Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Chính sự Trung Quốc qua cái nhìn của một Thái Tử Đảng (phần 1)
Một Thái Tử Đảng là ông La Vũ, con trai công thần là tướng La Thụy Khanh. Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, bất mãn sự thối nát của ĐCS Trung Quốc, ông La Vũ từ bỏ chức vụ ra nước ngoài sinh sống.

>> Cựu quan chức cấp cao kêu gọi Tập Cận Bình xóa bỏ chế độ độc tài

Gia Đình La Vũ và Gia Đình Tập Cận Bình trước đây rất thân thiện với nhau, cha của La Vũ và cha Tập Cận Bình đối với nhau cũng rất gắn kết.

Bộ mặt cha con nhà họ Bạc và vấn đề lên chức của ông Tập Cận Bình

Ông La Thụy Khanh là tướng tâm phúc của ông Mao Trạch Đông, gần đây người con La Vũ của ông đã cho công bố một lá thư cùng một cuốn hồi ký. Tuy là con của nguyên lão đời thứ nhất Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhưng ngay từ thời trẻ ông La Vũ đã rời bỏ ĐCSTQ. Gần đây ông lại kêu gọi ông Tập Cận Bình từ bỏ chế độ chuyên chế một Đảng để đi về hướng dân chủ.

Đối với nhiều quan chức cao cấp, hay nhân vật chính trị tại Trung Quốc, La Vũ biết họ từ khi còn nhỏ, nên bản chất tính tình của học thế nào ông có thể biết được.

Vào ngày 12/12 vừa qua, báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh cùng Đài Truyền hình Tân Đường Nhân đã cùng phỏng vấn ông La Vũ và đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm.

Năm nay ông La Vũ 71 tuổi, từng làm việc tại Bộ Tổng tham mưu ĐCSTQ, năm 1988 được trao quân hàm Đại tá. Năm 1990, sau bất mãn với sự kiện đàn áp Thiên An Môn và sự hủ bại của quân đội Trung Quốc, ông đã từ bỏ ĐCSTQ và chạy ra nước ngoài. Năm 1992, ông La Vũ bị ông Giang Trạch Dân khai trừ Đảng tịch và Quân tịch. Năm 1990, ông La Vũ kết hôn với ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Tina Leung. Năm 2010, sau khi bà Tina Leung bị bệnh qua đời tại Hồng Kông, ông La Vũ di cư đến Mỹ. Vào hồi tháng 10 vừa qua, ông La Vũ đã xuất bản sách “Từ biệt Bộ Tổng tham mưu.”

Ông La Vũ trả lời phỏng vấn của báo Đại Kỷ Nguyên và Đài Truyền hình Tân Đường Nhân ngày 12/12/2015. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Ông La Vũ trả lời phỏng vấn của báo Đại Kỷ Nguyên và Đài Truyền hình Tân Đường Nhân ngày 12/12/2015. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Là một “thái tử Đảng đời thứ hai” của ĐCSTQ, có người cha đi theo ông Mao Trạch Đông “trấn giữ giang sơn”, tại sao ông lại kêu gọi “thái tử Đảng đời thứ hai” Tập Cận Bình chấm dứt chế độ chuyên chế? Trong buổi phỏng vấn ông đã đề cập về vấn đề này.

Phóng viên: Xin chào ông La, gần đây chúng tôi thấy một bài viết của ông đăng trên Apple Daily có tựa đề “Gợi ý với chú em Tập Cận Bình”, tại sao ông lại dùng từ thân mật như thế?

La Vũ: Vì ông ấy là người nhỏ hơn tôi, hơn nữa quả thực chúng tôi có tình nghĩa anh em.

Thực ra tôi không thân với ông Tập Cận Bình, tôi quen biết với người cha của ông ấy.

Khi ông Tập Trọng Huân bị hạ bệ thì ông Tập Cận Bình mới 5 tuổi, sau đó ông Tập Trọng Huân đã cùng vợ mình là bà Tề Tâm đến nhà thăm mẹ tôi, nhưng mẹ tôi đã không còn nữa. Từ cuối năm 70 đến 1987, trong khoảng 10 năm, dì Tề Tâm đã thường xuyên đến nhà tôi để hẹn mẹ tôi cùng đến Đại lễ đường Nhân dân chơi, tôi hay ra mở cửa cho họ.

Qua lại với vợ chồng ông Tập Trọng Huân

Phóng viên: Theo ông thì ông Tập Cận Bình có chịu ảnh hưởng nhiều từ cha mẹ mình không?

La Vũ: Tôi nghĩ ảnh hưởng nhiều, đây là nguyên nhân giải thích tại sao tôi viết bài này gửi ông ấy, chính là vì trong ấn tượng của tôi thì cha mẹ ông ấy rất nhiệt tình và chân thành. Còn bản thân tôi thì sau sự kiện Thiên An Môn tôi đã từ chức. Trước khi ra nước ngoài, người cuối cùng tôi gặp ở Thâm Quyến chính là ông Tập Trọng Huân.

Ông Tập Trọng Huân vì là người có tư tưởng dân chủ, khai minh, nên đã bị vài lần chỉnh đốn. Ông Mao Trạch Đông từng nhắc nhở ông ấy vài lần, còn ông Đặng Tiểu Bình cũng có một lần. Sau khi ông Tập Cận Bình nắm quyền thì mọi người dành nhiều hy vọng cho ông ta, một phần cũng là do người cha Tập Trọng Huân mà ra. Vì ông Tập Trọng Huân theo tư tưởng dân chủ, khai minh, nên mọi người nghĩ ông Tập Cận Bình sẽ tiến bộ hơn cha mình. Đây là nguyên nhân họ đặt kỳ vọng vào ông Tập Cận Bình.

Phóng viên: Ông nói người cuối cùng ông gặp khi ra nước ngoài là ông Tập Trọng Huân, vậy hai người đã nói chuyện gì với nhau?

La Vũ: Thực tế khi đó ông ấy bị giam lỏng ở Thâm Quyến. Tuy là nhà lãnh đạo nhưng lại bị ông Đặng Tiểu Bình và ông Dương Thượng Côn giam lỏng ở Thâm Quyến không cho phép về Bắc Kinh, nhưng thân thể vẫn được tự do. Hàng năm mẹ tôi thường đến Quảng Đông sống qua mùa đông, mỗi lần đi đều thăm mẹ của ông ấy (Tập Cận Bình), đó là dì Tề Tâm và ông Tập Trọng Huân. Chuyện xã giao này thì không bị cấm đoán, chỉ duy nhất là không cho ông ấy về Bắc Kinh thôi. Vì ông Tập Trọng Huân không đồng ý việc ông Đặng Tiểu Bình đòi chỉnh đốn ông Hồ Diệu Bang nên mới bị giam lỏng ở Thâm Quyến.

Anh họ tôi, Chủ nhiệm một Văn phòng của tỉnh Thiểm Tây ở Thâm Quyến, mời ông Tập Trọng Huân dùng bữa và đưa tôi đi theo. Khi gặp gỡ tôi có nói mình sẽ từ chức, nhưng hình như ông ấy không rõ tôi đang muốn nói gì.

Sau đó không lâu thì tôi rời khỏi Thâm Quyến và ra nước ngoài.

Nguyên nhân ông Tập Cận Bình lên cầm quyền

Phóng viên: Trong bức thư ông có nói việc ông Tập Cận Bình lên nắm quyền là ngẫu nhiên, ông còn nói về điểm này ông Tập Cận Bình còn rõ hơn ông, ý của ông là gì?

La Vũ: Trên thực tế vì chế độ chuyên chế của Trung Quốc thường xuyên rắc rối khi chuyển giao người kế nhiệm, vì nó không có bầu cử. Tại sao ông Giang Trạch Dân lại chọn ông Tập Cận Bình?

Thứ nhất, ông Hồ Cẩm Đào là người kế nhiệm ông Giang Trạch Dân nhưng không phải do ông Giang Trạch Dân chọn nên ông ấy ôm mối hận trong lòng. Vì ông Đặng Tiểu Bình chọn ông Hồ Cẩm Đào, nên giả sử bạn là Hồ Cẩm Đào, khi hết nhiệm kỳ mà bạn chọn ông Lý Khắc Cường, vậy thì ông Giang Trạch Dân sẽ không đồng ý và cố ý chọn một người khác thay thế.

Nhưng việc chọn ông Tập Cận Bình là cơ hội vô cùng ngẫu nhiên. Vì ông ta có hiểu biết bao nhiêu về ông Tập Trọng Huân? Còn chuyện ông Tập Trọng Huân bị ông Đặng Tiểu Bình hạ bệ ai cũng rõ.

Vì thế ông Giang Trạch Dân muốn thể hiện vị thế của mình, nên nếu ông Hồ Cẩm Đào chọn một người nào đó thì ông Giang Trạch Dân sẽ chọn người khác, đây là vấn đề thứ nhất.

Thứ hai là ông Giang Trạch Dân dùng ông Từ Tài Hậu và ông Quách Bá Hùng khống chế ông Hồ Cẩm Đào, vì thế mà ông ấy muốn chọn một người lên thay phải giống mình, sẵn sàng khống chế ông Hồ Cẩm Đào.

Phóng viên: Chúng tôi thấy trong thư viết, năm 1999 ông Giang Trạch Dân liên kết với ông Bạc Nhất Ba, định đưa ông Bạc Hy Lai lên ngôi vị?

La Vũ: Đúng thế, đây là điều nhiều người biết, trên mạng cũng có bàn. Ông Giang Trạch Dân muốn ông Bạc Hy Lai lên cầm quyền vì thấy ông này có tính cách thích “nhe nanh múa vuốt”, tiếng nói phản đối trong Đảng mạnh. Ông Giang Trạch Dân khi đó rất khác ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, là người nói sao là vậy. Bản thân ông ấy cũng chú ý tới những tiếng nói khác trong Đảng. Trong số rất nhiều người phản đối việc đưa ông Bạc Hy Lai lên thì tiếng nói mạnh mẽ nhất khi đó là ông Ôn Gia Bảo và Ngô Nghĩa.

Phóng viên: Có nghĩa là vì những người này phản đối Bạc Hy Lai lên nắm quyền nên ông Giang Trạch Dân đã chọn ông Tập Cận Bình như một sách lược nằm trong toan tính cho sau này?

La Vũ: Có thể vì ông Giang Trạch Dân thấy bề ngoài ông Tập Cận Bình trông thật thà, có vẻ không phải người giỏi, vì việc gì ông Tập Cận Bình cũng chỉ biết im lặng. Ông Giang Trạch Dân tưởng rằng đưa ông Tập Cận Bình lên thì có thể dễ dàng khống chế được ông Tập. Chẳng phải sau đó ông Vương Lập Quân đã khai ông Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang muốn chính biến sao? Tài liệu này ông Vương Lập Quân giao cho người Mỹ, người Mỹ lại giao lại cho ông Tập Cận Bình.

Bạc Nhất Ba là kẻ thất đức nhất

Phóng viên: Sách của ông khiến chúng tôi có cảm giác ông rất thích ông Hồ Diệu Bang, đánh giá cao ông Hồ Diệu Bang, sau đó mới là ông Tập Trọng Huân, cha ông Tập Cận Bình. Việc ông nói ông Bạc Nhất Ba là kẻ thất đức nhất là thế nào?

La Vũ: Vấn đề này rất đơn giản, vì cá nhân ông Bạc Nhất Ba chúng tôi được biết từ trước cách mạng văn hóa, xem ông ấy như bậc cha chú, chúng tôi là hậu sinh, vì thế cũng không quan hệ gì qua lại. Nhưng ông Bạc Hy Lai là con của ông ấy, mấy anh em họ là bạn học của tôi.

Tôi xin đưa một vấn đề đơn giản, thời đó chúng tôi ai có được chiếc xe đạp đi học coi như rất oai, thường mọi người toàn đi xe “vĩnh cửu” (đi bộ). Nhưng con của Bạc Nhất Ba toàn đi xe Philips nhập khẩu từ bên Anh về. Trong ấn tượng của tôi thì Bạc Nhất Ba rất xem trọng tiền tài, đây là ấn tượng của thời còn trẻ con.

Tôi nói thế vì tôi biết ông Hồ Diệu Bang từng mất ăn mất ngủ vì sửa lại án oan Bạc Nhất Ba với “tập đoàn phản bội 61 người”.

Ông Hồ Diệu Bang một lòng thành ý muốn giúp ông Đặng Tiểu Bình trở thành “Washington” của Trung Quốc, muốn phế bỏ quy tắc “chung thân chế” (giữ quyền lực vô thời hạn…). Vì chính ông Đặng Tiểu Bình từng nói muốn phế bỏ chế độ này và ông Hồ Diệu Bang muốn làm theo, nhưng cuối cùng lại thành đắc tội với ông Đặng Tiểu Bình, vì thế mà ông Đặng Tiểu Bình đã phế bỏ ông Hồ Diệu Bang.

Nhưng ông Đặng Tiểu Bình không tự mình ra tay mà nhờ đến tay chân thân tín hung ác, và ông Bạc Nhất Ba đã ra tay với ông Hồ Diệu Bang.

Vì thế tôi mới nói ông Bạc Nhất Ba là kẻ vô đạo đức nhất. Ông ta lấy oán trả ơn, vì địa vị quyền lực hoặc vì muốn đưa con cái mình lên mà không từ thủ đoạn.

Bạc Hy Lai đểu giả ngay từ nhỏ

La Vũ: Chúng tôi là bạn học hồi nhỏ, tôi nhận thấy ông ta giả dối mọi lúc mọi nơi.

Trong Cách mạng Văn hóa ông ta chịu nhiều khổ cực. Ông ta ngồi tù nhiều hơn tôi, vì việc sửa chữa án oan cho ông Bạc Nhất Ba cũng khá muộn.

Khi ở trong tù tôi đã suy ngẫm và có kết luận, chỉ có một đảng chuyên chế là không được, cần phải theo chế độ dân chủ. Nhưng Bạc Hy Lai ngồi tù 7, 8 năm, ông ta rút ra điều gì?

Trong quá trình ông Bạc Hy Lai làm quan sau này tôi càng hiểu, chính chế độ chuyên chế đã hại ông ta. Ông Bạc Hy Lai không vì thấy đảng chuyên chế không tốt mà muốn thay đổi nó, ngược lại ông ta muốn dùng chế độ chuyên chế để đi hãm hại người khác.

Phóng viên: So sánh ông Bạc Hy Lai với ông Lâm Bưu thì thế nào?

La Vũ: Rất khập khiễng! Bạc Hy Lai chỉ đáng là tên bụi đời còn Lâm Bưu là tướng tài, như núi thái sơn. Nhưng sự kiện ngày 13/9 (năm 1971) ông ấy bỏ chạy và chết như thế thì không ai biết được.

Phóng viên: Tại sao ông nghĩ ông Bạc Hy Lai kém như thế?

La Vũ: Vì ông Bạc Hy Lai vô mưu, vô trí, không biết làm ăn gì cho ra hồn.

Phóng viên: Vậy thì tại sao ông ấy có thể làm quan được, vì nhờ vào uy thế của ông Bạc Nhất Ba?

La Vũ: Chủ yếu do quan hệ giữa ông Bạc Nhất Ba và ông Giang Trạch Dân. Làm quan Trung Quốc không nhất định cần có tài năng, nhiều người không hiểu biết gì mà vẫn được làm quan đấy thôi.

Tinh Vệ biên dịch từ  Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc