Home » Thế giới » Tunisia tiếp tục chìm trong hỗn loạn
Tổng thống lâm thời Tunisia hôm qua tuyên thệ nhậm chức, một ngày sau khi Tổng thống Ben Ali tháo chạy, nhưng quốc gia Bắc Phi này vẫn chìm trong các vụ cướp bóc và bạo loạn đẫm máu trong nhà tù.


Quân đội đang nắm quyền kiểm soát trên đường phố Tunis thay cho cảnh sát. Ảnh: AP
Quân đội đang kiểm soát đường phố Tunis thay cho cảnh sát. Ảnh: AP

Chủ tịch Quốc hội Foued Mebazaa tuyên thệ nhậm chức tổng thống Tunisia, cam kết sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết có thể bao gồm cả phe đối lập để ổn định tình hình đất nước. Lệnh giới nghiêm đã được tái áp dụng tại thủ đô Tunis với việc binh sĩ triển khai trên các tuyến đường và toà nhà chính.

Trong khi đó những đám cháy vẫn bùng phát khắp Tunis kèm theo tiếng súng ăn mừng việc ông Ben Ali phải bỏ chạy lánh nạn. Một số người ủng hộ cựu tổng thống này cũng nổ súng nhằm gây bất ổn. Có hai người bị binh sĩ chính phủ bắn chết gần trụ sở Bộ Nội vụ nhưng chưa rõ lý do. Hầu hết các tuyến phố ở Tunis trong ngày hôm nay vẫn vắng bóng người.

Phóng viên BBC có mặt tại Tunis cho rằng nước này đang bị đẩy vào tình trạng rối loạn chưa từng có. Nạn cướp bóc xảy ra khắp nơi khi đất nước được chuyển cho quân đội quản lý và sự vắng bóng của cảnh sát. Bất chấp tình trạng khẩn cấp được ban bố, đám đông vẫn lao vào các cửa hàng đề cướp đồ và đập phá tài sản, đặc biệt là những nơi có liên quan đến cựu tổng thống Ben Ali và gia đình ông.

Các siêu thị do người Pháp sở hữu cùng nhà ga chính của thủ đô Tunis cũng không thoát khỏi tình trạng phá hoại của người biểu tình. Vụ việc đẫm máu nhất xảy ra hôm qua là đám cháy ở Monastir, cách Tunis 160 km về phía nam, thiêu chết 42 người trong một nhà tù. Hiện chưa rõ nguyên nhân cháy nhưng các tù nhân đã tranh thủ tình trạng này để trốn ra ngoài.

Sân bay quốc tế Carthage của Tunis bị đóng cửa hôm thứ sáu khi cuộc biểu tình bạo loạn khiến ông Ben Ali phải chạy ra nước ngoài. Tới hôm qua sân bay này đã được mở cửa trở lại để hàng trăm du khách và người nước ngoài mắc kẹt được giải phóng. Một số nước đã đưa máy bay tới di tản công dân của mình khỏi Tunis.

Một siêu thị của Pháp tại Tunis bị đốt phá. Ảnh:
Một siêu thị của Pháp tại Tunis bị đốt phá. Ảnh: AP

Trong bối cảnh bạo loạn vẫn lan tràn khắp cả nước, Tổng thống lâm thời Mebazaa cho biết ông đã đề nghị Thủ tướng Mohammed Ghannouchi lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Các cuộc thương thuyết giữa chính quyền lâm thời với các đảng phái sẽ được tổ chức trong ngày hôm nay. Theo hiến pháp Tunisia cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ phải diễn ra trong vòng 60 ngày.

Người dân Tunisia đang mong chờ chính quyền lâm thời sẽ mang đến những thay đổi lớn về chính trị và kinh tế. Trước đó một tháng, các cuộc biểu tình đã lan rộng khắp quốc gia Bắc Phi này để phản đối tình trạng thất nghiệp, giá cả lương thực leo thang và nạn tham nhũng. Lực lượng an ninh đã sử dụng đạn thật để trấn áp người biểu tình làm hàng chục người thiệt mạng.

Trước sức ép của dân chúng, Tổng thống Ben Ali, người cầm quyền suốt 23 năm qua và là tổng thống thứ hai trong lịch sử Tunisia, đã phải từ bỏ quyền lực hôm thứ sáu và ra nước ngoài lưu vong. Ông cùng gia đình lên máy bay xin được tới Pháp nhưng bị từ chối và phải chuyển sang Ảrập Xêút. Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy kêu gọi Tunisia tổ chức bầu cử tự do trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, hiện vẫn có rất ít phản ứng chính thức của các nước láng giềng Tunisia về tình hình hỗn loạn tại nước này. Việc ông Ben Ali bị lật đổ được dự đoán có thể tạo ra cơn chấn động trong khu vực, vì đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Ảrập bị buộc phải từ bỏ quyền lực do sức ép của người dân.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc