Home » Kinh doanh » “Tìm mọi cách hạn chế nhập rau Trung Quốc!”
Một thực tế đầy mâu thuẫn diễn ra vào dịp cận tết mỗi năm là: Trong khi rau nội ùn ứ, bán với giá rẻ mạt thì rau ngoại từ Trung Quốc tung hoành tại các chợ đầu mối.

Ông Nguyễn Trí Ngọc

Bà con thì xót ruột bán rau như cho, còn người tiêu dùng thì “hoa mắt” khi không thể biết được chất lượng thuộc về rau nội hay ngoại. Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) – Ông Nguyễn Trí Ngọc – đã có cuộc trao đổi với Lao Động về vấn đề này.

Thưa ông, với diễn biến thời tiết xấu trong năm, liệu nguồn cung rau quả có đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới?

– Giữa tháng 11.2010 đến nay là thời điểm chuyển vụ rau màu từ đông ấm sang đông lạnh, gây một đợt thiếu nguồn cung cục bộ. Tại miền Bắc, một số mặt hàng rau củ tăng giá do giá phân bón, ngoại tệ đều tăng. Tuy vậy, hiện tại việc cung ứng rau quả trên phạm vi toàn quốc tương đối ổn định. Chỉ trừ khu vực duyên hải Nam Trung Bộ do thời gian qua lũ lụt kéo dài nên gieo trồng bị gián đoạn. Các địa phương đang gấp rút tái gieo trồng và với điều kiện thời tiết thuận lợi từ đây đến cuối năm thì nguồn cung sẽ ổn định trở lại sớm để phục vụ cho dịp tết.

Cận tết là thời điểm rau – củ – quả vụ đông trong nước thu hoạch tập trung khiến giá bán hạ thấp, trong khi đó rau Trung Quốc vẫn đổ về ồ ạt tại các chợ đầu mối. Liệu có mâu thuẫn trong cân đối cung – cầu không, thưa ông?

– Việc nhập một số mặt hàng rau – củ Trung Quốc là do thời điểm đó ta vẫn chưa thu hoạch kịp các rau – củ ưa lạnh như càrốt, khoai tây, hành tây… nên phải nhập bổ sung. Thời tiết tại Trung Quốc lạnh sớm hơn nước ta, quy mô sản xuất cũng lớn nên giá thành rẻ hơn hàng trong nước. Nói một cách thẳng thắn thì rau quả trong nước khó lòng cạnh tranh với Trung Quốc về giá cả lẫn mẫu mã. Chính điều này khiến ngành trồng trọt nước ta cần chú trọng hơn để nâng cao năng suất cây trồng, đặc biệt là chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ có cạnh tranh về chất lượng thì rau nội mới có thể chiếm lĩnh thị trường so với rau ngoại.

Song thực tế là rau nhập từ Trung Quốc không chỉ là các loại rau trong nước đang thiếu mà thậm chí lấn át cả rau nội, buộc rau nội phải hạ giá thành để cạnh tranh. Ông nhận định gì về điều này?

– Tôi khẳng định là sau một loạt các biến động giá cả – đặc biệt là giá cả đầu vào, chắc chắn việc hạ giá rau xuống thấp như mọi năm sẽ khó diễn ra. Mặt bằng giá rau quả trong nước sẽ được thiết lập theo mặt bằng giá mới sao cho người nông dân hưởng lợi cao nhất, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững.

Vậy có nên hạn chế nhập rau Trung Quốc để rau nội có thị trường không, thưa ông?

– Điều này rất khó, bởi rau nhập từ Trung Quốc không thể quản lý theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng dùng hàng rào kỹ thuật để hạn chế các nguồn hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng không rõ xuất xứ. Cụ thể, khâu kiểm dịch sẽ được thắt chặt hơn, lực lượng phối hợp kiểm tra sẽ tăng số lượng nhằm hạn chế tối đa nguồn hàng rau quả không đảm bảo chất lượng nhập về nước ta trong dịp tết sắp tới. Tôi đảm bảo là riêng về nguồn rau quả sản xuất trong nước sẽ đáp ứng cơ bản đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp tết.

Vậy theo ông, bài toán quy hoạch sản xuất rau quả sẽ phải đi theo hướng nào, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu và không để rau ngoại tiếp tục lấn át rau nội?

– Cục Trồng trọt vừa chỉ đạo các địa phương rà soát lại một loạt quỹ đất quy hoạch, trước mắt tập trung cho vùng rau an toàn. Theo tôi, chỉ có kiểm soát được chất lượng rau quả thì mới chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng. Dự án mở rộng vùng rau an toàn tại Hà Nội đang tiến triển tốt, hiện nhiều mô hình trồng rau đã gắn kết người sản xuất với DN. Năm 2011 sẽ mở rộng hơn nữa các vùng trồng rau an toàn quy mô cả nước.

– Cảm ơn ông!

Theo Dương Hà

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc