Home » Thế giới » Máy bay Israel không kích ngay trước mắt vũ khí Nga
Dù khả năng phòng không của vũ khí Nga rất lợi hại, nhưng các máy bay Israel vẫn có khả năng không kích thành công các mục tiêu trên mặt đất

Israel không kích trước mũi Nga: Bậc thầy tập kích đường không

Israel đã thành công mỹ mãn với hàng chục cuộc tập kích đường không, tiêu biểu là vụ không kích Sudan tháng 10-20120 và vụ không kích Syria tháng 5-2013.

Kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến ở Syria vào tháng 3-2011, máy bay chiến đấu của Israel hầu như năm nào cũng tiến hành không kích vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria, với lý do ngăn cản không để Hezbollah tiếp cận được với nguồn vũ khí từ Iran qua Syria.

Gần đây nhất là vào sáng 11-11, không quân Israel đã bất ngờ thực hiện không kích vào các đoàn xe vận tải chở vũ khí cho các tay súng của Hezbollah, hay hồi cuối tháng 10, không quân Israel cũng ném bom vào các điểm đóng quân của quân đội Syria trên cao nguyên Golan.

Israel cũng có điều kiện thuận lợi là tình hình Syria đang rối loạn, nhưng không thể phủ nhận rằng, không quân nước này có chiến thuật tác chiến ở trình độ cao và kế hoạch chuẩn bị chu đáo tỉ mỉ, nên họ đã liên tiếp tiến hành thành công các cuộc tập kích đường không.

Vụ không kích Khartoum – Sudan tháng 10 năm 2012

Trước đó, Israel cũng đã nhiều lần tập trung đánh vào các đoàn xe chở vũ khí đến biên giới Lebanon cho lực lượng Hezbollah hoặc không kích các nhà máy chế tạo vũ khí của các tổ chức vũ trang hồi giáo chống Israel ở các nước xung quanh.

may-bay-Israel
Đồ họa bố trí đội hình máy bay Israel không kích Sudan

Vụ không kích của Israel mà người ta biết chi tiết tường tận nhất là vào ngày 23-10-2012, Tel Avip đã cử 8 chiếc máy bay tiêm kích bom F-15I ném bom phá hủy nhà máy sản xuất vũ khí Yarmouk ở phía nam thủ đô Khartoum của Sudan.

Để bảo vệ và yểm hộ tốp máy bay chiến đấu này, Israel còn cử thêm 1 chiếc máy bay tác chiến điện tử Gulfstream G-550, 1 máy bay tiếp dầu trên không B-707 (Boeing – 707) và 2 chiếc trực thăng CH-53 chở biệt kích để giải cứu phi công trong trường hợp phi vụ thất bại.

Các máy bay cất cánh từ một sân bay ở Negev, bay qua biển Đỏ để tránh bị phát hiện bởi các hệ thống radar phòng không Ai Cập, sau đó xâm nhập vào không phận Sudan từ phía Đông sang Tây. Trên đường đi, các máy bay F-15I đã được tiếp nhiên liệu trên Biển Đỏ sau quãng thời gian bay 90 phút.

Biên đội máy bay chiến đấu chia làm 2 tốp 4 chiếc, 1 tốp tấn công chủ lực, mỗi máy bay trong tốp 1 mang theo 2 quả bom thông minh trọng lượng 2000 pound (909kg), xâm nhập vào không phận Sudan và bay ở tầm rất thấp dưới sự chỉ dẫn của vệ tinh gián điệp.

Tốp thứ 2 làm nhiệm vụ chuyên đánh chặn những chiếc Mig-29 của Sudan nếu bị phát hiện. Ngoài ra, các lực lượng bảo đảm áp sát biên giới để sẵn sàng chi viện, máy bay tác chiến điện tử gây nhiễu hệ thống radar phòng không vốn đã yếu kém của Sudan.

ban-do-Sudan
Bản đồ Sudan và thủ đô Khartoum – địa điểm bị không kích

Chiếc Gulfstream G-550 hoạt động vô cùng hiệu quả, hệ thống radar của Sudan hoàn toàn bị tê liệt, dẫn đến hệ thống phòng không, không quân của Sudan cũng không kịp trở tay, không một quả tên lửa nào được phóng lên, không một chiếc Mig-29 nào cất cánh ngăn chặn.

Tốp 1 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, sau khi ném 4 quả bom phá hủy hoàn toàn nhà máy, thiêu trụi hơn 200 tấn vũ khí các loại, 4 chiếc F-15I lập tức chuyển hướng bay về phía bắc, rồi rẽ sang hướng đông, an toàn bay vào không phận quốc tế trên Biển Đỏ.

Trận tập kích tiêu biểu của Israel ngày 6-5-2013

Liên tiếp trong các ngày 4 và 6 tháng 5 năm 2013, Israel đã liên tiếp tiến hành 2 cuộc không kích vào lãnh thổ Syria. Quân đội Lebanon sau đó cũng đã chính thức xác nhận, máy bay Israel đã xâm phạm trái phép không phận nước này để không kích trong lãnh thổ Syria.

Nguyên nhân là bởi đây là con đường ngắn nhất để tiếp cận mục tiêu đã định trong lãnh thổ Syria.

 F-15I

Biên đội máy bay chiến đấu F-15I của Israel

Từ Damascus đến biên giới Lebanon chưa tới 20km, máy bay F-15I của Israel với vận tốc bay thông thường ở độ cao thấp là khoảng 1500km/h (tối đa 2,5Mach ở độ cao lớn) trong điều kiện mang đủ vũ khí, chỉ mất không đầy 50 giây đã bay đến mục tiêu.

Lebanon có hệ thống cảnh giới đường không rất yếu kém nên Israel dễ dàng xâm nhập không phận và bay theo hướng bắc, dọc theo biên giới phía đông của nước này (tức là phía tây Syria) mà các radar cảnh giới của họ không phát hiện ra.

Bay được khoảng 50km, ngang thủ đô Damascus của Syria, các máy bay Israel rẽ sang phía Đông lặng lẽ xâm nhập vào không phận nước này, sau khi tấn công mục tiêu, họ quay ngược lại biên giới Lebanon – Syria. Đến đây, máy bay Israel có thể đi theo 2 đường.

Nếu đường vào chưa bị lộ họ có thể quay về Israel theo con đường này, ngược lại họ có thể tiếp tục bay thẳng với tốc độ cao nhất (sau khi đã trút hết bom), theo hướng từ đông sang tây, xuyên qua miền nam Lebanon bay thẳng ra Địa Trung Hải.

Ra đến đây, máy bay Israel cơ bản đã an toàn, họ sẽ chuyển hướng bay xuống phía nam hải phận quốc tế, đến lãnh hải nước mình thì rẽ sang hướng đông trở về nước. Tổng hành trình và thời gian bay trong vòng nguy hiểm trên đất Syria và Lebanon, chưa tới 300km và 10 phút bay (tính cả thời gian tác chiến).

Một điểm đáng chú ý là trong những phi vụ tác chiến này, Israel đều sử dụng các biện pháp nghi binh.

Liên tục từ đầu tháng 5 máy bay chiến đấu của Israel đã liên tiếp xâm phạm không phận Lebanon ở hai khu vực Bint Jbeil và Bekaa, ở phía nam nước này. Chính sự hoạt động ầm ĩ này đã làm “nhàm hóa” sự xuất hiện của các tốp máy bay chiến đấu Israel, khiến cả Lebanon và Syria mất cảnh giác.

Những thách thức trong chống tập kích đường không

Thực chất, tập kích đường không là một loại hình tác chiến rất khó đối phó, vì nó là sự chủ động tấn công của kẻ địch với kế hoạch xây dựng trước, đẩy đối thủ vào thế bị động. Hoạt động này diễn ra rất bí mật, bất ngờ với quy mô sử dụng lực lượng nhỏ, nên khó phát hiện.

Với hình thái tác chiến kiểu này thì các hệ thống phòng không dù tiên tiên như S-300, Patriot, S-400… cũng không phát huy được tác dụng, mà quan trọng là sự chuẩn bị, chiến thuật tác chiến và khai thác tối đa điểm mạnh, yếu của trang bị cả ta lẫn địch.

Bên tập kích thường sử dụng phương pháp nghi binh trên đường bay, khi đến mục tiêu thì đánh nhanh, rút nhanh nên thời gian tác chiến có khi chỉ diễn ra trong vòng một đến vài phút, nếu không có sự chuẩn bị từ trước thì đối tượng bị tập kích không thể trở tay kịp.

ban-do-syria
Bản đồ Syria, Lebanon và Israel

Đối phó với chiến thuật chống tập kích đường không, quan điểm cho rằng phải sở hữu những hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa hiện đại là vô cùng sai lầm, bởi trong hình thái tác chiến này, yếu tố chiến thuật đóng vai trò hàng đầu chứ không phải là các yếu tố kỹ thuật và vũ khí trang bị.

Vấn đề cần thiết nhất đối với các nước trong chống tập kích đường không là phải xác định được mục tiêu và thời điểm tập kích của đối phương, bởi vì địch cũng chỉ nhằm vào những mục tiêu thực sự cần thiết, vì tập kích trên lãnh thổ của nước khác là một hành động hết sức mạo hiểm.

Có xác định được mục tiêu không kích thì mới xác định được khoảng thời gian bị tập kích, để tiến hành các biện pháp trinh sát phát hiện và đánh trả hiệu quả. Nếu không xác định được mục tiêu thì rất khó, vì không thể lúc nào cũng tiến hành các biện pháp đề phòng địch tập kích trên toàn lãnh thổ.

Điều này cho thấy, ngay cả những chiến dịch không kích rất lớn nhưng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng có thể thành công. Ngược lại, vũ khí trang bị có hiện đại đến đâu cũng rất khó đáp trả các vụ tập kích đường không, nếu không có phương án đối phó trước.

Thiên Nam

The baodatviet

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc