Home » Thế giới » Mỹ yêu cầu Úc không được ‘bắt cá hai tay’
“Tôi nghĩ, người dân Australia cần phải chọn. Vì rất khó để cân bằng mối quan hệ đồng minh với Mỹ, lại vừa duy trì quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc”

Úc phải chọn: Trung Quốc hay Mỹ

Đó là cảnh báo của trợ lý tham mưu trưởng lục quân Mỹ, đại tá Tom Hanson, khi kêu gọi Canberra phải cứng rắn hơn với các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Úc phải chọn: Trung Quốc hay Mỹ
Binh sĩ Trung Quốc, Úc và Mỹ tham gia cuộc diễn tập kỹ năng Kowari 2016 tại Úc vào tháng 8 vừa qua – Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc

“Tôi nghĩ người Úc nên có sự lựa chọn… Rất khó có thể cân bằng giữa mối quan hệ đồng minh với Mỹ và cam kết kinh tế với Trung Quốc – đại tá Hanson nói trên Đài Australian Broadcasting Corp. ngày 1-9 – Ban lãnh đạo phải quyết định bên nào mang lại lợi ích quốc gia quan trọng hơn cho nước Úc”.

Phát biểu của ông Hanson đưa ra sau khi Quốc hội Úc công bố một “cẩm nang” cảnh báo các chính trị gia nước này phải cẩn thận với động cơ của Trung Quốc tại khu vực.

Canberra trước nay dù nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hành động phi pháp của Bắc Kinh và ủng hộ Mỹ thực hiện quyền tự do đi lại trên Biển Đông, nhưng chưa bao giờ đưa tàu đi vào vùng biển 12 hải lý quanh các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép tại khu vực này.

“Rõ ràng Trung Quốc nghĩ rằng họ có cơ hội và cảm thấy mình có thể coi thường cách hành xử của Úc, nên sự thể hiện rõ ràng của Úc sẽ rất đáng hoan nghênh – ông Hanson nhấn mạnh – Tôi nghĩ Úc cần đưa ra tuyên bố và có hành động rõ ràng cho thấy họ quan ngại và cam kết gìn giữ trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp”.

Ngay sau phát biểu của ông Hanson, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop lên tiếng khẳng định rằng vai trò của Mỹ trên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chưa bao giờ quan trọng như lúc này, nhưng cũng thừa nhận “Úc đang cân bằng giữa đồng minh chiến lược lớn nhất và đối tác thương mại lớn nhất”.

Trung Quốc cũng đem lại nguồn đầu tư lớn cho Úc, rót hơn 11,5 tỉ USD vào bất động sản và các lĩnh vực khác của Canberra trong năm 2015.

Quả thật chủ đề “Chọn Mỹ hay Trung Quốc?” đã được bàn tán tại Úc vài tuần qua, đặc biệt là khi quan hệ Úc – Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ qua sau hàng loạt rắc rối như tranh cãi việc Úc không bán lưới điện Ausgrid cho các nhà thầu Trung Quốc, trang web của Úc nghi bị tin tặc Trung Quốc tấn công.

Tháng trước, Bắc Kinh không tiếc lời chỉ trích Canberra tham gia cùng Mỹ, Nhật Bản ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài tại The Hague. Giới phân tích lo ngại tình hình sẽ xấu hơn nếu Canberra có các động thái cứng rắn như tham gia các hoạt động tuần tra tự do đi lại với Mỹ trên Biển Đông.

Chưa kể hôm 31-8, cựu thủ tướng Úc Paul Keating đã lên tiếng kêu gọi Canberra cần phải có một chính sách ngoại giao mạnh mẽ để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ.

“Úc cần một chính sách ngoại giao, cần khẩn cấp. Úc hiện không có chính sách ngoại giao và đó là vấn đề quan trọng nhất” – ông Keating cảnh báo.

Giới phân tích cũng cho rằng Úc cần coi lại mối quan hệ với Bắc Kinh, xác định rõ các lợi ích kinh tế cùng lợi ích quốc gia trong mối quan hệ này thông qua việc tìm hiểu kỹ sự trỗi dậy của Trung Quốc và phớt lờ thông tin tuyên truyền của Bắc Kinh.

Úc nên gia nhập ASEAN

Nói về căng thẳng trên Biển Đông, cựu thủ tướng Úc Paul Keating nhận định Trung Quốc đã có “một cách làm rẻ tiền” khi gây áp lực lên Mỹ để giành lấy sức mạnh chiến lược thay vì trở thành một cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ vẫn trở thành một nước lớn và Úc cần phải chuẩn bị cho điều đó.

Ông Keating cho rằng Úc nên gia nhập ASEAN trong bối cảnh sức ảnh hưởng của Canberra đang bị suy giảm, theo Sydney Morning Herald.

Theo tuoitre.vn
Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Mỹ yêu cầu Úc không được ‘bắt cá hai tay’”

  1. vo van that 06/09/2016

    Den nhu mot cuong quoc nhu Uc mà cung phai lap lo nuoc doi voi TQ vi quyen loi cua minh thi noi gi den VN, mot quoc gia nho be o ngay sat nach TQ va dang bi o ep boi TQ. Nhung nha lanh dao VN se phai rat khon ngoan, mem mong trong thuong luong voi TQ moi co the giai quyet duoc van de chu khong phai cu xon xon len nhu may “nha yeu nuoc rom”. Viec này doi hoi phai co thoi gian, binh tinh

    Reply

Ý kiến bạn đọc