Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Thấy gì từ thực trạng đào tạo và sử dụng nhân tài ở Đà Nẵng

Vừa qua UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo nhằm đánh giá lại hiệu quả chương trình thu hút nhân tài đã thực hiện từ năm 1998, bao gồm cả đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao tại nước ngoài bắt đầu năm 2006 (Đề án 922)

Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng phát biểu sơ bộ, tính đến hết năm 2014 có 1.269 người thuộc diện thu hút và 433 học viên tham gia Đề án 922 tốt nghiệp, được bố trí công việc, trong đó có 200 người đã được bổ nhiệm chức danh quản lý, phần lớn cho thấy làm việc có hiệu quả.

Ngoài những hiệu quả thu được, buổi hội thảo cũng đề cập đến sự chồng chéo giữa một số ngành nghề đang đưa học viên đi đào tạo và người thuộc diện thu hút, dẫn đến khó khăn khi bố trí công việc.

Nhiều người sau khi được đào tạo làm việc không như kỳ vọng, phân công công việc chưa hợp lý để tận dụng hết năng lực khiến lãng phí chất xám.

Hội thảo cũng chỉ ra việc chảy máu chất xám, chán nản sau khi về nước trong việc đào tạo đội ngũ nhân tài trẻ. Đặc biệt vừa qua xảy ra tình trạng nhiều người sau khi được đào tạo đã không thực hiện đúng như cam kết trước đó, dẫn đến việc thành phố khởi kiện ra Tòa đòi thu lại chi phí đã bỏ ra để đào tạo.

Nhiều trường hợp người được đào tạo xong nhưng khi trở về không phù hợp với môi trường làm việc trong nước, vì thế mà phải đạo tạo lại, trong đó nhiều người có chuyên môn cao.

Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng chia sẻ nhiều người được đào tạo có chuyên môn giỏi nhưng lại không được bố trí công việc đúng chuyên ngành “có những em theo học chuyên môn sâu mà mình không có nhu cầu. Sắp xếp tạm công việc cho các em thì không tạo môi trường làm việc tốt”.

Trong 561 lượt khảo sát nhân tài diện thu hút, có 19,8% cho rằng vị trí công việc chưa phù hợp với chuyên môn. 64,6% học viên của Đề án 922 cho biết công việc được bố trí không phù hợp với chuyên ngành, sở trường. Nhiều người sau khi được đào tạo từ nước ngoài về đã không sao thích nghi được môi trường làm việc, khi có phản ánh thì các lãnh đạo cũng không tiếp thu ý kiến.

Lãnh đạo Quỹ Đầu tư Phát triển TP Đà Nẵng cho hay đơn vị này tiếp nhận 3 người trong chương trình đào tạo nhân tài, 2 người đã nghỉ việc, 1 người chuyển công tác. Vị lãnh đạo này nhận xét rằng những người được đào tạo ở nước ngoài hầu hết đều có tư duy làm việc độc lập, có chính kiến, nhưng lãnh đạo lại không thích lắng nghe những chính kiến này, môi trường làm việc khác xa so với những gì học ở nước ngoài nên chán nản bỏ việc.

Chính vì thế nhiều người đã rời khỏi đề án 922 hoặc không làm việc theo bố trí của thành phố, mà chấp nhận bồi hoàn chi phí đào tạo để được tự do. Có 52 người xin ra khỏi Đề án 922, và 40 người không thực hiện đúng hợp đồng cam kết trước đó.

Ông Nguyễn Thương, Phó giám đốc Sở Nội vụ ví nhân tài như hạt giống, gặp đất tốt thì phát triển, đất khô cằn thì chết và có cả những “hạt giống lép”.

Ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, cho rằng lãnh đạo thành phố chưa lắng nghe ý kiến từ các học viên “nhiều người nói với tôi rằng đã ân hận vì tham gia đề án”.

Chị Ngô Lê Uyên Ly một trong những người nằm trong chương trình đạo tạo nhân tài, đã học xong, hiện công tác tại UBND huyện Hòa Vang nói rằng: “Chúng tôi cần có thời gian cũng như môi trường làm việc cởi mở để học hỏi được nhiều hơn kinh nghiệm làm việc, đồng thời ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế”.

Chị Ngô Lê Uyên Ly. Ảnh nld.com.vn

Chị Ngô Lê Uyên Ly. Ảnh nld.com.vn

Chị Phan Thị Thu Trang được cử học học công nghệ sinh học ở Anh từ năm 2010-2014, hiện đang công tác ở Trung tâm Công nghệ sinh học nêu ý kiến “Chúng em rất cần cơ sở vật chất, máy móc hiện đại để thực hiện các đề tài. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho học viên đề án chỉ tốt nghiệp đại học được đi đào tạo chuyên sâu, được giao lưu với các chuyên gia khoa học quốc tế”

Học viên Phan Thị Thu Trang kiến nghị lãnh đạo thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống của nhân tài diện thu hút và đào tạo. Ảnh: Nguyễn Đông - vnexpress.net

Học viên Phan Thị Thu Trang kiến nghị lãnh đạo thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống của nhân tài diện thu hút và đào tạo. Ảnh: Nguyễn Đông – vnexpress.net

Bà Võ Thị Bích Hậu, Phó giám đốc Sở KH&CN, phụ trách Trung tâm Công nghệ sinh học cho biết: “Ví dụ, khi về Trung tâm Công nghệ sinh học công tác, các em không có phòng thí nghiệm tiên tiến nên rất khó làm việc và sẽ bỏ đi. Đối với ngành công nghệ, không có máy móc hiện đại là không làm việc được. Ngoài ra, thu hút nhân tài về với hệ số lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng là quá thấp. Đó là chưa kể việc trong quá trình chờ hỗ trợ chỗ ở thì phải mất 2-3 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà”

Bà Hậu cũng cho biết một số nhân tài sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài về thì cũng không thể nghiên cứu được “có một em ở trung tâm vừa chuyển vào Sài Gòn làm vì điều kiện khoa học hai đầu đất nước tốt hơn. Có nhiều em rất tội, không phải không muốn cống hiến cho thành phố đâu nhưng do thành phố không có điều kiện cần thiết để các em làm việc. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần thu hút những con chim đầu đàn về để hướng dẫn các em”.

Bà Huỳnh Liên Phương – Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng cho biết cơ qua bà có 15 người đã xin nghỉ việc, bà nói: “Có nhiều người thu hút về làm rất tốt nhưng mỗi người có một động cơ, nhiều người cống hiến nhưng cũng có người ngồi làm chờ hết thời gian hợp đồng với thành phố rồi tìm cơ hội đi nơi khác”

Chuyển nhượng nhân tài

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng phát biểu rằng cần phải tính đến việc sau khi đào tạo xong, nếu chưa bố trí được việc làm chờ cơ quan nhà nước thì có thể chuyển nhượng cho các doanh nghiệp tư nhân.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Phó giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng – cũng đề xuất thành phố cần mở rộng cả việc thu hút chuyên gia nước ngoài. Bà nói: “Nên ưu tiên chuyên gia giỏi, đây là những người đầu tàu về khoa học, tri thức trong các ngành. Họ sẽ là động lực để thành phố phát triển trong tương lai”.

Về vấn đề chuyển nhượng nhân tài, bà Hạnh nói: “Tôi đồng ý với việc hợp đồng chuyển nhượng nhân tài. Cho tư nhân được nhận nhân tài của thành phố đào tạo bằng hợp đồng và thành phố sẽ trừ dần các khoản tiền đã bỏ ra để đào tạo họ bằng việc trừ vào tiền lương của họ tại doanh nghiệp”

Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Nguyễn Thương cho biết thành phố còn 600 người hợp đồng nên rất khó giải quyết bài toán vào biên chế. Ảnh: Nguyễn Đông - vnexpress.net

Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Nguyễn Thương cho biết thành phố còn 600 người hợp đồng nên rất khó giải quyết bài toán vào biên chế. Ảnh: Nguyễn Đông – vnexpress.net

Trước câu hỏi nhiều nhân tài dù được đào tạo xong nhưng không được vào biên chế, ông Nguyễn Thương, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết Bộ Nội vụ đang cấm Đà Nẵng sử dụng lao động hợp đồng vào lĩnh vực hành chính. Mât khác thành phố có 600 công chức hợp đồng trong biên chế là quá đủ nên không thể bổ sung thêm đội ngũ công chức trong biên chế.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề: ,

01 ý kiến dành cho “Thấy gì từ thực trạng đào tạo và sử dụng nhân tài ở Đà Nẵng”

  1. Lifecare 05/10/2016

    Chỉ có người tài mới dùng được người tài. Tất cả các khó khăn nêu trên là do không có người tài thực sự, không có ai hiểu biết gì người tài cả. Tại sao với mấy vỏ thùng phuy, phân dơi mà cụ Trần Đại Nghĩa vẫn chế tạo được Bazoka, dùng nước luộc Ngô cụ Đặng Văn Ngữ chế được kháng sinh là những thành tựu tiên tiến nhất thế giới bấy giờ? Ngày nay bao nhiêu nông dân lại chế tạo được những thiết bị máy móc hữu ích vậy?

    Reply

Ý kiến bạn đọc