Home » Blog Trí Thức, Tiêu biểu sideshow » Tiền thưởng đến tay cầu thủ và vận động viên còn bao nhiêu

U23 Việt Nam được hứa thưởng rất nhiều, kể cả khi họ không vô địch. Điều này làm tôi nhớ đến đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup năm 2008 cũng với 1 “núi” tiền thưởng. Vấn đề là toàn bộ số tiền ấy có đến tay cầu thủ và Ban huấn luyện đầy đủ hay không?

Ngày 29/6/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định thành lập đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự SEA Games 29 tại Malaysia từ ngày 11/8 đến 1/9 với tổng cộng 693 thành viên, trong đó có 1 trưởng đoàn, 10 phó đoàn, 18 cán bộ, 22 bác sĩ, 32 lãnh đội, 28 chuyên gia và 106 HLV.

VĐV bơi lội Ánh Viên tại SEA Games 29. Ảnh Đức Đồng

VĐV bơi lội Ánh Viên tại SEA Games 29. Ảnh Đức Đồng

Vấn nạn “lạm phát phó đoàn” bị phản đối dữ dội vì năm SEA GAMES trước đó Việt Nam đi ít hơn 123 vận động viên, thi đấu ít môn hơn cũng có tới 7 phó đoàn. Quy định của BTC SEA Games 29 đã nêu rõ: mỗi đoàn thể thao chỉ được phép đăng ký 1 chức danh trưởng đoàn và 2 chức danh phó đoàn.

Trưởng đoàn bóng đá nữ dự SEA GAMES nhận khoảng 100 triệu đồng dù không có công lao gì. Điều này bị chính các nữ cầu thủ tố vào năm 2014!

Hơn 10 năm trước, vài đứa em tôi là tuyển thủ quốc gia (bộ môn khác) cũng uất ức vì tiền thưởng bị cắt xén. Nhưng những vận động viên uy lực trên các đấu trường lại non nớt trước cuộc đời. Họ chỉ có thể nói: “Tụi em tin anh nên nói cho anh biết để đỡ tức nhưng anh viết lên thì tụi em hết đường lên tuyển.” Buổi sáng hôm sau lật tờ báo thể thao xem công bố mức thưởng vận động viên mà giận run.

Những “chú, bác” đi bằng tiền ngân sách (tôi nhấn mạnh là ngân sách) không phải ai cũng vô trách nhiệm. Nhưng thực sự có trách nhiệm hay không thì để vận động viên nhận xét là rõ nhất. Dĩ nhiên, không phải nhận xét kiểu bị “mớm” mà từ đáy lòng của những người bị ăn chặn thực sự.

Bóng đá là môn thể thao khơi gợi cảm xúc nhất nên cũng dễ thưởng nhất. Khoan nhìn những con số “hứa mồm” của các đại gia mà chỉ cần công bố mức thưởng thật sự đã đến tay các cầu thủ và huấn luyện viên, trợ lý huấn luyện viên, bác sĩ là bao nhiêu. So nó với mức thưởng của các trưởng đoàn, phó đoàn cũng từ tiền thưởng chung sau khi trừ thuế là sẽ ra.

Với Bộ Văn Thể Du và Tổng Cục Thể dục thể thao thì bất kỳ cán bộ nào đi theo đoàn cũng là nhiệm vụ. Họ dùng ngân sách từ thuế dân để đi các nước và dĩ nhiên ăn lương cũng từ thuế dân. Vậy “ăn phần” làm gì khi nhiệm vụ anh phải làm là dẫn đoàn và đã có lương? Vậy “ăn phần” làm gì khi có những ông bầu sẵn sàng “dẫn đội” mà còn bỏ tiền túi?

Còn nói về VFF 

Nếu nhìn vào điều hành V.League của VFF thì chỉ cần tìm hiểu Hội đồng trọng tài và các bê bối của nó. Về ứng xử thì hãy hỏi những Tavares, Weigang, Letard, Miura,… đã bị đối xử ra sao. Kể cả việc vé lậu xem các cấp đội tuyển hoành hành thế nào nhiều năm nay. Và chỉ cần bạn xem ảnh và nội dung chat mà tôi chụp màn hình up lên sẽ hiểu sự thật kinh tởm đến độ nào!

Cái cách mà ông Nguyễn Lân Trung leo lên đứng trên xe diễu hành của cầu thủ U23 trưa nay làm tôi phải quay mặt không nhìn màn hình. Cái cách ông Trần Quốc Tuấn chụp hình chung với cầu thủ làm tôi bỏ bữa.

Quý vị có làm điều có ích cho bóng đá Việt Nam ư? Hay là những ông bầu tư nhân bỏ tiền ra làm đào tạo trẻ bài bản để có hôm nay?

Hãy dừng lợi dụng những người hâm mộ ngây thơ!

Hãy dừng “ăn bẩn” trên công sức các cầu thủ nói riêng và các vận động viên khác nói chung.

Họ đã chiến đấu bằng khổ luyện, bằng mồ hôi, bằng máu và cả những chấn thương mang theo đến cuối đời vì danh dự Việt Nam!

Facebook nhà báo Mai Quốc Ấn

Chuyên đề: ,

01 ý kiến dành cho “Tiền thưởng đến tay cầu thủ và vận động viên còn bao nhiêu”

  1. Dqh2014 24/03/2018

    Rất lâu rồi tôi không xem thể thao Việt Nam. Không phải vì không có cái hay để xem, mà vì có quá nhiều cái dở để điên tiết.
    Cái dở không bớt dần, mà ngược lại, nó ngày càng trơ trẽn hơn.
    Vì thế từ điên tiết, tôi thàng ra ngao ngán và tẩy chay nó.
    Đây là lỗi hệ thống, có bảo kê, cũng như các nhóm lợi ích trong chính quyền vậy.

    Reply

Ý kiến bạn đọc