Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Phát hiện 70 kỹ sư sản xuất máy bay ‘xài’ bằng giả
Cách đây 3 tuần, kênh truyền hình NTV (Nga) đã đưa tin hơn 70 kỹ sư, đang làm việc ở nhà máy sản xuất máy bay Komsomolsk-on-Amur – thuộc công ty vốn nhà nước Sukhoi, đã sử dụng bằng kỹ sử giả của một trường đại học kỹ thuật.

Phát hiện 70 kỹ sư trong một nhà máy ‘xài’ bằng giả

Tình trạng sử dụng bằng giả không phải là hiếm hiện nay ở Nga. Nhưng đây là lần đầu tiên, một số lượng người sử dụng bằng giả lớn như vậy được phát hiện tại một công ty ở Nga.

Tuy nhiên, lãnh đạo của công ty Sukhoi phản ứng trước vụ scandal này với thái độ khá thờ ơ và từ chối đuổi việc những kỹ sư này. Họ viện lý do rằng theo quy định, một nhân viên chỉ bị đuổi việc nếu bị phát hiện vi phạm pháp luật. Công ty Sukhoi cũng giải thích, bằng cấp chỉ mang tính thủ tục, nhất là sau những kỹ sư này đã làm việc tại nhà máy nhiều năm.

Công ty Sukhoi hoàn toàn biết những kỹ sư này sử dụng bằng giả. Không những vậy, họ còn ‘bật đèn xanh’ cho nhiều nhân viên làm sai lệch bằng cấp từ trình độ THPT thành bằng kỹ sư hay cử nhân.

Lý do khiến các nhà lãnh đạo làm ngơ trước việc này, bên cạnh giúp nhân viên tăng lương còn nhằm mục đích đánh bóng cho những chiếc máy bay do họ sản xuất. Vì mọi người thường cho rằng, một máy sẽ tốt hơn nếu nó được sản xuất bởi các kỹ sư có bằng cấp.

Doanh nghiệp ‘ngại’ kiểm tra bằng của nhân viên

Mặc dù tình trạng bằng giả đang là vấn đề rất nhức nhối, nhưng các ca quan nhà nước thường hiếm khi kiểm tra tính hợp pháp bằng cấp của các ứng viên.

Cơ quan An ninh liên bang Nga, Bộ Nội vụ và các tổ chức chính phủ khác có liên quan đến an ninh và quốc phòng của Nga đã được yêu kiểm tra bằng cấp của nhân viên. Nhưng những cơ quan này thường rất ít quan tâm tới công việc này và vụ scandal ở công ty Sukhoi là một ví dụ điển hình. Theo ông Alexander Yudin, cựu trường phòng nhân sự của Bộ nội vụ Nga, khoảng 1/3 sĩ quan cảnh sát ở Nga sử dụng bằng giả.

Trong khi đó, ở khối doanh nghiệp tư nhân, phần lớn các công ty của Nga thậm chí còn không kiểm tra bằng cấp của các ứng viên.Một số công ty cũng tiến hành kiểm tra tính xác thực của bằng cấp của những người xin việc. Nhưng họ gặp những khó khăn vì các trường đại học thường từ chối cung cấp thông tin vì lý do những thông tin đó là “tuyệt mật”.

Từ nhiều năm nay, chính phủ Nga đã cam kết sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất nhằm giúp các nhà tuyển dụng có thể sử dụng để kiểm tra tính hợp pháp của bằng cấp với một thao tác bấm chuột, nhưng dự án này vẫn chưa được triển khai.

Ngay cả khi cơ cở dữ liệu này đi vào hoạt động, nó cũng không thể giúp phát hiện ra bằng giả được mua trực tiếp từ các trường đại học với con dấu hợp pháp.

Theo ông Mikhail Kirpichnikov, người đứng đầu Hội đồng xét duyệt bằng cấp sau đại học Nga, số lượng người có trình độ trên đại học ở Nga đã tăng chóng mặt sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1990.

Tuy nhiên, 30% trong số này đã thuê người viết luận văn. Thậm chí, ông Oleg Kutafin, cựu hiệu trưởng trường đại học Luật Quốc gia Moscow, còn cho rằng 50% trong số người có trình độ trên đại học đã thuê viết luận văn.

Nghị sĩ của Viện Duma Quốc gia Nga thuê viết luận văn

Đặc biệt, những người thuê viết luận văn thạc sĩ hay tiến sĩ lại thường là những nhà quản lý tại cấp cao và các quan chức làm việc trong chính phủ, chính quyền địa phương hay quân đội.

Những người này muốn có bằng cấp để đánh bóng cho tên tuổi và hình ảnh của họ trước công chúng.

Theo tờ Russian Newsweek, một nửa số nghị sĩ trong Viện Duma Quốc gia Nga có trình độ sau đại hoc. Tuy nhiên, ½ trong số này đã thuê người viết luận văn, với giá khoảng 25.000 đô la Mỹ/1 luận văn.

Vào năm 1998, ông Vladimir Zhirinovsky, chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, đã nhận được bằng tiến sĩ Triết học của trường đại học Quốc gia Moscow với luân văn có chủ đề “Quá khứ, hiện tại và tương lại của quốc gia Nga.

Tuy nhiên, điều đáng chú là ông không hề học qua giai đoạn thạc sĩ trước đó. Trong khi đó, nhiều người tỏ hoài nghi khi ông Sergei Shoigu lấy được bằng tiến sĩ kinh tế trong khi đang giữ chức Bộ trưởng vấn đề khẩn cấp (1996) – một lĩnh vực hầu như không liên quan tới kinh tế.

Ngay cả, bằng tiến sĩ khoa học của Thủ tướng Nga Vladimir Putin được bảo vệ năm 1997 cũng bị nghi ngờ sao chép luận văn của người khác.

Năm 2006, Clifford Gaddy, một đồng nghiệp của Vladimir Putin ở Viện Brookings, đã so sánh luận văn của cựu Tổng thống Nga với một tài liệu nghiên cứu đã được công bố trước khi Vladimir Putin bảo vệ luận văn tiến sĩ và phát hiện ra rằng 16 trang trong luận văn của Thủ tướng Nga bảo gồm cả số liệu và bảng biểu gần trùng hoàn toàn với tài liệu nghiên cứu trên.

Sau đó, Thủ tướng Putin đã không đưa ra phản ứng nào về phát hiện của Gaddy.

Chính quyền thờ ơ với nạn bằng giả và đạo văn

Trong khi đó, điện Kremlin dường như cũng không quá quan tâm tới vấn đề bằng giả và đạo văn đang giảm uy tín và chất lượng của hệ thống giáo dục Nga.

Trong cuộc họp Hội đồng quốc gia mới đây, Tổng thống Dmitry Medvedev và Bộ trưởng Giáo dục Andrei Fursenko đưa ra những báo cáo chi tiết về những vấn đề lớn nhất đối với hệ thống giáo dục và những vấn đề này ảnh hưởng như thế nào đối với quá trình hiện đại hóa của Nga. Tuy nhiên, trong những vấn đề được nêu ra ở báo cáo này, không có một từ nào liên quan tới vấn đề bằng giả và đạo văn.

Vậy thì, một câu hỏi được đặt ra là nước Nga có thể hiện đại hóa bằng cách nào với một loạt nhà quản lý, kỹ sư, nhà kinh tế, bác sĩ, luật sư, và nhà chính trị giả?

Theo vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc