Home » Chia sẻ » Sinh viên nên chú ý kỹ năng thay vì kiến thức và thông tin

Cardone là triệu phú tự thân nổi tiếng của Mỹ với ba công ty trị giá hàng triệu USD. Ông đã viết nhiều cuốn sách nằm trong top bán chạy của New York Times. Cardone cũng dẫn chương trình radio tên Cardone Zone, được coi là “Chuyên gia bán hàng hàng đầu” và “Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp hàng đầu” để theo dõi trên Twitter. Ông đã chia sẻ quan điểm làm giàu của mình trên Entrepreneur.

Đại học giúp bạn có việc, nhưng không giúp làm giàu

Triệu phú tự thân Mỹ – Grant Cardone cho rằng sinh viên nên chú trọng đến kỹ năng và các mối quan hệ khi đi học, thay vì kiến thức và thông tin.

Tôi đã tốt nghiệp Đại học McNeese. Nhưng tin tôi đi, về mặt tài chính, tôi được như ngày hôm nay không phải nhờ giáo dục trong nhà trường. Học đại học chỉ là con đường đến tầng lớp trung lưu, chứ không phải triệu phú hay cao hơn nữa là tỷ phú.

Hãy xem thống kê trình độ giáo dục của 400 người giàu nhất nước Mỹ (theo Forbes) năm 2012. Trong đó, có 27 tỷ phú chỉ hoàn thành bậc giáo dục phổ thông và chưa bao giờ vào Đại học. Còn với những người chọn học tiếp, 36 đã bỏ ngang. Nổi tiếng nhất là Mark Zuckerberg, Bill Gates và Sean Parker.

Grant Cardone đã trở thành triệu phú khi chỉ mới 30 tuổi. Ảnh: Lesterdiaz Online

Những người thành công không đánh giá nỗ lực hay thời gian tiêu phí cho một hoạt động. Mà họ coi trọng kết quả. Nếu trường đại học giúp bạn có kết quả tuyệt vời, thì quá tốt rồi. Nhưng tôi cũng biết nhiều người rời trường mà vẫn băn khoăn tại sao phải ôm một đống nợ học phí, trong khi vẫn không thể tìm được việc phù hợp.Tôi ước mình đã học Harvard, vì các mối quan hệ, chứ không phải vì chương trình  ở đây. Tôi cũng ước mình đã chú tâm hơn khi còn học đại học. Thật không may là tôi, và cả nhiều người khác nữa, không có định hướng gì là tại sao mình lại ở đây. Tôi cũng chẳng hiểu mình học những thứ này để làm gì. Thế là tôi tốt nghiệp Đại học với một tấm giấy, một đống nợ học phí, có rất ít kỹ năng và chẳng biết tương lai sẽ ra sao.

Nếu mục tiêu của Đại học là an toàn tài chính, họ đã thất bại một cách rất đau khổ.

Vấn đề ở đây không phải là giáo dục, mà là cách tiếp cận. Chỉ 27% sinh viên tốt nghiệp đại học tại Mỹ làm việc đúng chuyên ngành. Khi đi học, bạn phải nghĩ về các kỹ năng, chứ không phải kiến thức hay thông tin. Đây là thứ duy nhất bạn có thể sử dụng hàng ngày và mang lại nhiều giá trị hơn cho bản thân.

Có khoảng 28 triệu doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ. Trong đó, hai phần ba thua lỗ hoặc chỉ hòa vốn. Phần lớn các doanh nghiệp không lời lãi vì thiếu kỹ năng. Họ cũng không thiếu nhân lực có trình độ giáo dục cao. Chúng ta đang sống trong thời đại mà kiến thức và thông tin có ở khắp mọi nơi. Vì thế, cái thiếu chính là kỹ năng.

Chúng ta cần nhiều người có kỹ năng hơn, chứ không phải trình độ giáo dục cao hơn. Chúng ta cần các nhân viên có động lực. Và động lực đó đến từ việc có kỹ năng. Các nhà khởi nghiệp vĩ đại, người bán hàng và người thành công không sinh ra đã thế. Họ được giáo dục, được khuyến khích và đào tạo để được như ngày nay.

Kỹ năng sẽ giúp tăng giá trị của bạn trên thị trường. Đó cũng chính là lý do tôi tạo ra Đại học Cardone. Tại đây, chúng tôi giúp sinh viên tiếp cận những thông tin tốt nhất để phát triển doanh nghiệp, dạy họ cách tạo quan hệ với khác hàng, củng cố thương hiệu và theo đuổi các khách hàng có thể giúp họ thống trị thị trường. Những thứ này  có chi phí rẻ hơn nhiều so với bất kỳ cuốn giáo trình nào trên giảng đường đại học.

=> Ở Việt Nam, nhiều sinh viên ra trường cảm thấy tấm bằng thật sự không có tác dụng gì trong việc tìm kiếm nghề nghiệp. Chỉ khi ra trường, tiếp xúc với các nhà tuyển dụng, những người kinh doanh thực sự thì mới thấy sinh viên thiếu quá nhiều kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng sử dụng công nghệ, kỹ năng quản lý, tính toán, kỹ năng xử lý thông tin và tình huống… Hầu như các sinh viên cần phải học lại từ đầu những kỹ năng trực tiếp liên quan tới công việc. Tuy nhiên, yêu cầu của các nhà tuyển dụng cũng như những chủ doanh nghiệp lớn nhỏ là họ cần người có kinh nghiệm, có kỹ năng cần thiết cho công việc, chứ không phải cần một sinh viên đi học việc. Điều này khiến cho những sinh viên thiếu quan hệ xã hội thiệt thòi hơn trong xã hội. Nhà trường dạy rất nhiều môn nhưng nếu tính ra những môn có liên quan đến chuyên ngành, những môn dạy kỹ năng làm việc thì quá ít, dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay trong số hàng chục môn phải học. Trong khi đó, tấm bằng giỏi lại là điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước. Chính vì vậy, sinh viên Việt Nam cần phải xác định rõ công việc tương lai mình hướng tới để đưa ra kế hoạch học tập phù hợp, học để lấy bằng hay học để lấy kỹ năng và kinh nghiệm. Cho dù xã hội thế nào, sinh viên cũng nên làm chủ suy nghĩ của mình và lựa chọn đúng đắn, sáng suốt cho mình.

Hà Thu

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc