Home » Sức khỏe, Xã hội » Bác sĩ ngoại khoa – đằng sau những vinh quang – Bài 2: Rủi ro nghề nghiệp lửng lơ trên đầu
Thời gian qua, ngoài các khiếu kiện về sự tắc trách của bác sĩ trong quá trình điều trị khiến bệnh nhân phải gánh chịu hậu quả như vụ cắt nhầm buồng trứng tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, vụ sót gạc trong ổ bụng bệnh nhân ở Bệnh viện Nhân dân 115 và gần đây nhất là vụ mờ mắt sau phẫu thuật do hóa chất nhiễm khuẩn ở Bệnh viện Mắt TPHCM… còn có những rủi ro nghề nghiệp nằm ngoài khả năng của bác sĩ. Làm gì để bảo vệ cho bác sĩ trước những nguy cơ tai biến, rủi ro ngoài ý muốn trong y khoa?

Làm gì để bảo vệ cho bác sĩ trước những nguy cơ tai biến, rủi ro ngoài ý muốn trong y khoa?

Những giải pháp…“chữa cháy”

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết: “Dù là bệnh nhân hay bác sĩ cũng không ai muốn rủi ro, khiếu nại, kiện cáo. Tuy nhiên, với đặc thù của của ngành y thì việc khiếu nại tố cáo vẫn xảy ra. Mỗi năm, phòng thụ lý gần 150 vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến bác sĩ. Ngoài những lá đơn kiện, có một số trường hợp, bệnh nhân, thân nhân người bệnh có những hành động không hay như chửi mắng bác sĩ, không hợp tác với bác sĩ hoặc lợi dụng những rủi ro nghề nghiệp của bác sĩ để trục lợi”.

Khả năng con người có hạn mà bệnh tật lại vô hạn, nếu rủi ro ngoài ý muốn xảy ra, thầy thuốc biết… dựa vào đâu? Trong khi đó, cam kết mổ chỉ nhằm mục đích ghi nhận rằng bệnh nhân đã được hướng dẫn, tư vấn đầy đủ trước khi phẫu thuật nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh chứ không phải là “bảo bối” cho bác sĩ ngoại khoa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi có rủi ro trong điều trị, nhiều cơ sở y tế vẫn thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm, tùy theo mức mà bệnh viện hay bác sĩ thỏa thuận, thương lượng với bệnh nhân hoặc thân nhân. Chính vì thế, đã có những trường hợp bệnh nhân đưa ra mức đền bù quá sức với bác sĩ như vụ gia đình bệnh nhân T.H.B đòi Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM bồi thường gần 1,4 tỷ đồng, hay mới đây một Việt kiều Mỹ đòi Bệnh viện Mắt TPHCM đền bù 85.000 USD vì cho rằng bị tai biến sau phẫu thuật.

Cũng có những trường hợp bệnh nhân hay thân nhân không hài lòng với mức hỗ trợ mà bác sĩ, bệnh viện đưa ra. Điển hình là vụ tai biến sau phẫu thuật mắt do hóa chất gây ra ở Bệnh viện Mắt TPHCM. Một số bệnh nhân sau khi nhận thấy mức đền bù thiệt hại do tai biến sau phẫu thuật quá thấp (thanh toán ngay là 8 triệu đồng/người, trả chậm là 12 triệu đồng/người) đã khiếu nại Bệnh viện Mắt và công ty dược đòi đền bù thỏa đáng.

Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, đều có hiệp hội y đoàn và bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ, do đó, mỗi khi bác sĩ gặp tai nạn nghề nghiệp, những tổ chức này đều xem xét trách nhiệm của bác sĩ để có những phương thức xử lý và hỗ trợ. Ở các quốc gia phát triển, 100% bác sĩ có bảo hiểm nghề nghiệp. Có quốc gia còn quy định, bác sĩ phải có bảo hiểm nghề nghiệp mới được hành nghề. Còn ở nước ta, thời gian qua, đã có một số đơn vị, doanh nghiệp thí điểm bán bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ và cũng đã có bệnh viện mua bảo hiểm cho bác sĩ. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều bác sĩ, mức đóng bảo hiểm của một số đơn vị vẫn quá cao so với lương của bác sĩ.

Mặc dù Luật Khám chữa bệnh sẽ có hiệu lực vào năm 2011 có điều khoản yêu cầu bệnh viện và thầy thuốc mua bảo hiểm nghề nghiệp, tuy nhiên, vấn đề bảo hiểm nghề nghiệp chỉ là một giải pháp chữa cháy chứ không mang tính phòng ngừa.

Cần có Luật Hành nghề y

Theo Viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Y học TPHCM, nghề thầy thuốc là một nghề thiêng liêng có nhiệm vụ trị bệnh cứu người, cần đảm bảo y đức trong mối quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân. Từ trước đến nay, mối quan hệ này luôn luôn tốt đẹp và các bệnh nhân luôn giữ tình cảm tốt đẹp đối với người chăm sóc sức khỏe cho mình.

Tuy nhiên, gần đây mối quan hệ này có lúc trở nên xấu đi do mặt trái của cơ chế thị trường. Dịch vụ y tế đáng lý chỉ mang tính chất xã hội đã trở thành một loại hàng hóa. Bệnh nhân trả tiền, thầy thuốc cung ứng dịch vụ y tế. Trong lĩnh vực ngoại khoa, đôi lúc quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân – thân nhân bệnh nhân trở nên phức tạp và gay cấn, nhất là khi có biến chứng hay tử vong trong phẫu thuật. Để tránh tình trạng không hay trong mối quan hệ này, tiến sĩ Dương Quang Trung cho rằng, cần có luật về hành nghề y tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế tư nhân. Thế giới gọi là nghĩa vụ luật, quy định đối với người thầy thuốc việc gì cho phép làm, việc gì cấm làm. Luật cũng quy định trách nhiệm của bệnh nhân, đồng thời quy định mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân.

Nhiều ý kiến trong giới y học cũng cho rằng, muốn đảm bảo thi hành nghĩa vụ luật cho tốt, cần có một cơ quan quản lý nghề nghiệp như y sĩ đoàn ở nhiều nước gồm có đại diện của chính quyền, dân cử và bác sĩ, cán bộ y tế. Trong lúc chờ đợi thành lập y sĩ đoàn trên cơ sở nghĩa vụ luật, các cơ quan chức năng (Sở Y tế, Bộ Y tế, UBND các cấp) cần tổ chức những hội đồng khoa học và công nghệ có đầy đủ cán bộ khoa học kỹ thuật để nghiên cứu và xử lý khi xảy ra biến chứng tử vong trong phẫu thuật cũng như khi có vấn đề kiện tụng từ phía gia đình bệnh nhân.

Trên hết, cần xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp cho việc hành nghề y tế trong thể chế kinh tế thị trường, như nghĩa vụ luật, y sĩ đoàn… Mặt khác, cần giáo dục y đức cho người thầy thuốc ngay từ khi còn ở nhà trường, đồng thời vận động bệnh nhân và gia đình có hành xử đúng đắn đối với bác sĩ, tránh việc kiện tụng chỉ vì yếu tố kinh tế.

Theo thanhnienonline

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc