt hồ, màu nước xanh trong và không khí mát dịu, những thiếu nữ Hà Thành bắt đầu khoe những chiếc khăn choàng cổ. Một Hà Nội huyền nhiệm khi thu về. Nhưng người Hà Nội cảm thấy bất bình trước một mùa thu Hà Nội sặc sỡ màu hoa Trung Quốc trong vài ngày trở lại đây.
https://www.youtube.com/watch?v=rHsO2qsjymk
Tại sao phải là hoa Trung Quốc?
Một người dân Hà Nội tên Thiên, hiện sống ở phố Hàng Thiếc, chia sẻ: “Tôi không ước lượng được bao nhiêu thùng hoa của Trung Quốc trang trí trên đường phố Hà Nội dịp này. Nhưng theo báo chí và theo tôi nghĩ thì có thể là cả 100%. Bởi hiện tại chưa có làng hoa nào cung cấp hoa cho đường phố Hà Nội, như vậy hoa ở đâu ra? Làm thế có nên không, bởi tiền mua hoa là từ thuế của dân và quan hệ Việt Trung đang rất nhạy cảm. Phải tuyệt đối ngăn chặn hàng hóa của Trung Quốc sang Việt Nam nhưng chúng ta lại đi ngược lại tinh thần của nhân dân, thậm chí là chủ trương cũng đi ngược lại. Nếu một nhà nước, một chính phủ có trách nhiệm thì phải xem lại, không thể để cứ làm manh mún như vậy, đến khi nó vỡ xòa ra rồi thì không thể làm gì được nữa. Làm như thế là vô trách nhiệm, thậm chí có thể xếp nó vào diện phản động.”
Theo ông Thiên, Việt Nam không phải là nước công nghiệp, càng không phải là nước không biết trồng hoa, tại sao cứ nhập hoa Trung Quốc? Đây là một câu hỏi cần phải được giải quyết rốt ráo và cần phải nhìn vào lương tâm cũng như lòng tự trọng của mỗi người có trách nhiệm liên quan. Và trên hết là danh dự dân tộc.
Ông Thiên cho rằng hiện tại, hoa ở các thành phố như Đà Lạt, Sài Gòn, miền Tây Nam Bộ đều có, ngay cả ở các làng hoa ven Hà Nội cũng có nhiều hoa. Nếu thu mua hoa ở những nơi vừa nhắc đến, chắc chắn không thiếu để trang trí Hà Nội, thậm chí là quá thừa. Vừa đẹp lại vừa thể hiện tinh thần dân tộc, thể hiện quốc hồn quốc túy của chính người Việt, không lang chạ, lai căn.
Ông Thiên đưa ra ba lý do để hoa Trung Quốc xuất hiện đầy rẫy trên đường Hà Nội nhằm đón lễ quốc khánh, đó là: Giá thành hoa Trung Quốc rẻ bèo; Hoa cho không và; Những người làm công tác văn hóa đã không có chút hiểu biết gì về văn hóa, mù tịt kiến thức kinh tế.
Ở khía cạnh hoa Trung Quốc có giá rẻ bèo, chuyện này thì không cần bàn luận gì cho nhiều, bất kì thứ hàng hóa nào của Trung Quốc khi xuất sang Việt Nam đều có giá rẻ bèo, đều nhằm mục tiêu đánh bẹp các đối thủ cạnh tranh tại Việt Nam, úp nồi cơm của đối thủ Việt Nam, cụ thể ở đây là nông dân trồng hoa Việt Nam.
Nhưng khi họ cạnh tranh rẻ bèo như vậy, họ được ưu tiên nhiều thứ, trong đó họ vẫn có lãi vì lấy số nhiều làm lãi và đặt ra những điều kiện về lâu về dài. Nhưng đáng sợ nhất, có thể là chương trình lễ hội đón mừng quốc khánh 2 tháng 9 có thể đã được giao cho nhà thầu Trung Quốc, và hoa Trung Quốc xuất hiện ở Hà Nội chỉ là một phân khúc về trang trí đường phố, sẽ còn nhiều chuyện khác mà nhân dân không được biết.
Và trong trường hợp khác, có thể hoa này do phía Trung Quốc cho không để Việt Nam trang trí lễ Quốc Khánh. Chuyện này nếu xảy ra, phía các cơ quan văn hóa tuyên truyền Hà Nội sẽ dư được một khoản tiền khủng của dự án. Và một khi mùi của tiền quyến rũ, chắc chắn các con bướm văn hóa Hà Nội sẽ khó mà không xiêu đổ.
Trong trường hợp khác có tính liên đới với hai trường hợp trước, đó là những người làm công tác văn hóa Hà Nội hoàn toàn mù tịt về văn hóa cũng như không có kiến thức về kinh tế. Bởi chỉ khi người ta không hiểu biết, thiếu văn hóa mới có thể đạp lên danh dự quốc gia, dân tộc để hoặc là mua rẻ, hoặc là nhận của cho không của kẻ đang đe dọa đến an ninh và danh dự dân tộc để mang về trang trí ngay trong ngày trọng đại của dân tộc, quốc gia. Trường hợp này, ông Thiên bức xúc đưa ra kết luận là chỉ có kẻ đầu đất mới có thể đạt được những hành vi như thế.
Và cũng trong trường hợp này, chỉ có những kẻ không biết gì về kiến thức kinh tế mới mang hoa Trung Quốc về quảng cáo, quảng bá cho Trung Quốc ngay trong đại lễ Quốc Khánh Việt Nam. Và làm như thế cũng đồng nghĩa với việc để tiền chảy máu sang đất Trung Quốc trong lúc nhân dân đang khó khăn, và đó cũng là tiếp tục bóp nghẹt người nông dân Việt Nam.
Hà Nội hay Bắc Kinh?
Một người dân Hà Nội khác tên Nhiên, đưa ra nhận định: “Nó có kinh phí rồi nó thuê người treo, thuê đơn vị chủ quản, ví dụ như thể thao du lịch nó thuê người ta. Dùng ngân sách chứ, tất cả đều dựa vào ngân sách hết chứ… Các khoản chi phí treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu…”
Theo ông Nhiên, hiện tại, khi mà mọi thứ hàng hóa Trung Quốc xuất hiện khắp các hang cùng ngõ hẻm Việt Nam và thành phố Hà Nội lại trang trí màu sắc, hương hoa Trung Quốc như vậy, đôi khi ông có cảm giác Hà Nội là một bản photocopy mờ nhạt của Bắc Kinh.
Vì chỉ có như vậy mới giải trừ mọi thắc mắc tại sao ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng trên biển Đông, Trung Quốc không ngừng gây hấn về mặt truyền thông, an ninh hàng hải và chủ quyền biển đảo của Việt Nam thì ngay tại Hà Nội, thủ đô của quốc gia, bộ mặt của quốc gia lại mang những thứ sản phẩm của Trung Quốc về trang trí nhằm chào mừng Quốc Khánh. Làm như vậy chẳng khác nào đưa ra thông điệp đây là một lễ quốc khánh Trung Quốc và người dân đang sống ở Bắc Kinh.
Trong khi đó, các làng hoa ở Đà Lạt, Thủ Đức, Hà Đông đều cố gắng tìm đường ký hợp đồng trang trí hoa quốc khánh tại Hà Nội nhưng không được. Hoa Việt Nam bị bỏ héo, nông dân Việt Nam khốn khổ trong khi đó lại cõng hoa Trung Quốc về làm bộ mặt thủ đô. Điều này, đứng trên góc độ kinh tế và văn hóa để nhận xét thì các cơ quan chức năng liên quan đến trang trí Hà Nội đã cõng rắn cắn gà nhà.
Và cũng theo ông này, không chỉ là hiện tại mà hầu hết mọi tháng trong năm, hoa Trung Quốc vẫn có mặt nhiều nhất tại Hà Nội. Ông Nhiên khẳng định rằng hơn 70% các vòng hoa đem viếng lăng Hồ Chủ Tịch đều là hoa Trung Quốc. Vì chỉ có hoa Trung Quốc mới mang lại lợi nhuận cao cho người bán và dễ tìm, dễ mua, luôn có nguồn cung cấp, không bị ảnh hưởng thời tiết như hoa trồng tại Việt Nam.
Để kết thúc câu chuyện, ông Nhiên nói rằng ông rất bất ngờ bởi ông cứ nghĩ rằng với bề dày bị đâm húc, gây hấn và rủa sã bởi người Trung Quốc cũng đủ để giới cán bộ văn hóa ở Hà Nội tỉnh mộng, thoát khỏi cơn mê ngủ mà xây dựng trở lại yếu tố dân tộc vốn dĩ bị đánh mất. Nhưng không, họ đã không làm thế mà họ càng tiếp tục đẩy thành phố nhanh chóng nhuộm màu Trung Quốc. Không hiểu làm như thế, ai được gì và ai mất gì?! Ông kết thúc bằng một câu hỏi: Tại sao đến giờ người ta vẫn chưa thoát khỏi trạng thái u mê này?!
Theo RFA
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!