Home » Thế giới » Mỹ ủng hộ Ấn Độ để ‘đối trọng với Trung Quốc’
Hầu hết các báo lớn của Mỹ cho rằng việc Tổng thống Barack Obama ủng hộ Ấn Độ vào ghế thường trực Hội đồng Bảo an là nhằm tạo một đối trọng với một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.

Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bày tỏ tình thân ái. Ảnh: AFP.

Tờ Times of India điểm lại một loạt bình luận về sự kiện này trên các báo. Trong đó, The New York Times cho rằng với việc công nhận Ấn Độ xứng đáng có vị trí quan trọng hơn trong cơ quan quyền lực của LHQ, Obama đã “ra dấu hiệu chứng tỏ rằng nước Mỹ muốn xây dựng quan hệ sâu sắc hơn giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, mở rộng quan hệ thương mại và thách thức sức mạnh đang ngày càng tăng của Trung Quốc”.

Tờ Washington Post đồng tình, cho rằng tuyên bố của Obama “là sự công nhận thế lực kinh tế ngày càng tăng cũng như tham vọng cường quốc thế giới của Ấn Độ, nhưng cũng sẽ làm cho Trung Quốc và Pakistan không hài lòng”.

Tờ Christian Science Monitor nhắc lại lời khẳng định của Obama trong việc ủng hộ New Delhi kiếm một ghế thường trực, nhưng cũng cảnh báo rằng “điều đó không có nghĩa là nền dân chủ lớn ở Nam Á này có thể thấy tên mình được nhanh chóng khắc vào bảng vàng của một câu lạc bộ quyền lực nhất thế giới đó”.

“Từ thống nhất nhận thức đến cải cách thực sự là quá trình không dễ dàng, kể cả vì các lý do chính trị lẫn thực tiễn”, báo này dẫn lời Michael Doyle, cựu quan chức LHQ và hiện là chuyên gia về quan hệ quốc tế làm việc ở đại học Columbia, nhận xét.

Tờ Los Angles Times mô tả sự ủng hộ của Obama là “màn trình diễn đầy ấn tượng cho thấy sự tôn trọng đối với một quốc gia đầy thế lực, quốc gia mà ông hy vọng sẽ ủng hộ các lợi ích của Mỹ trên thế giới”.

Tờ Wall Street Journal bình luận: “Hành động này đã được Ấn Độ chờ mong từ lâu, và được quốc hội Ấn Độ chào đón nồng nhiệt, qua buổi nói chuyện của tổng thống Mỹ”. Báo dẫn lời Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes cho hay hành động này mang ý nghĩa chính thức công nhận sự lớn mạnh của Ấn Độ, trở thành một thế lực quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Chuyến thăm Ấn Độ ba ngày mở màn cho chặng đường công du châu Á của ông Obama. Tiếp sau New Delhi, ông sẽ tới Indonesia – nơi người dân đang háo hức chờ đón Obama “về nhà”. Tại Đông Bắc Á, Obama sẽ dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình dương APEC ở Nhật, và hội nghị G20 tại Hàn Quốc.

Một loạt chuyến đi dồn dập của các quan chức cấp cao nhất của chính quyền Mỹ – hai vị bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng cũng vừa hiện diện ở châu Á Thái Bình dương – cho thấy sự trở lại của khu vực này trong chính sách của Washington.

Theo tin180


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc