Home » Sức khỏe, Tiêu biểu sideshow » Đạo dưỡng sinh (Kỳ 1) – Tổng quan về dưỡng sinh và thịnh-suy của cơ thể theo độ tuổi

Hoàng Đế Nội Kinh – ‘viên kim cương’ trong giới Y khoa

Từ xưa “Hoàng Đế Nội Kinh” đã luôn được xem là “viên kim cương” trong giới Y khoa, nhưng xin nêu ra một số quan điểm hiện đại đáng tin cậy, để thấy rằng cho tới ngày nay, cuốn sách này vẫn rất đáng đọc và có giá trị tham khảo cho bất kỳ ai có hứng thú tới việc dưỡng sinh để chăm lo sức khoẻ tự thân.

phap-luan-cong

Cũng chính vì cơ điểm trên, mà chúng tôi xin được bắt đầu từ một số luận điểm của cuốn sách này để tạo nên “xương sống” chính cho chuyên đề của mình.

Trước tiên, tại sao lại nói muốn “phòng” hơn là muốn “chữa”, xin trích dẫn một đoạn nhỏ trong tác phẩm “Hoàng Đế Nội Kinh” như sau:

“Vả chăng cho bệnh đã thành hình rồi sau mới chạy thuốc, cũng như loạn đã nổi lên rồi mới nghĩ cách trị. Như thế nào có khác chi đợi đến lúc khát nước rồi mới đào giếng, giặc đã đánh đến nơi rồi mới tạo vũ khí, như thế chẳng hoá ra muộn màng lắm sao?” – Hoàng Đế Nội Kinh – đoạn 8 Thiên thứ nhất, Chơn Nguyên dịch.

Vậy thì phàm là người biết quý trọng sức khoẻ, thì thiết nghĩ hẳn là cũng nên quan tâm tới thuật dưỡng sinh hơn là các phương pháp chữa trị. Mà thuật dưỡng sinh thì cũng khá rộng lớn, đòi hỏi phải tìm tòi, nghiên cứu sâu rộng.

Mục tiêu của dưỡng sinh?

Tuy nhiên, cũng xin nói thêm rằng mục tiêu của dưỡng sinh là để thân thể được khoẻ mạnh, thành công nhất là đạt tới “trẻ mãi không già” chứ không thể thay đổi số mệnh mà đòi hỏi “trường sinh bất tử” được. Từ hàng nghìn năm nay, biết bao nhiêu người vọng tưởng tìm được phương cách giúp con người đạt tới bất tử, nhưng đều là vô vọng.

Cho nên chúng tôi cũng không dám qua mặt cổ nhân mà mơ ước xa xôi đến như thế. Chỉ mong từ những bài học trải qua suốt vài nghìn năm qua mà đúc rút được chút tinh hoa mà thôi.

Ở kỳ 1 này, chúng tôi xin đưa ra một khía cạnh, mà từ đó có thể mở rộng ra một góc nhìn thoáng đạt và dễ hiểu cho những ai mới bước vào lĩnh vực này, đó là: Thuận theo sự phát triển và suy thoái tự nhiên của cơ thể người theo độ tuổi để nhìn nhận và có được phương thức dưỡng sinh cho phù hợp. Cũng là học theo câu nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” vậy.

Quá trình thịnh – suy đời người trong Hoàng Đế Nội Kinh

“Hoàng Đế Nội Kinh” có tóm tắt lại toàn bộ quá trình thịnh – suy của cả một đời người như sau:

Đối với con gái:

  • Đến 7 tuổi là khí ở Thận thạnh, lúc đó răng thay tóc dài.
  • 14 tuổi thì tuần hoàn thận sung túc, mạch Nhiệm thông, Thái xung thạnh, kinh kỳ mỗi tháng nhân nơi đó mà có cho nên có thể có con.
  • 21 tuổi khí của Thận quân bình, răng và cơ thể cao lớn tới cực điểm.
  • 28 tuổi gân xương cứng cáp, tóc dài hết mức, thân thể mập mạnh.
  • 35 tuổi mạch Dương minh suy, da mặt bắt đầu khô, tóc bắt đầu rụng.
  • 42 tuổi ba mạch dương phía trên đều suy, nên sắc mặt đều già, tóc bắt đầu bạc.
  • 49 tuổi mạch Nhiệm hư, mạch Thái xung kém hơn, tuần hoàn thận cạn kiệt, hạ bộ không thông, nên cơ thể suy yếu mà không có con vậy.

Đối với con trai:

  • Con trai 8 tuổi khí của Thận sung túc, tóc dài, răng thay.
  • Đến 16 tuổi khí của Thận phát triển mạnh, tuần hoàn Thận đầy đủ, tinh khí tràn đầy, âm dương hoà, có thể có con.
  • 24 tuổi khí của Thận quân bình, gân xương cứng cáp, răng ngừng mọc, sức lớn căng đầy.
  • 32 tuổi gân cốt sung túc, da thịt mạnh mẽ.
  • 40 tuổi, khí của Thận bắt đầu suy, tóc rụng răng se.
  • 48 tuổi khí dương suy kiệt bên trên trước, nên mặt nhăn, tóc đều hoa râm.
  • 56 tuổi khí lá gan suy, gân không hoạt động, tuần hoàn Thận khô kiệt, tinh ít, tạng Thận Suy, hình thể bắt đầu suy yếu.
  • 64 tuổi thì răng tóc đều rụng.

Các cột mốc trên của nam và nữ đều rất dễ nhớ: lấy bội số của 7 làm các đợt phát triển của nữ và bội số của 8 là của nam.

Tại sao lại có sự khác nhau như vậy?

Trung Y thời xưa tuân theo học thuyết âm dương – ngũ hành: nữ thuộc về tính âm (thuộc về các số 1, 3, 5, 7), nam thuộc về tính dương (thuộc về các số 2, 4, 6, 8), sau đó lại xét theo thuộc tính ngũ hành, âm thuộc hệ Thuỷ, dương thuộc hệ Hoả, áp dụng các học thuyết Chu Dịch, Hà Đồ, Bát Quái, đều tính ra được hai số 7 và 8 là con số thể hiện mốc biến chuyển của hai giới. Dân gian hay nói rằng ‘con trai phát triển muộn hơn con gái’ hoặc ‘bé trai chậm hơn bé gái’ thì cũng có thể dùng “phép tính” này mà giải thích hợp lý được.

Tiếp đó, tới kỳ ‘7 lần 7’ (49 tuổi) và ‘8 lần 8’ (64 tuổi) được coi là cực âm và cực dương, chính là kết thúc thời kỳ ‘hưng’ và ‘bình’ của người nữ và người nam, tiến tới thời kỳ ‘hoại’, là thời điểm hết khả năng sinh con đẻ cái cũng như lục phủ ngũ tạng đều suy.

Tất nhiên có một số ngoại lệ nhất định, và thường những người này có thể chất bẩm sinh tốt hơn hoặc có lối sống thuận tự nhiên, nắm được thuật dưỡng sinh.

Chìa khoá để duy trì sự trường thọ và khoẻ mạnh

Qua hai đoạn tóm tắt trên, có thể thấy rõ một điều, dù cơ thể đều phụ thuộc vào sự mạnh-yếu của ngũ tạng, nhưng tạng Thận lại được xem là chìa khoá quan trọng nhất (trong Trung Y cũng nhìn nhận như vậy). Tạng Thận vượng thì tứ tạng còn lại đều tốt, tạng Thận suy thì kéo theo cả cơ thể đều suy kiệt theo.

Nói đến đây, nhiều người sẽ nghĩ đến việc bồi dưỡng tạng Thận cho thật tốt. Mà nhắc đến “dưỡng” thì đa số đều nghĩ thực hiện chúng qua đường ăn uống, gọi là “thực dưỡng”.

Dù vậy, trong giới truyền nhân của Trung Y xưa lại coi đây là phương thức kém hiệu quả nhất, thường chỉ các thầy thuốc không được chân truyền và những người không hiểu biết sâu về y học mới lấy đây làm chủ đạo trong thuật dưỡng sinh. Trải qua các thời đại lịch sử, ngày nay người trong xã hội hiện đại cũng thường biết tới và áp dụng “thực dưỡng” là nhiều chứ không biết được nguồn cơn để đạt tới thân thể thực sự cường tráng là gì.

Vậy cái “nguồn cơn” kia là gì mà huyền bí đến thế, khiến biết bao nhiêu thế hệ vua chúa truy cầu mà không nắm bắt vững vàng? Trước tiên xin mạn phép chủ quan phân chia các cấp bậc thuộc về dưỡng sinh như sau, để tiện cho độc giả hình dung, ở đây chỉ mang tính tham khảo chứ không có tính hạn cuộc cứng nhắc:

Dưỡng sinh bậc tiểu học: Sử dụng thuốc bổ, đồ ăn, đồ uống bổ dưỡng

Như đã nói bên trên, đây là cách thức chậm và kém hiệu quả nhất (nhưng dường như lại tốn kém tiền của nhất) nếu muốn đạt tới cái đích của dưỡng sinh. Tất nhiên nếu đã có mặt trong danh sách này, thì thực ra việc ăn uống cũng mang lại tác dụng phần nào cho công cuộc trau dồi sức khoẻ của con người, nếu không thế thì người ta đã chẳng tin tưởng và áp dụng theo.

Dưỡng sinh bậc trung học: Tu thân

Đó là sống thuận tự nhiên, kết hợp rèn luyện thân thể, chú trọng hít thở. Nếu làm được tới đây ắt sức khỏe rất dồi dào, đạt được đến ‘thuật dưỡng sinh’, kéo dài được sự khỏe mạnh và bề ngoài trông trẻ trung hơn tuổi, nhưng vẫn diễn ra quá trình lão hoá, vẫn có thể mắc bệnh (dù bệnh ít và nhanh khỏi).

Dưỡng sinh bậc đại học: Tu cả thân lẫn tâm

Ở đây cần đề cao cảnh giới của tâm tính cá nhân, thân – tâm hợp nhất, đạt tới ‘Đạo dưỡng sinh’. Khi sử dụng phương pháp này, tâm thức trở nên linh mẫn, sức khoẻ thịnh mà không suy, bề ngoài trẻ mãi không già, sống tự do tự tại cho tới hết thọ mệnh.

Pháp Luân Công

Ảnh lấy từ youtube

Dĩ nhiên, không thể nói những gì thuộc về “tiểu học” thì sẽ không cần thiết, chỉ là nếu toàn bộ những điều trên đều thuộc về mối quan hệ biện chứng thế này:

  • Nếu ta có thể làm tới được bậc đại học, như vậy chứng tỏ ta đã đạt được trình độ thuộc tiểu học và trung học rồi;
  • Nếu ta không đạt được ngay cả bậc tiểu học, thì trung học hay đại học đều sẽ không chạm được đến;

Tuy vậy, khi ta đã đạt được đến đại học, thì dù rõ ràng ta có thể hiểu và sử dụng được những gì thuộc tiểu học hay trung học, nhưng có khi lại không cần áp dụng nhiều, thậm chí ta còn có thể đơn giản hoá chúng, đưa chúng lên một “tầm cao mới”, bởi đó nên mới gọi là “Đạo dưỡng sinh”, “Đại Đạo chí giản chí dị”, tuy ít mà sâu xa, rộng lớn, tuy giản dị mà lại bao chứa hết thảy điều phức tạp.

Kết

Với mục tiêu giúp độc giả nắm được cái nhìn cơ bản về dưỡng sinh và bước đầu có thể tự mình khai phá các cách thức bồi dưỡng sức khỏe, chuyên đề này sẽ không đi quá sâu vào các kiến thức chuyên môn, mà sẽ chọn lọc các thông tin đáng ghi nhớ cũng như những hành động cụ thể để đạt được mục tiêu trên, đồng thời đưa ra các gợi ý để giúp đỡ những ai có ý định tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này.

Hoàng Hoa

Theo ntdvn.com

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc