Home » Sức khỏe, Xã hội » Nỗi lo rình rập gia đình hai đời bị ung thư
Khi 4 người con vừa nguôi ngoai nỗi đau mất cha do ung thư đại tràng thì họ lại hoang mang tột cùng khi lần lượt người chị thứ hai rồi anh ba cùng mắc bệnh nan y này.

Có mặt tại phòng khám New Life (phố Nguyễn Thị Thập, Hà Nội) hai ngày trước để khám và lấy mẫu máu xác định bệnh ung thư của những người trong gia đình có phải là do di truyền không, 4 anh chị em của anh Đào Huy Hoàng (Kiến An, Hải Phòng) vừa mừng, vừa lo. Họ mừng vì cuối cùng đã có cơ hội biết chính xác lý do mang bệnh của những thành viên trong nhà mình, lo vì nếu đúng vậy, những người chưa mắc sẽ phải mang cái án ung thư lơ lửng trên đầu.

Chị Đào Thị Ngữ, chị cả trong gia đình họ Đào, kể lại, năm 2001, bố chị vừa nghỉ hưu thì thấy sức khỏe sa sút hẳn. Ông hay kêu mệt, đau bụng và đi ngoài ra máu, nhầy. Khi đưa bố đi khám, các con sững sờ nghe bác sĩ thông báo ông bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Sau khi được phẫu thuật cắt khối u, tạo hậu môn giả và điều trị hơn nửa năm tại Bệnh viện K, ông chỉ sống thêm được 4 tháng nữa tại quê nhà ở Thái Bình rồi mất đầu năm 2002.

4 năm sau, khi cả gia đình vừa nguôi ngoai trước nỗi buồn này, thì tai họa lại một lần nữa ập tới: người con thứ hai phát hiện mắc bệnh giống hệt bố. Ngày đó, chị Đào Thị Nữ đang mang bầu đứa con thứ hai. Khi có thai đến tháng thứ hai, chị có dấu hiệu động thai nên vào viện nằm điều trị. Bác sĩ cho biết, thai không phát triển nên khuyên chị nên bỏ. Thế nhưng, sau khi chấm dứt thai kỳ, chị Nữ vẫn thấy đau bụng, đi ngoài ra máu và phân nhầy.

“Lúc nghe em kể điều này, linh tính trong mình mách bảo ngay ‘thôi, thế là em bị giống bố rồi’. Khi đó, mình nhớ như in lời ông bác sĩ từng điều trị cho bố: ‘bố cháu đã bị bệnh này thì các cháu cũng nên kiểm tra xem có mắc không’. Nhưng ngày đó, phần vì sợ khám sẽ ra… bệnh, phần vì chủ quan, không ai thực hiện theo. Tới khi em Nữ có triệu chứng như bố ngày xưa, mình mới bắt đầu thấy câu nói này linh ứng”, chị Ngữ kể lại.

Ảnh: MT.
Bốn chị em chị Đào Thị Ngữ tại phòng khám New Life, sau khi lấy máu gửi đi xét nghiệm tìm gene bệnh ở Hà Lan. Từ trái sang, chị Nữ (phát hiện mắc bệnh và đã điều trị), cô em út, chị Ngữ (cả hai chưa phát hiện bệnh), anh Hoàng (đã trải qua quá trình điều trị ung thư). Ảnh: MT.

Chị cho biết, thời gian đó, chị Nữ lên viện K khám thì bác sĩ xác định chị bị ung thư đại tràng. Chị được mổ 3 ngày sau khi khám rồi tiếp tục điều trị hóa chất.

“Đó là một khoảng thời gian thực sự đáng sợ. Cả nhà không chỉ lo cho sức khỏe em hai, mà còn một nỗi sợ vô hình về việc liệu sẽ có ai trong gia đình tiếp tục mắc bệnh này”, chị kể tiếp.

Khi sức khỏe chị Nữ dần hồi phục sau những ngày tháng vất vả, đau đớn trị bệnh, thì tin dữ lại tới: Người em trai thứ ba, anh Đào Huy Hoàng phát hiện bị ung thư đại tràng. Bố anh là con trai một, anh cũng là con trai duy nhất trong nhà, lại là trưởng họ nên tin này như càng nặng nề hơn. Thời gian đó, anh Hoàng hoang mang cực độ.

“Mình cảm thấy suy sụp vô cùng, nghĩ tới cảnh bố đau đớn ngày trước, rồi nghĩ chắc mình cũng sắp chết rồi nên muốn buông xuôi, chẳng chữa chạy gì nữa”, người đàn ông 32 tuổi, kể lại.

Tuy nhiên, được gia đình động viên, lại nghĩ tới người vợ trẻ và đứa con trai đầu lòng non nớt, anh đã quyết tâm lên Hà Nội khám lại và làm phẫu thuật cắt u tại Bệnh viện 108. Do phát hiện bệnh ngay ở giai đoạn đầu, sau mổ, sức khỏe anh hồi phục khá nhanh và không cần điều trị hóa chất.

Hiện tại, nhìn anh Hoàng cũng như chị Nữ, những người từng vật vã với cơn đau bệnh và có lúc đã cho là mình sắp gặp tử thần, không ai nghĩ họ từng ốm yếu. Chị Nữ trông đầy sức sống với nước da trắng hồng, anh Hoàng cũng khỏe khoắn và rất nhanh nhẹn. Dù vậy, trong họ vẫn luôn thường trực nỗi lo bệnh sẽ tái phát. Và điều họ sợ nhất là căn bệnh này tiếp tục truyền cho con, cháu mình.

Không chỉ họ, hai chị em còn lại là chị cả Ngữ và cô em út Hậu cũng luôn mang tâm trạng phấp phỏm, sợ căn bệnh ung thư sẽ giáng xuống đầu mình bất kỳ lúc nào.

Chị Ngữ cho biết, chị luôn theo dõi sức khỏe của mình rất sát sao, ăn uống điều độ, chỉ cần đau họng đơn giản chị cũng đi khám, vì sợ đó có thể là dấu hiệu của bệnh nặng, như ung thư vòm họng chẳng hạn. Thời gian trước, bị mang thai ngoài tử cung, chị cũng lo lắng, sợ mình có thể bị ung thư phần phụ nào đó.

“Thật ra, ngay từ lúc các em bị bệnh, mình đã luôn chuẩn bị sẵn tâm lý để đương đầu với bệnh. Mình biết, mình chưa bị chứ không phải không bị. Nhưng mình không bi quan, biết như thế để quan tâm hơn đến sức khỏe chứ không phải để lo đến mất ăn, mất ngủ”, chị Ngữ nói.

Cùng được khám và lấy mẫu máu xét nghiệm miễn phí xác định gene gây bệnh ung thư đại tràng có tính chất gia đình lần này, ngoài 4 chị em họ Đào trên, còn có một gia đình gồm 5 người đã mắc bệnh ở Hạ Hòa, Phú Thọ.

Đây là một hộ có hoàn cảnh khó khăn, người cha mắc ung thư đại tràng giai đoạn cuối, sức khỏe rất yếu, đang nằm chờ chết. 4 người con của ông cũng đã phát hiện bị bệnh giống bố, trong đó hai người đã phẫu thuật nhưng tình trạng sức khỏe chưa cải thiện, hai người khác đang đợi được chữa trị. Người cha, 4 đứa con bị bệnh, và 3 đứa cháu cùng dòng máu đều đã được lấy mẫu máu gửi sang Hà Lan phân tích.

Giáo sư Stoter – nguyên Trưởng khoa Nội ung bướu Bệnh viện ung bướu Đại học Rotterdam (Hà Lan) cho biết, ung thư đại tràng là một bệnh hiếm gặp, cần phát hiện sớm để có kế hoạch theo dõi cụ thể. Ung thư đại tràng di truyền gồm 2 loại, có polyp và không có polyp. Vì gene gây ra loại ung thư này là gene trội nên khả năng di truyền cho thế hệ sau là 50% trở lên.

Theo ông, một gia đình có nhiều thành viên mắc cùng một loại ung thư thì tất cả các thành viên cần xét nghiệm gene để truy tìm gen gây bệnh. Với các bệnh nhân có gene bệnh, các bác sĩ sẽ khuyến cáo cần nội soi đại tràng mỗi năm, cắt bỏ polyp, thậm chí cắt 90% đại tràng nếu có nhiều polyp.

Giáo sư Stoter cho biết thêm, đặc điểm của ung thư di truyền là trải qua mỗi thế hệ, bệnh phát ra ở độ tuổi sớm hơn khoảng 10 năm so với thế hệ trước, vì thế việc tầm soát ung thư cần thực hiện ở độ tuổi trẻ hơn 10 năm đối với mỗi thế hệ.

Hiện nay, một số cơ sở y tế ở Việt Nam cũng có máy móc có khả năng phân tích tìm gene gây ung thư trong máu bệnh nhân, tuy nhiên, do chi phí cho mỗi mẫu xét nghiệm này rất cao (khoảng 5.000 EU – tương đương khoảng 135 triệu đồng) và nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu nên chưa thực hiện các mẫu xét nghiệm này.

Minh Thùy

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc