Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Một Trung Tướng chỉ trích hệ thống chính trị của Trung Quốc

Một chỉ huy quân đội Trung Quốc nổi tiếng đã chỉ trích hệ thống chính trị của nước này trong một cuộc phỏng vấn gần đây và dự đoán sẽ có một sự thay đổi chính trị theo hướng dân chủ trong vòng 10 năm tới.

Một vị tướng của Trung Quốc, ông Lưu Á Châu đã chỉ trích hệ thống chính trị của nước này và dự đoán sẽ có một sự thay đổi chính trị theo hướng dân chủ trong vòng 10 năm tới. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Trung Tướng Lưu Á Châu (Liu Yazhou) là Chính ủy của trường Đại học Quốc phòng thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc – PLA. Ông cũng là con rể của cựu Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm. Những lời tuyên bố công khai của ông đã khiến ông trở thành sĩ quan quân đội cao cấp đang tại nhiệm đầu tiên công khai chỉ trích các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà không bị phản ứng từ phía chế độ.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tuần báo Phượng Hoàng của Hồng Kông, ông Lưu nói: “Một chế độ mà không cho phép các công dân của mình được hít thở tự do, cũng như không giải phóng tối đa sự sáng tạo của họ, và không đặt những người có thể đại diện tốt nhất cho nhân dân vào các vị trí lãnh đạo, sẽ sụp đổ.”

Ông còn chỉ ra thêm nữa rằng Liên Xô cũ cũng đã từng chú trọng vào sự ổn định [xã hội] hơn mọi thứ khác và coi đó như là mục đích tối hậu.

“Chú trọng ổn định như là một nguyên tắc quan trọng trên hết, và coi kiếm tiền là cách duy nhất để giải quyết mọi thứ, sẽ chỉ dẫn tới các mâu thuẫn càng trầm trọng hơn, và mọi thứ sẽ chống lại mình.”

Ông Lưu cũng dự đoán rằng một sự thay đổi chính trị từ độc tài sang dân chủ là không thể tránh khỏi và sẽ diễn ra trong vòng 10 năm tới.

Bảy tỏ sự chỉ trích đối với các khái niệm “ngoại giao tiền bạc” và “cường quốc kinh tế” mà ĐCSTQ lựa chọn, ông Lưu nói ”có nhiều tiền hơn không có nghĩa là có nhiều quyền lực mềm hơn.”

Ông cũng chỉ trích sự tôn thờ tiền bạc là tôn chỉ cho xã hội Trung Quốc chủ lưu hiện nay, lập luận rằng điều đó đã làm tổn hại hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.

Những lời tuyên bố của ông Lưu đã được đăng trong số mới nhất của Tuần báo Phượng Hoàng, trong bài có nhan đề “Bàn về Phương Tây”. Lời của ban biên tập nói rằng nội dung được biên tập từ cuộc phỏng vấn với ông Lưu và được xuất bản với sự xét duyệt cuối cùng của ông Lưu.

Hiện tượng Lưu Á Châu

Những lời nhận xét bất thường của ông Lưu đã lan ra nhanh chóng trên mạng Internet và cũng lôi cuốn sự chú ý từ bên ngoài Trung Quốc. Một số người còn đoán rằng những lời bình luận của ông phản ánh sự đấu đá giữa các phe phái trong nội bộ ĐCSTQ trước đại hội đảng lần thứ 18 vào cuối năm 2012.

Người chỉ huy quân đội 57 tuổi này cũng là thành viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, một cơ quan nội bộ bí mật đầy quyền lực của ĐCSTQ chuyên điều tra việc tham nhũng và vi phạm điều lệ đảng. Ông cũng là sĩ quan quân đội cao cấp đang tại nhiệm đầu tiên kể từ năm 1989 có những lời nhận xét công khai thẳng thắn ủng hộ việc cải cách chính trị ở Trung Quốc và hệ thống chính trị của phương Tây mà không bị trừng phạt. Những lời bình luận của ông đã không chỉ làm rung chuyển chính giới ở Trung Quốc mà còn lôi cuốn sự chú ý của các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ.

Ông Lưu sinh ra trong một gia đình quân đội. Cha ông, Liu Jiande, là Phó Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Cha ông đã sắp xếp cho ông nhập ngũ sau khi ông tốt nghiệp trung học, và ở tuổi 20, ông đã được nhận vào Khoa Ngoại ngữ của trường Đại học Vũ Hán mà không qua thi cử. Trong trường, ông Lưu đã cho thấy tài viết văn và đã trở thành một nhà văn. Chỉ sau 10 năm mà từ một nhà văn, ông đã lên cấp tướng.

Trong các tác phẩm của mình, ông Lưu đã động chạm đến nhiều vấn đề khác nhau, từ chiến lược quân sự và ngoại giao cho đến nông dân và Đài Loan. Ông đã nhận được những bằng khen đáng kể trong quân đội cho những quan điểm và bình luận của mình.

Trong cuốn sách “Chiến lược lớn của Trung Quốc trong 20 năm tới”, ông Lưu bàn luận về vấn đề Đài Loan và đề xuất ý tưởng “Một quốc gia, hai chế độ”. Ông tin rằng Đài Loan nên được hợp nhất vào Trung Quốc thay vì bị chinh phục, và rằng điều then chốt để giải quyết vấn đề Đài Loan là chiếm được trái tim của nhân dân Đài Loan.

Theo báo chí Hồng Kông, cũng thông qua sự giật dây của ông Lưu mà Bắc Kinh đã mời hai nhân vật chính trị nổi tiếng của Đài Loan – Lien Chan, cựu Chủ tịch của Quốc Dân Đảng và James Soong, Chủ tịch Thân Dân Đảng của Đài Loan – đến thăm Trung Quốc năm 2005.

Trong những năm gần đây, ông Lưu thường xuyên bình luận về việc quản lý của chính quyền và các vấn đề quân sự, cố gắng kiến nghị ĐCSTQ thực hiện cải cách chính trị theo hướng dân chủ. Vì thế mà ông đã trở thành một nhân vật bộc trực trong số các quan chức quân đội cùng cấp và tập trung được lực lượng những người ủng hộ trẻ tuổi trong quân đội – một trong những lý do mà ban lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ vẫn chưa tấn công ông.

Lãnh đạo Trung Quốc sủng ái ông Lưu

Vào tháng 12/2009, Tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào đã thăng chức ông Lưu từ Phó Chính ủy Không quân lên Chính ủy của trường Đại học Quốc phòng thuộc Quân Giải phóng Nhân dân. Động thái này cho thấy rằng ông Hồ đã chọn dùng chiến lược cố gắng lấy lòng ông Lưu, và điều này cũng đã cho ông Lưu tự do lớn hơn để bày tỏ những quan điểm của mình.

Theo một số nhà phân tích, là một nhân vật trong hệ thống chính trị hiện tại của Trung Quốc, cách tiếp cận của ông Lưu cuối cùng sẽ dựa trên việc thăm dò cách ĐCSTQ có thể duy trì quyền lực như thế nào, thay vì đưa ra bất cứ sự từ bỏ căn bản nào đối với chế độ hiện thời. Cụ thể là, khi những vấn đề xã hội tăng lên, những tuyên bố mạnh bạo của ông Lưu có thể trở thành một chiến thuật mềm mỏng để ĐCSTQ duy trì sự ổn định, khi Đảng thăm dò và cho phép việc giải tỏa tâm lý trong khuôn phép. Tuy nhiên, khi đến lúc ĐCSTQ phải chiến đấu một cách tuyệt vọng để sống sót, thì với tư cách là một thành viên của quân đội, ông Lưu chỉ được phép làm những gì ông được bảo làm.

Zhang Haishan

(Theo The Epoch Times)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc