Home » Xã hội » Vựa lúa lớn của cả nước đang cạn nước
Đồng bằng Sông Cửu Long từng là vựa lúa lớn nhất của cả nước đang lâm nguy bởi mực nước sông Mê Kông cứ cạn dần.
Cảnh khô hạn Đồng bằng sông Cửu Long tháng 3/2016. Ảnh internet

Cảnh khô hạn Đồng bằng sông Cửu Long tháng 3/2016. Ảnh internet

Hiện sông Mê Kông đã có 21 đập thủy điện (Trung Quốc có 10 đập), Việt Nam dù không xây bất cứ đập thủy điện nào trên con sông này, nhưng do ở nơi hạ lưu nhất nên bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dòng chảy về Việt Nam ngày càng khô cạn nhất là vào mùa khô hạn.

Vị trí các con đập được xây dựng trên dòng chảy chính của sông Mekong. (Màu đỏ: đã xây xong, màu vàng: đang xây dựng, màu xanh: dự kiến xây dựng). Đồ họa: Michael Buckleyi – TBKTSG

Vị trí các con đập được xây dựng trên dòng chảy chính của sông Mekong. (Màu đỏ: đã xây xong, màu vàng: đang xây dựng, màu xanh: dự kiến xây dựng). Đồ họa: Michael Buckleyi – TBKTSG

Là nơi hạ lưu nhất, nơi nước chảy ra biển, nhưng một khi mực nước sông xuống thấp hay khô cạn, khiến nước không đổ ra biển, thì ngược lại nước biển sẽ chảy ngược vào khiến các cánh đồng hoa màu bị ngập mặn. Và bài toán ngập mặn luôn là vấn đề nan giải đối với Việt Nam.

Từ tháng 3 năm nay người dân Đồng bằng song Cửu Long đã gặp phải đợt khô hạn chưa từng có, đồng ruộng hoa màu bị ngập mặn khiến nhiều người phải bỏ xứ sang nơi khác sống.

Lào lại xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Kông

Trước thực trạng sông Mê Kông chảy đến Việt Nam đang khô hạn và chết dần, thì mới đây Thông tấn xã Lào cho biết, nước này chuẩn bị khởi công xây dựng đập dâng Pak Beng với tổng công suất 912 MW và sản lượng điện hàng năm 4.775 GWh vào đầu năm 2017.

Như vậy Lào lại tiếp tục xây dựng đập thủy điện bất chấp những lời cảnh báo của Ủy hội sông Mê Kông

Điều này tô thêm mảng tối cho toàn cảnh bức tranh Mê Kông, bởi lẽ vào mùa nước kiệt, trong khi Việt Nam cần các nước xả nước từ các con đập, thì các nước khác lại cần tích nước để vận hành thủy điện. Việt Nam là nước chịu nhiều thiệt hại nhất cũng phải tự tìm hướng đi riêng cho mình chứ không thể mãi mong chờ điều gì ở các nước thượng nguồn.

Hiện tại lưu lượng dòng chảy ở ĐBSCL khoảng 6.000m3/s, khi Lào làm thủy điện xong lưu lượng dòng chảy chỉ còn vài trăm m­­3/s, sông Mê Kông thành sông chết.

Ngoài ra còn 10 đập thủy điện nữa đang dự kiến được xây dựng (màu xanh ở đồ họa trên).

Cách đây 10 năm, khi con đập thủy điện đầu tiên được Trung Quốc cho xây dựng ở thượng nguồn sông Mê Kông, cùng các kế hoạch xây các con đập thủy điện khác, nhiều chuyên gia đã cảnh báo Việt Nam rằng dòng sông Mê Kông chảy đến Việt Nam tương lai sẽ không còn, nhưng chúng ta cứ lờ đi, xem đây là việc của tự nhiên và không quan tâm.

Sông Hồng lâm nguy

Không chỉ sông Mê Kông mà sông Hồng cũng lâm nguy, nói về thực trạng 2 con sông này GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho Báo Đất Việt biết: “Các công trình thủy điện gây hại về vấn đề sinh thái, nguồn cá, các loại phù du, phù sa bị giữ lại, không xuống được hạ lưu… Nhưng quan trọng nhất là khi ta cần nước thì họ lại đóng lại. Nguy hiểm hơn, một số nước như Thái Lan, Campuchia… triển khai các công trình chuyển nước từ sông Me kông sang lưu vực khác

Trong nội địa của họ khiến nguồn nước thiếu hụt đi, đặc biệt là mùa kiệt. Bởi thế, dòng Mekong sẽ chết dần. Ngay như sông Hồng hiện nay, do Trung Quốc xây 8-9 thủy điện nên mùa kiệt không có nước”.

Báo Đất Việt cũng dẫn lời vị chuyên gia này nói về thực trạng sông Hồng: Lưu lượng chảy cần thiết ở sông Hồng là 800 m3/s nhưng thống kê gần đây cho thấy chỉ còn 700m3/s và theo báo cáo của Trung tâm Tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT), có lúc có những đoạn ở sông Hồng mực nước chỉ còn 10cm, tức là trơ đáy và theo tính toán, lưu lượng chảy của sông khi đó chỉ còn hơn 10m3/s.

”Thậm chí, có chuyên gia phát hiện có những đoạn sông nước không chảy. Như vậy, dòng sông Hồng không đủ lưu lượng để bò ra biển” 

Việt Nam phải làm gì?

Vựa lúa lớn nhất của Việt Nam đều tập trung ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, trước thực trạng như hiện nay nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải thích ứng bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích trồng lúa.

Còn một nguồn nước nữa mà chúng ta không tận dụng được, đó là nguồn nước ngầm. GS Hồng chia sẻ ý kiến của mình trên Báo Đất Việt rằng: “Ở Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay có 2 vùng chứa nước lũ là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Thế nhưng, người ta bất chấp quy luật, xây dựng hết nhà cửa, đường sá, bê tông hóa và các vùng đó không còn chứa lũ nữa. Tình trạng ấy cũng giống như ở ngoài Bắc, mực nước ngầm xuống thấp, có con sông Hồng để cung cấp nước thì đến mùa cạn đã bị kiệt nước.

Bởi mùa lũ không chịu tích nước, tạo nguồn nước ngầm nên đến mùa kiệt cả Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng không có nước. Như ở Đồng bằng sông Hồng, sông Hồng chứa được 1 tỷ m3 nước, do quản lý lỏng lẻo nên người dân xây dựng bừa bãi, vi phạm hành lang thoát lũ khiến khu vực này không có không gian chứa lũ. Các chuyên gia thế giới, nhất là Hà Lan khuyến cáo Việt Nam rất nhiều rằng phải có một không gian để chứa lũ nhưng giờ không gian ấy không còn. Do đó, Việt Nam không nên trách ai cả mà chỉ nên trách chính mình”

Ông Hồng dẫn cách trữ nước ở Thái Lan vào mùa khô hạn. Theo đó, người Thái đào kênh dẫn nước trực tiếp từ sông Mekong, đến một vị trí thích hợp họ đào rộng ra (hoặc kết hợp với một ao hồ tự nhiên có sẵn) để giữ nước lại. Cứ thế, họ đào tiếp đường dẫn nước đến một khu vực khác và xây hồ thứ hai, ở mỗi đường nước ra vào đều có cửa đập chặn lại để điều tiết khi cần thiết. Toàn bộ hệ thống đó tạo nên một chùm hồ

”Ở Thái Lan, khi đào các hồ chứa ở hai bên dòng sông, người dân phải nhường đất và lẽ ra Việt Nam cũng phải làm như vậy’‘ ông Hồng nói.

Văn Nhanh


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc