Home » Xã hội » Giáo dục và con số

Sự chuyển đổi cơ cấu dân số trong giai đoạn 10 năm (từ năm 2000-2011) là một cơ hội rất tốt để tiến hành cải cách giáo dục triệt để khi số lượng học sinh giảm, không chịu nhiều áp lực về trường lớp, về nguồn nhân lực. Liệu ngành giáo dục có tính đến yếu tố cơ cấu dân số khi làm kế hoạch dài hạn cho ngành hay không?

Đồ họa: Tiến Đạt
Đồ họa: Tiến Đạt

Có lẽ mọi người sẽ bất ngờ khi biết rằng tổng số học sinh nước ta đã giảm mạnh – giảm gần 3 triệu em trong vòng 10 năm. Cụ thể, theo số liệu chính thức của Bộ Giáo dục – đào tạo, năm học 1999-2000 cả nước có 17,8 triệu học sinh thì đến năm học 2010-2011 chỉ còn 14,8 triệu em.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, dân số nước ta vẫn tăng bình quân mỗi năm chừng 930.000 người trong giai đoạn này. Cụ thể, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân số cả nước vào ngày 1-4-2009 là 85,8 triệu người, tăng so với ngày 1-4-1999 là 76,3 triệu người, tức tăng thêm 9,5 triệu người. 

Chênh vênh trong thực tế

Dân số vẫn tăng trong khi số học sinh giảm, chủ yếu do số trẻ sinh ra qua các năm đều giảm (tổng tỉ suất sinh giảm từ 2,33 con/phụ nữ năm 1999 còn 2 con/phụ nữ năm 2010) và tuổi thọ bình quân tăng (từ 68,2 tuổi năm 1999 lên 72,8 tuổi năm 2009). Chưa kể hằng năm có một số lượng học sinh bỏ học.

Dù sao con số học sinh giảm đến 3 triệu em đã dẫn đến những thay đổi lớn lao trong ngành giáo dục. Mặc dù số học sinh giảm nhưng số giáo viên vẫn tăng đều đặn, nếu năm học 1999-2000 chỉ có 615.000 giáo viên thì đến năm học 2010-2011 con số này tăng lên 819.000 người.

Số trường cũng tăng tương tự (28.500 trường so với 24.000 trường). Dĩ nhiên số trường tăng thêm để giảm hẳn tình trạng học ba ca và số giáo viên tăng sẽ giúp giảm tải, mỗi giáo viên không còn phải dạy quá nhiều tiết. Nhưng rõ ràng việc lập kế hoạch cho ngành giáo dục, kể cả đề ra chỉ tiêu đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, đã không khớp với thực tế.

Chính sự chênh nhau này đã giải thích hàng loạt tin tức trên báo chí trong mấy năm qua về tình trạng giáo viên thất nghiệp, trường bỏ hoang không có học sinh…

Thật ra sự tăng giảm học sinh, giáo viên và trường lớp còn khác nhau ở từng cấp học, ví dụ học sinh tiểu học giảm nhiều nhất, trung học cơ sở giảm ít hơn và trung học phổ thông lại tăng mạnh. Nhưng điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là liệu ngành giáo dục có tính đến yếu tố cơ cấu dân số khi làm kế hoạch dài hạn cho ngành hay không?

Nếu có, tại sao vẫn để xảy ra tình trạng 35.000 giáo viên thất nghiệp như con số đưa ra tại hội thảo “Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam” vào cuối năm ngoái? Gõ cụm từ “giáo viên thất nghiệp” vào ô tìm kiếm chúng ta sẽ đọc được những hoàn cảnh rất bi đát của hàng trăm, hàng ngàn giáo viên nơi này, nơi khác bị mất việc.

Lẽ ra sự chuyển đổi cơ cấu dân số trong giai đoạn 10 năm nói trên là cơ hội rất tốt để tiến hành cải cách giáo dục triệt để khi số lượng học sinh giảm, không chịu nhiều áp lực về trường lớp, về nguồn nhân lực, kể cả những thuận lợi khi quy mô gia đình nhỏ hơn, cha mẹ có thể dồn lực cho ít người con hơn.

Nói lẽ ra vì những năm gần đây xu hướng trên lại đảo chiều, số lượng học sinh không còn giảm mạnh như trước nữa. Tổng số học sinh trong cả nước chỉ giảm nhẹ trong ba năm vừa rồi: 14,85 triệu năm học 2010-2011 xuống 14,78 triệu năm học 2011-2012 và xuống 14,75 triệu năm học 2012-2013. Và lần này việc tăng giảm lại ngược chiều 10 năm trước đó, có nghĩa học sinh tiểu học không còn giảm mạnh mà tăng đều, ví dụ tăng hơn 100.000 em từ năm học 2011-2012 qua năm học 2012-2013.

Số học sinh trung học cơ sở giảm nhẹ và số học sinh trung học phổ thông giảm nhiều hơn. Như vậy số giáo viên cấp III, từng tăng rất mạnh (đến 2,1 lần trong 10 năm trước đó), sẽ có nguy cơ thất nghiệp cao hơn nữa, chưa kể hàng loạt trường đại học sư phạm cứ đào tạo ra giáo viên cấp III trong khi nhu cầu hầu như không tăng thêm gì nữa cả.

Những con số trên đây trích từ nguồn thông tin chính thức đăng trên website của Bộ Giáo dục – đào tạo. Đáng tiếc website chưa có số liệu của năm học vừa qua cũng như năm học này. Theo thông tin trên các báo nhân dịp khai giảng năm học mới thì tổng số học sinh phổ thông năm học này là 15,08 triệu, tăng 180.000 học sinh so với năm học trước. Nếu con số này chính xác thì đúng là xu hướng giảm học sinh đã đảo chiều, tăng dần trở lại.

Thiết nghĩ những con số này quan trọng hơn nhiều so với ý muốn chủ quan của người soạn thảo chính sách. Ví dụ, điều lệ trường tiểu học có thể cứ ghi “mỗi lớp học có không quá 35 học sinh” nhưng mức tăng học sinh tiểu học hiện nay có cho phép điều đó trở nên khả thi hay không lại là chuyện khác.

Nhìn bức tranh toàn cảnh

Ở trên là chỉ mới nói đến xu hướng tăng dân số tự nhiên, mà ngành giáo dục chỉ cần lấy kết quả điều tra dân số gần đây nhất để lập kế hoạch khá chính xác số trường cần xây, xây ở vùng nào, chưa cần xây ở vùng nào; số giáo viên phải đào tạo, số giáo viên phải chuyển sang làm việc khác… chi tiết đến từng cấp học, từng năm học.

Hiện nay, ở các thành phố lớn còn đối diện với vấn đề tăng dân số cơ học khó đoán định hơn nhiều. Ví dụ, năm học này ở TP.HCM số học sinh tăng thêm 85.000 em nên dù đã xây thêm 1.500 phòng học cũng chưa đủ đáp ứng.

Con số tăng thêm này lại tập trung vào một số quận huyện nên càng gây ra tình trạng quá tải ở những quận huyện này, trong khi tình trạng dư thừa ở nơi khác cũng chưa có cách giải quyết. Vấn đề mà thành phố phải đối diện là số học sinh tăng lại tập trung vào cấp tiểu học, song mấy năm sau chưa chắc trở thành con số tăng ở bậc trung học cơ sở hay trung học phổ thông.

Trong tình trạng đó, duy trì được sĩ số 45 học sinh mỗi lớp đã là khó, nói gì đến chuyện làm theo dự thảo điều lệ trường tiểu học “mỗi lớp học có không quá 35 học sinh”!

Và chính trong bối cảnh đó, khi thấy được bức tranh toàn cảnh, người làm chính sách sẽ nhanh chóng bỏ quy định không được tuyển giáo viên không có hộ khẩu ở thành phố. Có như vậy mới góp phần điều chuyển nhu cầu để thị trường nhân lực dịch chuyển tự do, phần nào giải quyết được sự mất cân đối, nơi thừa nơi thiếu như hiện nay.■

Vì sao dân số tăng mà số học sinh lại giảm?

Dân số tăng mà số học sinh giảm là do mức sinh giảm và tuổi thọ tăng cao, hay nói cụ thể tỉ trọng trẻ em thuộc nhóm 0-4 tuổi, 5-9 tuổi và 10-14 tuổi giảm rất mạnh theo thời gian. Ví dụ nhóm 0-4 tuổi năm 1979 chiếm đến 14,6% dân số thì đến năm 1999 chỉ còn 9,4% và tiếp tục giảm chỉ còn 8,2% năm 2009. Tỉ trọng trẻ em nhóm 5-9 tuổi giảm nhanh nhất, từ 11,8% năm 1999 còn 7,8% năm 2009. Điều này do mức sinh đã giảm rất mạnh trong thời kỳ 1999-2004.

Bảng 1: Thay đổi cấu trúc tuổi của trẻ em Việt Nam

 
 

Để dễ hình dung, Tổng cục Thống kê có một hình tháp chồng số liệu độ tuổi dân số năm 1999 và năm 2009 lên nhau. Xem hình, chúng ta sẽ dễ dàng thấy tỉ lệ dân số các nhóm tuổi dưới 20 đều giảm rõ rệt, trong khi đó tỉ lệ dân số của các nhóm tuổi 20-24 trở lên đều tăng, nhất là các nhóm tuổi 45-49 và 50-55.

Biểu đồ dân số
Biểu đồ dân số

Nguyễn Vạn Phú

Theo tuoitre


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc