Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Nửa đêm, truyền thông Trung Quốc nhắc lại sai lầm thời cách mạng văn hóa

trung-quoc

Gần đây, sự kiện “Đêm hội ca hồng” ở Bắc Kinh với ý đồ phục hồi tư tưởng “Cách mạng Văn hóa” được cho là “ý đồ đen” của ông Lưu Vân Sơn phái Giang nhắm vào ông Tập Cận Bình. Giữa đêm khuya, truyền thông chính thống Trung Quốc lại sôi nổi đăng bài với nội dung nghiêm khắc nhìn lại sai lầm của “Cách mạng Văn hóa”, có thể thấy ông Tập Cận Bình đang phản công mạnh trước động thái của ông Lưu Vân Sơn (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên).

Ngày 16/5 vừa qua là ngày tròn 50 năm nổ ra “Cách mạng Văn hóa”, nhưng thật kỳ lạ khi giới truyền thông lại im lặng, trong khi người dân thì sôi nổi bàn luận. Cho đến tận sáng ngày 17/5, Nhân Dân nhật báo mới liên tục đăng các bài viết nhấn mạnh không cho phép diễn lại sai lầm giống như thời “Cách mạng Văn hóa”.

Nhân Dân nhật báo: Cách mạng Văn hóa là sai lầm khủng khiếp, không cho phép tái diễn

Vào đúng 00:00 ngày 17/5 (giờ Bắc Kinh), báo điện tử Nhân Dân nhật báo đăng bài “Lấy sử làm gương để tiến vào tương lai” của bình luận viên Nhậm Bình. Theo bài viết, trong “Nghị quyết về lịch sử dựng nước của Đảng” năm 1981 đã thừa nhận sai lầm của “Đại Cách mạng Văn hóa” và “Lý luận cách mạng chuyên chính của giai cấp vô sản”; đây là Nghị quyết đặc biệt có uy tín và tầm vóc.

Bài viết nhấn mạnh, quyết không cho phép sai lầm của thời “Cách mạng Văn hóa” tái diễn. Phải ghi nhớ kỹ bài học lịch sử “Cách mạng Văn hóa”. Bài viết đã được nhiều trang thông tin sôi nổi đăng lại.

Vào 00:10 ngày 17/5 (giờ Bắc Kinh), Nhân Dân nhật báo lại đăng thêm một bài khác có tựa đề “Sai lầm của ‘Cách mạng Văn hóa’ đã được kiểm điểm nghiêm khắc”. Theo bài viết, kể từ “Nghị quyết về lịch sử dựng nước của Đảng” năm 1981 thừa nhận sai lầm của “Đại Cách mạng Văn hóa”, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc Đại Lục đều giữ vững lập trường trong kết luận của Nghị quyết, có thể nói vấn đề này hiện nay đã là quan điểm chung của mọi người dân Trung Quốc Đại Lục.

Bài viết nhấn mạnh, không thể để “Cách mạng Văn hóa” tái diễn ở Trung Quốc Đại Lục. Loạn lạc 10 năm này đã gây tổn thất vô cùng lớn đối với Trung Quốc, những đau thương của nó vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Ký ức tập thể này làm sao có thể xóa nhòa được? Nghiêm túc nhận ra sai lầm của “Cách mạng Văn hóa” sẽ giúp người Trung Quốc cảnh giác cao độ không để lịch sử tái diễn.

Bài viết nhận định, sau cải cách mở cửa, cùng với tự do ngôn luận được nới lỏng đã xuất hiện nhiều luồng quan điểm đa dạng, vì thế việc có những quan điểm không đúng đắn trong sự kiện tròn 50 năm “Cách mạng Văn hóa” lần này cũng không có gì lạ. Dù sao, những ý kiến không thiết thực đối với người Trung Quốc này không thể đứng vững được.

Cuối cùng, bài viết kết luận, không thể để “Cách mạng Văn hóa” thứ hai xảy ra; Trung Quốc ngày nay không còn vị trí cho một “Cách mạng Văn hóa” như vậy tái diễn.

Trước đó, ngày 10/5, Nhân Dân nhật báo đã đăng lại bài nói chuyện của ông Tập Cận Bình với các quan chức quan trọng Trung ương và lãnh đạo các tỉnh hồi đầu năm (ngày 18/1/2016). Trong bài nói chuyện, ông Tập Cận Bình hai lần nhấn mạnh: “Cách mạng Văn hóa là sai lầm của phe ‘tả’, làm Trung Quốc bị loạn lạc 10 năm… ”.

Truyền thông im lặng, người dân hâm nóng

Kỷ niệm 50 năm “Cách mạng Văn hóa” Trung Quốc, các cơ quan thông tin ngoài Trung Quốc Đại Lục như Thông tấn xã Đài Loan CNA, Thời báo New York, BBC của Anh, CNN của Mỹ… đều có bài viết chuyên đề nhìn lại sự kiện lịch sử này.

Thế nhưng ngay tại Trung Quốc Đại Lục thì không khí sự kiện lại trầm lắng: giới truyền thông giữ kín kẽ, nhà nước thì không tổ chức hoạt động kỷ niệm. Nhưng ngược lại, sự kiện được đông đảo người dân bàn luận sôi nổi trên mạng.

Một người được mệnh danh là “ông vua truyền thông” trên Weibo đã chất vấn vấn đề các cơ quan thông tin lớn như Nhân Dân nhật báo, Giải phóng quân, Nhật báo Quang Minh, Nhật báo Kinh Tế, Thanh niên Trung Quốc… thờ ơ trước sự kiện quan trọng này. Ông đặt vấn đề: “Tại sao sự kiện này không được truyền thông nhắc đến, trong khi người dân thì sôi nổi bàn luận trên mạng?”

Ngày 16/5, nhà thơ Cao Tinh đã viết: “Hôm nay là tròn 50 năm Cách mạng Văn hóa, việc nghiêm khắc nhắc lại sai lầm lịch sử này là trách nhiệm của người công dân Trung Quốc, cũng là lương tâm của con người nói chung!”

Có người thì chia sẻ: “Cách mạng Văn hóa là một thảm họa trong lịch sử Trung Quốc, nó làm nền văn minh bị thụt lùi hàng ngàn năm, vì thế nhìn lại sai lầm này là rất quan trọng…”.

Từ tháng 5/1966 – 10/1976, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông đã phát động “Cách mạng Văn hóa” kéo dài 10 năm làm hàng triệu người bị chết oan, không biết bao nhiêu trí thức vô tội bị hại chết, nhiều quan to trong Đảng cũng cuốn vào vòng xoáy thảm họa.

Nghiêm trọng nhất là “Cách mạng Văn hóa” đã hủy hoại nhiều di sản văn hóa truyền thống Trung Quốc được lưu giữ hàng ngàn năm, mất mát này không gì có thể bù đắp lại được.

Âm mưu phục hồi tư tưởng “Cách mạng Văn hóa” là ván cờ nội đấu trong Đảng

Tối ngày 2/5, tại Đại lễ đường Bắc Kinh đã diễn ra “Đêm hội ca hồng”, hát lại những ca khúc thời “Cách mạng Văn hóa”. Sau khi đoạn video “Đêm hội ca hồng” được lan truyền trên mạng, cư dân mạng đã ào ào vào nhận xét châm biếm, phê bình.

Ngày 8/5, tại Tây An – Thiểm Tây đã tổ chức “Tọa đàm 50 năm Cách mạng Văn hóa”. Có thông tin chia sẻ rằng, “phái hữu” ở Tây An – Thiểm Tây đã tổ chức hoạt động “gọi hồn Cách mạng Văn hóa”, công khai chửi rủa ông Đặng Tiểu Bình, thậm chí kêu gọi làm lại “Cách mạng Văn hóa”.

Về “Đêm hội ca hồng” tại Đại lễ đường Bắc Kinh, vào ngày 5/5, bà Mã Hiểu Lực, con gái ông cựu Phó Chủ tịch Chính hiệp Mã Văn Thụy đã gửi thư cho ông Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư yêu cầu điều tra rõ ràng. Trong thư viết, hoạt động biểu diễn lần này là tái hiện lại “Cách mạng Văn hóa”, đây là “vấn đề kỷ luật chính trị” có kế hoạch, tổ chức, âm mưu lấy danh nghĩa Ban Tuyên truyền thực hiện.

Sau đó, bà Mã Hiểu Lực đã trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Phượng Hoàng rằng, sở dĩ bà có thể viết thư cho ông Lật Chiến Thư vì có lãnh đạo cấp cao hỗ trợ, vì mục đích của trò đen tối này là nhắm vào ông Tập Cận Bình.

Ngày 10/5, ông Giám đốc Tân Tử Lăng của Nhà xuất bản Quân sự Trung Quốc chia sẻ với truyền thông rằng, đây là trò của ông Lưu Vân Sơn thuộc phe cánh của ông Giang Trạch Dân nhằm gây rối cuộc chiến chống tham nhũng đang chĩa vào “hổ chúa” Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.

Cùng ngày, giới truyền thông đã sôi nổi đăng lại quan điểm của ông Tập Cận Bình trong buổi nói chuyện chuyên đề hồi đầu năm, khi đó ông Tập Cận Bình có nhận định thời “Cách mạng Văn hóa” là thời “10 năm loạn lạc”.

Ngày 12/5, một người chuyên theo dõi thông tin Trung Nam Hải đã tiết lộ, sự kiện “Đêm hội ca hồng” ngày 2/5 khiến ông Tập Cận Bình vô cùng phẫn nộ, đã chỉ thị Văn phòng Trung ương phải “nghiêm khắc xử lý”. Hiện vấn đề đang trong quá trình điều tra.

Kể từ sau Đại hội 18, ông Lưu Vân Sơn (phái Giang) đã thường xuyên lợi dụng bộ máy tuyên truyền do mình quản lý để gây khó khăn cho ông Tập Cận Bình, thậm chí nhiều lần cắt bỏ bớt nội dung những bài nói chuyện của ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường và Vương Kỳ Sơn. Gần đây, ông Tập Cận Bình cũng đang tăng cường thanh trừng bộ máy này.

Tinh Vệ biên dịch từ Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Theo daikynguyenvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc