Home » Thế giới » Ba tình huống châm ngòi chiến tranh Triều Tiên
Bài viết của tạp chí Time về nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên, sau những lời đe dọa của Seoul và Bình Nhưỡng dành cho nhau vì vụ chìm tàu Cheonan.
“Khúc nhạc tử thần”. Đó là sự mô tả lạnh gáy mà Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương dùng để mô tả về hậu quả nếu như chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên lại xảy ra.

Xe tăng của quân đội Hàn Quốc tập trận tại khu vực gần biên giới với Triều Tiên, sau khi Seoul công bố báo cáo điều tra quy kết trách nhiệm cho Bình Nhưỡng trong vụ chìm tàu Cheonan. Ảnh: AFP.


Nguy cơ bùng nổ chiến tranh lần nữa mang lại hậu quả khó có thể tưởng tượng nổi, đến mức rất nhiều tổ chức quân sự – Lầu Năm góc, quân đội Hàn Quốc và Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc – đều đã phải tốn vô khối thời gian để suy ngẫm. Lệnh ngừng bắn giữa hai miền riều Tiên đã tồn tại 57 năm, nhưng chưa có hiệp ước hòa bình. Và giờ đây, sau khi Hàn Quốc tố cáo Triều Tiên đánh đắm tàu hải quân của Hàn Quốc, tình hình trở nên căng thẳng ở mức nghiêm trọng nhất kể từ năm 1994, khi Bình Nhưỡng đe dọa biến Seoul thành “biển lửa”.

Seoul đã nói rõ rằng họ không tìm cách trả đũa bằng quân sự, và Washington cùng Bắc Kinh đều nhấn mạnh tầm quan trọng của “những cái đầu lạnh” khi ủy viên hội đồng Nhà nước Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuần này. Tuy nhiên các bên đều lo ngại rằng trong bối cảnh căng như dây đàn, nguy cơ nổ ra chiến tranh không phải hoàn toàn được loại trừ.

Vậy chiến tranh sẽ bùng nổ như thế nào? Các nhà phân tích cũng như giới chức quân sự ở cả Mỹ và Hàn Quốc đều nhất trí rằng sẽ khó có một cuộc chiến có tuyên bố, tổng lực, được phát động từ bên nào. Ngay cả Triều Tiên, “dù có vũ khí hạt nhân, cũng không liều mạng tiến hành chiến tranh tổng lực như họ đe dọa, bởi chuyện đó sẽ đặt dấu chấm hết cho chế độ. Chấm hết”, một chuyên gia quân sự ở Seoul bình luận. Tuy nhiên, sẽ có thể có những cuộc đụng độ lẻ tẻ, và nếu không được kiểm soát tốt, chúng dẫn đến thảm họa chiến tranh. Sau đây là ba tình huống có thể châm ngòi cho một cuộc chiến, theo các chuyên gia quân sự.

Vùng biển tây

Vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên từng là nơi diễn ra những khủng hoảng trước đây, và hiện vẫn là khu vực nguy hiểm nhất. Trước vụ tàu Cheonan chìm, đã có ba cuộc đụng độ giữa hải quân hai bên xung quanh đường ranh giới NLL. Đây là hải giới trên thực tế được lực lượng của LHQ do Mỹ dẫn đầu vạch ra năm 1953. Miền bắc Triều Tiên không công nhận NLL và cho rằng hải giới cần lùi xuống phía nam.

Với việc tàu Cheonan chìm, biển tây giờ là điểm nóng nhất trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Lee Myung-bak của Hàn Quốc tuyên bố không một tàu nào của miền bắc, kể cả những con tàu đánh bắt cua theo mùa của ngư dân, được đi qua ranh giới xuống phía nam. Bình Nhưỡng trả đũa bằng cách khẳng định rằng sẽ không có một tàu nào của miền nam được chào đón trong hải phận miền bắc. Một nhà ngoại giao phương Tây ở Seoul nhận xét: “Việc này, trong hoàn cảnh như thế này, không khác gì một đám cỏ khô, chỉ chờ một tia lửa nhỏ từ bất kỳ bên nào”.

Loa phóng thanh ở DMZ

Một trong những tàn dư của thời Chiến tranh Lạnh là kiểu tâm lý chiến: Hàn Quốc bắc loa hướng sang phía Triều Tiên, phát các bản tin và bài tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. Việc này đã dừng cách đây 6 năm theo một thỏa thuận liên Triều. Nhưng Hàn Quốc vừa nối lại tuần này, để trả đũa vụ Cheonan.

Cheong Seong-chang, nghiên cứu viên cao cấp ở Hàn Quốc, cho rằng việc nước này tiếp tục chiến tranh tâm lý sẽ khiến Triều Tiên giận dữ. Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẽ bắn các loa phóng thanh của Hàn Quốc ở khu phi quân sự (DMZ). Các chuyên gia quân sự ở Seoul cho rằng, nếu quả thực Triều Tiên làm như vậy, “đó sẽ là một hành động gây hấn nghiêm trọng và Hàn Quốc phải đối chọi”.

Đấu súng ở biên giới

Nếu có súng nổ ở khu vực phi quân sự – như đôi khi vẫn xảy ra trong thời gian qua – trong bố cảnh căng thẳng như hiện nay, đó sẽ là tiền đề cho một thảm họa. Một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ cho rằng những vụ đấu súng ít có khả năng xảy ra “trong những tuần và tháng tới”. Điều quan trọng nhất là không để tình hình leo thang. Phía chúng tôi hiểu rõ sự nguy hiểm nếu tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.

Hiện nay chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố trả đũa bất kỳ hành động quân sự của nào Triều Tiên trong tương lai. “Chúng tôi không làm gì về quân sự trong vụ Cheonan, nhưng nếu trong tương lai có những vụ việc như vậy thì tôi không chắc (chính phủ) sẽ phản ứng như lần này”, cựu quan chức trên nói.

Mai Trang

Theo maivoo


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc