Home » Kinh doanh » Cuối năm, ngân hàng báo lãi lớn
Kết cuối kinh doanh năm 2015 của ngành ngân hàng tốt, tăng trưởng cao.
Năm 2015 có thể coi là năm bội thu với ngành ngân hàng khi nhiều nhà băng kiếm hàng nghìn tỷ lợi nhuận với mức tăng tưởng khá cao.

Cuối năm, ngân hàng rầm rộ báo lãi lớn

Trong năm 2015, lợi nhuận nhiều ngân hàng đạt mức nghìn tỷ

Lợi nhuận nhiều ngân hàng đạt nghìn tỷ

Đến thời điểm này, dù chưa có nhiều ngân hàng chính thức công bố báo cáo tài chính, tuy nhiên những thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2015 vừa phát đi, có thể thấy lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay đạt mức khá ấn tượng. Trong đó, đáng chú ý là 3 ông lớn là BIDV, Vietinbank và Vietcombank.

Trong báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2015, BIDV cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 đạt 7.466 tỷ đồng, tăng trưởng 17%. Tính đến 31/12/2015, tổng tài sản BIDV đạt trên 857 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2014, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Dư nợ tổ chức và cá nhân cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%, đạt 1,71%. Trong khi đó, VietinBank cho biết năm vừa qua ngân hàng lãi hợp nhất trước thuế là 7.360 tỷ đồng, tăng trưởng 0,8%. Còn Vietcombank cũng báo lãi hợp nhất 6.829 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2%.

Ở nhóm các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng ghi nhận tình hình kinh doanh lạc quan. Chẳng hạn như trường hợp của Ngân hàng Quốc Dân (NCB). Nhà băng này cho biết, năm 2015 đạt 111 tỷ đồng lợi nhuận (mức lợi nhuận trước khi trích lập theo đề án tái cấu trúc), tăng mạnh so với 2014. Tổng tài sản, tổng vốn huy động và tăng trưởng tín dụng đều tăng nhiều so với năm trước. Nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,13%.

Hay như kết quả kinh doanh có dấu hiệu tích cực thời gian gần đây của OceanBank cũng khiến nhiều người bất ngờ. Kể từ khi có Vietinbank tham gia tái cơ cấu, nợ xấu của “ngân hàng 0 đồng” này đã được xử lý hơn 5.000 tỷ đồng và kinh doanh đã bắt đầu có lãi. Trước đó, do gặp nhiều biến cố đã khiến cho ngân hàng này liên tục rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, nằm trong top yếu kém và cuối cùng Ngân hàng nhà nước buộc phải mua lại với giá 0 đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng như Techcombank, Ngân hàng Quân đội (MB),… cũng có mức lợi nhuận đạt nghìn tỷ, vượt xa với kế hoạch đặt ra trước đó.

Tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng

Theo một cuộc điều tra mới đây của Ngân hàng nhà nước, trong năm qua kết quả kinh doanh của hầu hết các tổ chức tín dụng đều có xu hướng tốt lên. Có đến 81% tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh của đơn vị mình đã cải thiện so với năm 2014, trong đó 34% đơn vị cho rằng có sự cải thiện nhiều.

Bên cạnh đó, tình hình thanh khoản và nợ xấu cũng diễn biến tích cực. Tính đến cuối năm, trên 90% ngân hàng cho biết tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng đang ở mức dưới 3%. Chỉ có một vài tổ chức tín dụng thuộc nhóm các công ty tài chính và cho thuê tài chính còn có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.

Trên cơ sở triển vọng tăng trưởng kinh tế và sự sôi động trở lại của thị trường tài chính ngân hàng trong năm 2016 được dự báo tốt hơn, đại diện một số ngân hàng cũng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục phục hồi bền vững trong những tháng tới.

Cuối năm, ngân hàng rầm rộ báo lãi lớn

Trước những dự báo tích cực của nền kinh tế và thị trường tài chính, nhiều nhà băng thể hiện sự lạc quan về tình hình kinh doanh trong thời gian tới

Theo thông tin từ NCB, thời gian 2 năm vừa qua, NCB tập trung tái cấu trúc, phần lớn lợi nhuận được sử dụng để trích lập dự phòng và xử lý các tồn đọng cũ. Tuy nhiên hoạt động ngân hàng cốt lõi của NCB đã và đang phát triển mạnh mẽ, khả năng sinh lời rất khả quan, đem lại nguồn lợi nhuận ổn định cho ngân hàng.

Ông Đào Trọng Khanh, Tổng Giám đốc NCB cho biết, với nền tảng hiện nay, NCB hoàn toàn có thể tăng trưởng lợi nhuận từ 50 – 70% trong 1 – 2 năm tới. NCB đang bước vào giai đoạn mới là đột phá, bứt phá để khác biệt, nhằm xây dựng thế mạnh riêng trên thị trường tài chính ngân hàng.

Ngoài yếu tố chung của nền kinh tế và thị trường tài chính, Phó Tổng Giám đốc BIDV, ông Trần Phương cũng thể hiện sự tin tưởng vào tình hình kinh doanh thời gian tới của BIDV sẽ tiếp tục phát triển dựa trên những thế mạnh mà ngân hàng này đang có.

“BIDV có nền khách hàng lớn với 8 triệu khách hàng, mạng lưới rộng khắp cả nước với 180 chi nhánh và gần 800 phòng giao dịch. Bên cạnh đó là lực lượng nhân sự gần 24.500 người, tính đến cuối năm 2015. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững”, ông Trần Phương nhận định.

Trong năm 2016, ngân hàng này cũng đặt ra một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh chủ yếu như tín dụng tăng trưởng 20%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%, phấn đấu dưới 2%. Huy động vốn tăng trưởng 21 – 22%, cân đối vốn an toàn, hiệu quả.

Thịnh Châu

Theo cafeland

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc