Home » Thế giới » Đông Âu lo sợ vì Nga mua chiến hạm Pháp
Kể từ khi thông tin về việc các nhà thầu Pháp được quyền cung cấp tàu chiến chở trực thăng cho Nga, các quan chức Paris đã vui mừng với hợp đồng nhiều triệu euro này. “Pháp thắng”, website của điện Elysse reo.

Tuy nhiên những người quan sát ở những nơi khác, đặc biệt là từ những nước láng giềng không thân thiện với Nga như Gruzia, Estonia và Litva, lại đang lo sợ rằng Pháp đang mở ra một thời kỳ mới mà trong đó các nước phương Tây sẵn sàng bán cho Nga bất kể thứ gì, từ công nghệ quân sự tiên tiến đến quyền triển khai các đường ống dẫn dầu.

Một tàu chiến lớp Mistral do Pháp chế tạo. Ảnh: wikimedia.
Một tàu chiến lớp Mistral do Pháp chế tạo. Ảnh: wikimedia.

“Một bê bối”, André Glucksmann, một nhà triết học Pháp, chỉ trích hợp đồng quân sự này. Ông bình luận thêm rằng việc công bố hợp đồng vào thời điểm giáng sinh bận rộn, nhằm tránh sự chú ý của dư luận.

Tàu đổ bộ Mistral dài 180 mét là tàu chuyên chở trực thăng tân tiến, được trang bị trung tâm chỉ huy và bệnh viện, sử dụng cho những cuộc đổ bộ. Đây là hợp đồng quân sự lớn đầu tiên mà Nga mua của nước ngoài, và cũng là thương vụ đầu tiên với một quốc gia thuộc NATO. Điều đó cho thấy vai trò của khối quân sự đã thay đổi nhiều so với thời đối đầu với quân đội Xô viết.

Một trong những vấn đề khó khăn nhất của quá trình thương thảo là việc có kèm các vũ khí hải quân và hệ thống phòng thủ tiên tiến trên tàu hay không. Trong những tháng cuối trước khi hợp đồng được ký kết, các quan chức Pháp đã mềm dẻo hơn và nói rằng Pháp sẵn sàng cung cấp không hạn chế các công nghệ liên quan.

Người Pháp không nói gì về mức độ tân tiến của công nghệ mà Nga nhận được trong thương vụ này, nhưng các hàng xóm của Nga rõ ràng là lo sốt vó.

“Có lẽ hơi sớm để làm điều đó, và điều đó đã tạo tiền lệ”, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Rasa Jukneviciene, nói. Bà cho biết trước đây các quan chức Pháp đã đảm bảo với Litva rằng sẽ không bán công nghệ tối tân cho Nga. “Nhưng giờ đây chúng tôi được biết rằng trong hợp đồng có bao gồm các công nghệ đó”.

Các nước vùng Baltics rõ ràng là lo ngại, bởi họ vẫn nhớ đánh giá của Tư lệnh hải quân Nga Vladimir S. Vysotsky về giá trị của tàu đổ bộ (nếu Nga có trong tay) trong cuộc chiến chớp nhoáng 5 ngày với Gruzia năm 2008. “Tất cả những việc chúng ta phải làm suốt 26 giờ ở trên không, tàu chiến có thể làm trong 40 phút”.

Nino Kalandadze, thứ trưởng ngoại giao Gruzia, cho biết các tàu Mistral mà Pháp cung cấp có thể chở 16 trực thăng và hơn 450 binh sĩ, giúp Nga có được quyền kiểm soát tốt hơn hẳn trên các bờ biển.

“Chúng tôi hy vọng Nga sẽ sử dụng các tàu này theo luật pháp quốc tế và để phòng vệ”, bà Kalandadze nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet, the Estonian, tỏ ra đỡ ồn ào hơn. “Chúng tôi không cho rằng thương vụ mua hai hoặc bốn con tàu đó là thách thức lớn đối với an ninh khu vực Baltics”, ông viết trong email cho The New York Times. “Ảnh hưởng của việc này sẽ được chúng tôi tính đến trong dài hạn”.

Theo hợp đồng, hai con tàu lớp Mistral sẽ được đóng ở Pháp, hai tàu còn lại được đóng ở St Petersburg. Hợp đồng này cho thấ sự trì trệ trong ngành đóng tàu của Nga. Nước này đang vật lộn để tu bổ tàu sân bay Admiral Gorshkov mà Ấn Độ muốn mua. Một số nhà phân tích trong ngành cho rằng quá trình đóng tàu Mistral ở St Petersburg cũng sẽ bị chậm, không phải do Nga thiếu năng lực mà do năng suất lao động kém.

Tàu đổ bộ tấn công Mistral của hải quân Pháp trên sông Neva, Nga, năm 2009. Ảnh: NYT
Tàu đổ bộ tấn công Mistral của hải quân Pháp trên sông Neva, Nga, năm 2009. Ảnh: NYT

Thanh Mai

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc