Khoa cử Việt Nam xưa kia có lắm chuyện lạ như Nguyễn Trật bỏ bài thi trắng vẫn đỗ tiến sĩ, Ngô Thì sĩ nhờ bị ốm chỉ làm bài qua loa mà đỗ đầu tức Hội nguyên, tương tự Phạm Vĩ Khiêm cũng phải hành văn khác tính cách của mình mới đỗ đầu kỳ thi Hội.
Ngoài ra cũng còn có nhiều chuyện lạ khác, mà dường như ai thi đỗ đều có an bài cả, có dùng quyền lực lực can thiệp cũng không thể đỗ.
Trong “Vũ Trung tùy bút” ghi lại các câu chuyện xưa, trong phần “khoa cử” có ghi chép lại những chuyện lạ về thi cử.
Dùng quyền lực tính toán chi tiết cũng không dỗ
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vinh là Chính Phi của chúa Trịnh Doanh và rất được Chúa sủng, bà có người em là Mậu Dĩnh vốn chỉ là kẻ tầm thường, thế nhưng muốn làm quan Triều đình thì phải đỗ đạt mới được.
Năm ấy Mậu Dĩnh dự khoa thi và vào đến kỳ thi Hội, biết em mình khó vượt qua được, bà Chính Phi bèn mật cho người đánh dấu vào quyển thi của Mậu Dĩnh, lại dặn kỹ lưỡng quan nội quyển thi có đánh dấu, cần chấm nâng lên cho, nếu bài làm kém quá không thể lấy đỗ được thì khi Chúa mở rộng đường cầu hiền thì nhất định phải dâng quyển ấy.
Đến khi kết thúc kỳ thi Hội, các quyển thi đỗ được dâng lên phủ Chúa, nhưng không thấy bài của Mậu Dĩnh.
Đoán biết bài của em mình kém quá khiến các quan không thể chấm đỗ, bà Chính Phi như kế hoạch của mình đã tính trước liền nói với Chúa rằng: “Việc thi cứ mà cứ lấy mực thước làm hạn, sợ không được rộng. Xin chúa cho lấy những quyển văn chương uẩn súc đem tiến trình, để thiếp rút lấy một quyển cho rộng đường cầu lấy nhân tài”.
Chúa vì rất yêu quý Chính Phi nên đồng ý cho người đưa quyển để bà Chính Phi chọn, bà Chính Phi chọn lấy quyển thi có đánh đấu của em mình, rồi cho người báo tin cho Mậu Dĩnh cứ ăn mừng.
Đến khi ráp phách công bố tên thì người đỗ là Võ Huy Dĩnh chứ không phải Nguyễn Mậu Dĩnh. Thế là bà Chính Phi tìm người dò hỏi, “Vũ Trung tùy bút” ghi lại rằng:
“Bà phi lấy làm quái lạ, mới hỏi kẻ lại phòng. Kẻ lại phòng thưa rằng “Khi nhận lời dặn, tâm thần hoang mang, nhớ không được rành, khi soạn quyển chỉ nhớ dặn tên Dĩnh, nên đem quyển ấy đánh dấu, không ngờ lại hóa ra lầm lẫn”.
Học dù kém nhưng nhờ chăm chỉ, nhẫn nại, có đức hạnh mà thi đỗ
Thời ấy có sĩ tử Võ Miêu người Liên Trì (trong văn bia ở Văn Miếu ghi là người xã Xuân Lan huyện Lương Tài) từ nhỏ học có phần kém, học lâu mới nhớ chữ, viết cũng rất chậm, viết cả ngày cũng chỉ được một trang giấy.
Dù học có phần kém nhưng Võ Miêu hết sức chăm chỉ, không chểnh mảng, học mãi không thôi.
Khoa thi năm 1748 Võ Miêu cũng vượt qua được tứ trường kỳ thi Hương, vào đến thi Hội thì qua được tam trường.
Đến trường tứ thì do viết chậm nên ông viết không kịp dù chữ nghĩa nhớ cả. Cặm cụi viết mãi đến xẩm tối mới nộp quyển thi.
Về đến phòng trọ nghỉ ngơi thì mới phát hiện đã nộp nhầm quyển nháp, còn quyển thi có đóng dấu vẫn nằm trong ống, Võ Miêu chỉ có trách mình mà chẳng thể làm gì.
“Vũ Trung tùy bút” chép lại rằng: Võ Miêu “đem những đoạn văn làm ban ngày ra nhuận sắc, viết lại tinh tươm vào quyển có đóng dấu. Trời gần sáng thì viết xong. Rồi chợp mắt, ngủ mãi đến trưa mới tỉnh dậy. Xem trong ống quyển thì quyển văn có đóng dấu ấy không thấy đâu nữa. Trong bụng hoang mang, chỉ sợ bộ Lễ đòi quyển có dấu thì không lấy đâu mà trả lại được. Bàng hoàng lo sợ đến dăm bảy ngày”
Sau đó thì có kết quả, người đỗ đầu tức Hội nguyên là Võ Miêu. Nhận được tin Võ Miêu không dám tin, đến tận đình Quảng Văn xem yết bảng thì quả nhiên thấy mình đỗ đầu, nhưng kinh ngạc không hiểu sao mình nộp nhầm quyển nháp lại đỗ đầu.
Dường như những ai đỗ đều đã có an bài cả, Võ Miêu dù sức học không tốt, nhưng hàng ngày học tập chăm chỉ cẩn thận từng nét chữ, vì thế mà đỗ Hội nguyên.
Ngày nay trong Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn còn văn bia khoa thi năm 1748 Võ Miêu thi đỗ tiến sĩ.
Chuyện lạ tiến sĩ làng Trường Lưu
Nguyễn Quýnh người làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, Hà Tĩnh, sinh trưởng trong gia đình quyền quý, nhiều người đỗ đạt, có người anh là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.
Khoa thi năm 1772 Nguyễn Quýnh vượt qua tứ trường kỳ thi Hương, vào kỳ thi Hội, khi thi xong trường tứ ông nộp quyền ra về. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh hỏi xem quyển nháp để xem em mình viết thế nào. Lúc đó mới biết là Nguyễn Quýnh đã nộp nhầm quyển nháp, còn quyển thi có dấu thì lại mang về.
Nguyễn Quýnh chỉ có thể trách mình, rồi nâng niu quyển thi sửa lại cho sạch đẹp, sáng hôm sau mang đến cổng trường thi, lo lắng không biết có cách nào nộp được quyển thi hay không. Mãi đến khi mặt trời đã xuống bóng ông vẫn nấn ná không muốn về.
Có người lính canh trường thi đến nói rằng ông có chuyện gì cứ nói thẳng có gì mình sẽ giúp đỡ, Nguyễn Quýnh nói thực chuyện mình nộp nhầm quyển nháp, giờ không biết làm sao để đưa quyển thi vào, người lính nói “Việc ấy rất dễ, để tôi giúp ông”.
Nguyễn Quýnh đưa quyển thi và một ít bạc trả công người lính đưa quyển thi của mình vào, nhưng người lính chỉ nhận quyển thi, trả lại bạc và nói rằng: “Sau khi ra bảng, có nhớ đến tôi thì cứ đến phường Đồng Xuân mà hỏi thăm nhà tôi là đủ, cần gì phải cho vàng bạc”.
Sau khi yết bảng, Nguyễn Quýnh quả nhiên đỗ, ông theo lời người lính đến phường Đồng Xuân hỏi thì được biết người Tùy hiệu này đã mất hơn trăm ngày rồi. Ông cho rằng quá lạ, sau khi đỗ đại khoa ra làm quan Nguyễn Quýnh vẫn thường đến thăm gia đình người ấy.
Nhà nghèo nhưng nhờ chăm chỉ, phúc đức gia đình mà thi đỗ
Ở làng Cát Đăng, huyện Vọng Doanh (Ý Yên, Nam Định) có Ngô Tiềm, trước đây gia đình có truyền thống khoa bảng, nhiều đời công hầu danh tướng có công ơn với dân, nhưng đến đời cha mẹ thì sa sút, nhưng Ngô Tiêm rất ham học.
Nhà khó khăn nên Ngô Tiêm phải theo cha đi làm thợ sơn ở khắp nơi, vì không có tiền học với thầy nên ông thường hay tới nơi dạy học để đứng ngoài nghe lỏm.
Đến khoa thi năm 1779 khi có kết quả kỳ thi Hương và chuẩn bị cho thi Hội, Ngô Tiêm cũng đỗ và chuẩn kỳ cho kỳ thi sắp tới.
Lúc này có người nằm mộng thấy mình vào trước điện đình, nghe được tiếng lô truyền xướng tên các tân khoa, đến người thứ 15 có tên là Ngô Tiêm, nhưng người cẩm sổ lại bảo: “Tên này học vấn không giỏi lắm, nhưng phúc đức thì rất xứng đáng”.
Người này tỉnh dậy hỏi bạn bè dự thi nhưng không ai biết Ngô Tiêm là ai, vì số người dự thi Hội khá đông nên không thể biết hết tên.
Ngô Tiêm vào đến được trường tứ kỳ thi Hội, nghĩ rất lâu mới chỉ viết được một đoạn cổ văn. Đang cầm bút nghĩ ngợi để viết thì quan Thể sát đến báo cổng trường đã đóng rồi mà sao vẫn ngồi đấy chưa nộp bài.
Lúc này Ngô Tiêm mới biết là trời đã tối liền khẩn xin giúp đỡ, viên Thể sát liền đưa ông đến phía sau nhà Thập đạo (Nhà thập đạo là nhà các quan chấm thi, đóng ở giữa trường thi) rồi bảo cứ ngồi đấy làm bài cho xong. Phải mãi đến khi gà gáy báo canh ba ông mới làm xong, nộp quyển thi cho viên quan Thể sát. Viên quan Thể sát cũng đưa cho ông cái mũ đinh, bảo cứ đội mũ ấy sẽ được lính canh đưa ra ngoài cổng trường.
Khi niêm yết, quả nhiên Ngô Tiêm đỗ, ông tìm đến viên quan Thể sát để cảm ơn nhưng không một ai biết người này.
Ngô Tiêm vào đến thi Đình và đỗ tiến sĩ, vinh quy bái tổ về làng. Ông làm quan trải qua các chức vụ khác nhau, sau được phong tước Nghĩa Phái hầu.
Những câu chuyện kỳ lạ về khoa cử này đều được ghi chép trong “Vũ Trung tùy bút” của danh sĩ Phạm Đình Hổ. Những chuyện này cho thấy người xưa dù nghèo khó, không có tài năng, nhưng nếu chăm chỉ, có đức hạnh vẫn thi đỗ. Còn người có quyền thế tính toán chi tiết như bà Chính Phi của chúa Trịnh thì cũng không thành.
Trần Hưng
Theo trithucvn.co
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!