Home » Kinh doanh » Loay hoay trả lương cho giám đốc điều hành
Mức tối đa mà Dự thảo mới đề xuất là lương của giám đốc điều hành (CEO) không được vượt quá 8 lần nếu mức lương bình quân của DN từ 7 triệu đồng/tháng trở lên.

Chính phủ vừa có quyết định nâng lương tối thiểu năm 2011 cho cả khu vực hành chính sự nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, vấn đề lương cho các chức danh lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn còn nhiều tranh cãi, khi còn nặng tính cào bằng và chưa thu hút được người tài.

Từ đầu năm 2010, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Đề án Quản lý tiền lương, tiền thưởng trong DN do Nhà nước nắm quyền chi phối. Tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề chưa hợp lý, nên Dự thảo đã bị bác bỏ.

Thực tế, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại các DN đã được Chính phủ nhắc tới ở Nghị định 09/2009/NĐ-CP về quản lý tài chính DNNN. Tuy nhiên, nghị định này cũng chỉ nêu việc đại diện chủ sở hữu DNNN và chủ sở hữu phần vốn nhà nước thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Luật DNNN và phân công phân cấp của Chính phủ.

Trong khi đó, Luật DNNN đã hết thời hạn từ ngày 1/7/2010 và Chính phủ chưa có quy định thêm về việc này, nên nếu ban hành các quy định khác vào thời điểm hiện nay, thì sẽ rất khó thực hiện.

Là đơn vị chắp bút cho Dự thảo Đề án quản lý tiền lương, tiền thưởng trong DNNN, Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) muốn quy định trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của người đại diện phần vốn góp của Nhà nước trong việc quản lý lao động, tiền lương trong DN.

Tư duy của Đề án là, nếu người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện vai trò tốt, làm tăng trưởng phần vốn nhà nước, thì họ sẽ có lương, thù lao, phụ cấp cao với một mức trần cụ thể.

Chẳng hạn, mức tối đa mà Dự thảo đề xuất là lương của giám đốc điều hành (CEO) không được vượt quá 8 lần nếu mức lương bình quân của DN từ 7 triệu đồng/tháng trở lên. Tuy nhiên, vấn đề là, nếu chỉ quy định trách nhiệm của những người đại diện vốn này về riêng chuyện quản lý lao động tiền lương là không ổn, vì để làm tăng trưởng được phần vốn nhà nước, phải đi kèm với các quy định về trách nhiệm và quyền hạn quản lý khác.

Theo Công văn 3155/LDTBXH-LDTL ngày 11/9/2010 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, lương của CEO tại các tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian chưa xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định tại Nghị định 101/2009/NĐ-CP, thì tiếp tục áp dụng chế độ tiền lương quy định tại Nghị định 141/2007/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương đối với công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu và các công ty con trong tập đoàn kinh tế.

Đối với công ty nhà nước chưa chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, các tổ chức, đơn vị đang áp dụng chế độ tiền lương như công ty nhà nước, thì được tiếp tục áp dụng chế độ tiền lương quy định tại các nghị định số 205, 206 và 207/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Vấn đề đặt ra đối với DNNN là, nếu tiếp tục trả lương theo quy định của Nhà nước, thì lương của CEO thấp hơn nhiều so với CEO của DN ngoài nhà nước, đặc biệt là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Và như vậy, khó có thể tuyển hay giữ chân người giỏi. Tuy nhiên, nếu trả lương theo thị trường, thì lại vi phạm khung quy định của Nhà nước.

Để giải quyết vấn đề trên, theo một số chuyên gia, phải tiếp tục đẩy lương tối thiểu của khu vực DN lên đúng với giá trị lao động của thị trường. Về hệ thống thang, bảng lương, cơ quan quản lý phải để DN tự đề xuất xây dựng theo điều kiện riêng. Tuy nhiên, phải có khung thang, bảng lương chung để làm mức sàn tương đối, tạo động lực cho DNNN tái cơ cấu hệ thống nhân sự, gắn chuyện trả lương với việc quản trị nguồn nhân lực, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Phan Long
Báo Đầu tư

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc