Home » Thế giới » Cha đẻ của niềm vui và tranh cãi
(TNO) Ủy ban Nobel ca ngợi phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) của Robert Edwards là “niềm vui cho những người vô sinh trên toàn thế giới”. Nhưng ngay từ khi bắt tay vào nghiên cứu, Edwards cũng gây ra sự chia rẽ trên toàn thế giới. Còn trong tương lai, thành tựu này cũng đặt nền tảng cho những chia rẽ sẽ còn gay gắt hơn nữa.

Điều quan trọng nhất trong đời người…

“Điều quan trọng nhất trong đời người là có một đứa con”, Robert Edwards, cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vừa được vinh danh bằng giải Nobel Y học, từng phát biểu như thế.

Không ai phủ nhận câu nói của ông. Những người cha, người mẹ từng rưng rưng nước mắt bế trên tay sinh linh bé nhỏ được tạo ra từ chính tình yêu của họ cảm nhận điều đó. Những người đàn ông, phụ nữ chạy đôn chạy đáo, đủ cách vẫn không tài nào có được một mụn con cảm nhận điều đó, còn sâu sắc hơn nhiều.

Vì thế, khỏi cần phải nói cũng hiểu được niềm hạnh phúc vô biên của những người vô sinh “bỗng dưng” được lên chức ba, chức mẹ nhờ thành tựu của Edwards.

"Điều quan trọng nhất trong đời người là có một đứa con" - Ảnh minh họa: Reuters

Ngày nay, từ 2 – 3% trẻ sơ sinh ở các nước phát triển chào đời bằng IVF. 32 năm sau khi đứa trẻ đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm, phương pháp này đã giúp khoảng 4 triệu con người bước ra thế giới này, theo như số liệu của Ủy ban Nobel.

“Nhiều người trong số này đã trưởng thành và đã làm cha, thành mẹ. Đóng góp của ông ấy tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của y khoa hiện đại”, thông cáo báo chí của Ủy ban Nobel viết.

Thế giới đã “choảng” nhau

Vô sinh, hiếm muộn từ lâu đã là nỗi đau triền miên của bao nhiêu con người. Thế nhưng, khi Edwards cùng với đồng nghiệp Patrick Steptoe (nay đã qua đời) đệ trình phác thảo nghiên cứu của mình, họ không được cơ quan tài trợ các công trình khoa học của chính phủ Anh đồng ý chi tiền. Câu giải thích cũng chính là điều mà dư luận gay gắt chống đối: IVF có thể làm cho thế giới này trở nên quá đông đúc.

Rồi biết bao câu hỏi được đặt ra. Người ta vẫn không ngừng hoài nghi rằng IVF sẽ tạo ra những quái vật đội lốt người như các bộ phim khoa học viễn tưởng vẫn vẽ ra.

Ngoài ra, IVF đụng chạm tới một phạm trù đạo đức đầy tranh cãi, bởi nó giúp tạo ra mầm sống trong ống nghiệm (chính xác là trên một cái đĩa) chứ không phải trong cung lòng ấm áp của người mẹ như tạo hóa đã định sẵn.

Những người ủng hộ sự sống cũng đặt ra những dấu chấm hỏi nhức nhối với những phôi không được sử dụng trong lúc thực hiện IVF. Theo họ, việc loại bỏ những phôi này – những mầm sống đã nhen nhóm – cũng chẳng khác gì phá thai.

Robert Edwards (trái) và Louise Brown, người đầu tiên trên thế giới được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh: Reuters

“Đây là cuộc nghiên cứu gây tranh cãi cực kỳ gay gắt ngay từ đầu. Bất chấp những hứa hẹn đột phá, nó gây ra những vấn đề đạo đức sinh học làm chia rẽ nhiều người trong xã hội”, Nita Farahany, giáo sư triết học của Trường đại học Vanderbilt (Mỹ) phát biểu trên tờ Christian Science Monitor.

Cuộc “choảng” nhau sẽ mạnh hơn

Ngày nay, hơn 3 thập niên sau khi IVF được ứng dụng, thế giới không trở nên quá tải, ít nhất là vì IVF.

4 triệu người bước ra từ phương pháp IVF phát triển chẳng có gì khác biệt so với những người được thụ tinh bình thường, khiến người ta quên hẳn dấu chấm hỏi về quái vật đội lốt người. Việc IVF được ứng dụng rộng rãi cũng phần nào làm dịu đi những chỉ trích về “sự quái dị” của quy trình thụ tinh ngoài lòng mẹ.

Nhưng IVF đặt nền móng cho những tranh cãi sẽ còn gay gắt hơn rất nhiều. Người ta cho rằng việc xã hội nhanh chóng chấp nhận công nghệ IVF sẽ đẩy nhanh những nghiên cứu về các phương pháp biến đổi gien.

Đâu đó trên khắp thế giới, những cuộc nghiên cứu đã được tiến hành, có khi còn rất phô trương, về sinh sản vô tính, về công nghệ kéo dài tuổi thọ, về các dạng sự sống nhân tạo và thậm chí “những đứa trẻ theo thiết kế”.

Biên tập viên cao cấp của tạo chí Futurist (Mỹ) nhận định: “Sự chia rẽ liên quan đến thành tựu đột phá của Edwards chỉ mới khởi đầu thôi, bởi cuộc đua trong lĩnh vực phát triển công nghệ y sinh học sẽ là cuộc đua của thế kỷ 21, trong khi cuộc đua vào không gian đã diễn ra từ thế kỷ trước rồi”.

Và tất nhiên, những “cuộc đua” như thế này sẽ càng khiến cho thế giới “choảng” nhau dữ dội hơn.

Theo thanhnienonline

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc