Home » Xã hội » Đi xe buýt, metro sẽ thanh toán bằng thẻ dùng chung

Thu phí để hoàn vốn nhà đầu tư sao cho minh bạch, chặt chẽ là vấn đề cần quan tâm trong lộ trình phát triển giao thông, đặc biệt với hình thức đầu tư xã hội hoá hiện nay.

Thứ trưởng Giao thông: Đi xe buýt, metro sẽ thanh toán bằng thẻ dùng chung

Không chỉ quyết liệt triển khai thu phí điện tử không dừng trên tất cả đường quốc lộ, ngành giao thông còn đặt mục tiêu điện tử hoá dịch vụ thu phí vận tải giao thông công cộng.

Chia sẻ với VnExpress trước thềm Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2016 ngày 24/11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường bày tỏ tham vọng sẽ sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn để dùng một thẻ thanh toán thông minh cho mọi phương tiện công cộng.

– Với hơn 21.000 km đường quốc lộ, 730 km đường cao tốc và có khoảng hơn 100 trạm thu phí, năm 2016 theo ước tính riêng phí đường bộ thu qua các trạm BOT, phí bảo trì,gửi xe… ước tính có thể đạt gần 2 tỷ USD. Ông đánh giá nhu cầu về hạ tầng thanh toán trong thu phí của ngành ra sao?

– Thu phí để hoàn vốn nhà đầu tư sao cho minh bạch, chặt chẽ là vấn đề cần quan tâm trong lộ trình phát triển giao thông, đặc biệt với hình thức đầu tư xã hội hoá hiện nay. Với các trạm thu phí BOT, cúng tôi đã triển khai thu phí một dừng điện tử nhưng còn rất nhiều hạn chế khi các xe phải dừng quá lâu dẫn đến ùn tắc. Do đó, Bộ đã và đang triển khai thu phí đường bộ không dừng, thanh toán 100% điện tử. Các ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV cũng giúp chúng tôi xây dựng các tài khoản giao thông cho chủ phương tiện. Dự kiến đến năm 2020 sẽ chuyển toàn bộ thu phí một dừng đang sang thu phí điện tử.

thu-truong-giao-thong-di-xe-buyt-metro-se-thanh-toan-bang-the-dung-chung

Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường sẽ tham dự VEPF 2016 với vai trò Diễn giả chính tại chủ đề Thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông. Ảnh:Nhật Minh.

Tương tự, chúng tôi cũng đặt lộ trình cho hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị trên cao tại Hà Nội và TP HCM. Việt Nam sẽ đi theo hướng cho người dùng một thẻ điện tử để có thể thanh toán các dịch vụ vận tải, ngay cả thanh toán cho đường sắt, tàu bay, giao thông đô thị, taxi hay vào bãi đậu xe ở bến xe, bến tàu… Bộ đã tính đến xây dựng bộ tiêu chuẩn để dùng thẻ thông minh cho tất cả các loại phương tiện công cộng có thể liên thông với nhau.

– Tuy nhiên, ngay với các dự án thu phí điện tử không dừng trên đường quốc lộ hiện cũng có nguy cơ chậm tiến độ. Nhiều trạm thu phí không dừng được lắp đặt nhưng vẫn chưa thể triển khai thu phí dù theo lộ trình của Bộ, đến cuối năm 2017 các trạm thu phí trên toàn quốc phải có làn thu phí tự động và hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn (barrie).Vậy nguyên nhân đến từ đâu?

– Cũng có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết do hiện nay chưa nhà đầu tư thu phí không dừng BOO nào ký được hợp đồng thu phí với các nhà đầu tư BOT ở các trạm. Thứ hai, hiện chưa có cơ chế để yêu cầu thu phí tự động không dừng một cách thống nhất với các nhà đầu tư BOT. Vừa rồi, Bộ Giao thông vừa đề nghị Chính phủ ban hành quyết định bắt buộc yêu cầu các phương tiện sử dụng đường bộ phải thu phí điện tử. Nếu được ban hành, ngành giao thông mới có cơ sở pháp lý để triển khai.

Thứ ba, đây là dự án đầu tiên nên có thể các nhà đầu tư BOO triển khai thu phí không dừng còn đang lúng túng. Thực tế thì hiện nhiều nhà đầu tư BOT cũng đã thấy lợi ích của thu phí điện tử và đã áp dụng rồi. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có khoảng 50.000 xe gắn thẻ định danh etag, sẵn sàng cho việc thu phí tự động không dừng.

– Ông vừa nói tới chiếc thẻ thông minh dùng cho mọi phương tiện vận tải công cộng. Nhưng đặc thù ở Việt Nam là các dự án được vay vốn bởi nhiều nước khác nhau và không tránh được chuyện từng nước chỉ định một công nghệ thanh toán riêng. Vậy làm sao để có sự liên thông, đồng nhất về chuẩn thanh toán thưa ông?

– Đúng là các dự án phát triển hạ tầng giao thông hiện sử dụng cả nguồn vốn trong và ngoài nước, thường các nước cấp ODA như Nhật, Hàn Quốc, châu Âu… sẽ chuyển công nghệ của nước đó.

Để xử lý bài toán này, Bộ giao thông sẽ xây dựng tiêu chuẩn chung để áp dụng cho việc kết nối các loại hình này vào với nhau. Ví dụ, trong công nghệ thu phí với các dự án BOT thì đang dùng cả công nghệ DSRC passive (sử dụng đầu đọc thẻ gắn trên từng xe OBU) và RFID (định danh bằng tần số sóng vô tuyến).

Để giải quyết việc kết nối giữa hai hệ thống thu phí này, vừa rồi Bộ đã làm việc với Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi, Tập đoàn Sojitz và Ngân hàng VietinBank xây dựng giúp Việt Nam một công nghệ chuyển tiếp có thể giải mã để làm sao mọi thẻ đi qua đều có thể đọc được. Về lâu dài, sau khi có Bộ tiêu chuẩn, mọi dự án đầu tư phải theo công nghệ đó.

Nhìn chung, bài toán đặt ra khá phức tạp nhưng không phải không làm được. Tôi hy vọng sẽ kết nối dần trong nhiều năm để đạt mục đích đó, lộ trình có thể mất 5-10 năm bởi kinh phí mình chưa đủ lớn.

– Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngành ngân hàng trong hỗ trợ ngành giao thông nói chung và trong việc phát triển hạ tầng thanh toán giao thông nói riêng?

– Ngành giao thông đánh giá rất cao sự hỗ trợ, hợp tác của các ngân hàng trong thời gian qua, đặc biệt trong việc hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông như hiện nay. Còn trong lĩnh vực thanh toán vận tải, có thể nói ngành ngân hàng nắm bắt thời cơ này khá sớm, nên thanh toán điện tử qua giao thông cũng được làm sớm, ví dụ như hệ thống đặt vé máy bay, thanh toán vé tàu hoả, taxi… đều đã qua điện tử rồi.

Sắp tới, ngành giao thông đề nghị các ngân hàng hỗ trợ thanh toán điện tử cho giao thông công cộng để người tiêu dùng có thể dùng một thẻ thông minh, dễ dàng nạp tiền và được phép đi lại với nhiều loại phương tiện khác nhau.

Theo Vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc