Home » Kinh doanh » Bán xăng cầm chừng ở Hà Nội
Trong khi Bộ Công Thương và doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối khẳng định không thiếu hàng thì ở một số khu vực vùng ven Hà Nội, người dân phải xếp hàng mua, cửa hàng thông báo hết xăng, mất điện hoặc cột bơm hỏng.

Chị Hoài Anh nhà ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đến điểm bán gần nhất để mua xăng vào sáng qua. Xe chị đã cạn đến vạch xăng cuối cùng. Thế nhưng chị cho biết, đến cây xăng ở đường Nguyễn Cảnh Dị, Khu đô thị mới Đại Kim, chị thấy tấm biển đề “Mức mua tối đa với xe máy 20.000 đồng và 200.000 đồng đối với ôtô”.

“Tôi không tưởng tượng nổi thời buổi kinh tế thị trường hiện nay mà vẫn tồn tại kiểu bán hàng như thời bao cấp vậy”, chị Hoài Anh phản ánh.

Điểm bán này có 3 cây xăng, song chỉ có 2 cột mở bán. Một cột xăng khác dán biển đề máy hỏng. Ảnh: Tuệ Minh.

Tại cây xăng Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội, những ngày qua, khách tới mua hàng tại đây cũng ngỡ ngàng trước tấm biển đề: “Khuyến khích khách hàng mua 40.000 đồng một lần vào thời gian từ 7h đến 9h và từ 16h30 đến 18h30 hàng ngày”. Tuy không đề cập đến việc “giới hạn” số lượng xăng mua mỗi lần, nhân viên bán hàng ở đây giải thích việc treo tấm biển này là để khách hàng đỡ phải xếp hàng đợi chờ lâu.

Theo khảo sát của phóng viên VnExpress.net, tại một số cây xăng thuộc vùng ven hoặc ngoại thành Hà Nội, việc bán hàng đã có dấu hiệu cầm chừng. Tại cây xăng trên đường Nguyễn Cảnh Dị dẫn vào khu đô thị mới Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, lúc 11h trưa nay, các hoạt động mua bán vẫn diễn ra tấp nập. Tuy nhiên, trong số 4 cây xăng cắm chốt tại đây có một cột bơm xăng treo biển “máy hỏng”.

Cây xăng này cách đây mấy ngày theo phản ánh của người dân quanh đây đã treo biển khống chế số lượng bán. Trưa nay, chiếc biển “giới hạn” đã bị dỡ đi và nhân viên bán hàng khẳng định vẫn bán hàng bình thường, khách mua bao nhiêu xăng cũng được.

Tại cây xăng nằm trên đường Kim Giang, Hà Nội lúc 11h trưa nay, rất nhiều người xếp hàng chờ đến lượt vào mua. Điểm bán hàng này có 2 cột bơm song chỉ có một cái hoạt động. Cột bơm thứ hai vẫn có xăng nhưng không thấy nhân viên bán hàng. Khoảng 10 phút sau đó, khi phóng viên đưa máy ảnh ra chụp, nhân viên ở đây mới ra bán hàng cho khách.

Cũng diễn ra tình trạng tương tự “mở bán nhỏ giọt”, nhân viên cây xăng trên đường Trường Chinh giải thích việc cho nghỉ 3 cột bơm trên tổng số 5 trạm là: Khi nào đông khách mới mở bán. Trong khi, theo quan sát của VnEpxress.net lúc 12h trưa nay, nhiều người vẫn xếp hàng chờ đến lượt mua xăng. Chị Hương – một khách hàng mua xăng tại đây cho biết đã hơn một lần chị nhìn thấy hình ảnh treo biển “tạm dừng bán hàng” tại đây.

Chị Nguyễn Anh Thư ở Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội cho biết trong tuần qua chị mất rất nhiều thời gian cho việc đổ xăng. Có ngày chị mất 2 lần tới cây xăng Tiên Tân, thuộc xã Hồng Hà, Đan Phượng để mua hàng, cả hai lần chị đều thấy đóng cửa với lý do “mất điện”.

Theo phản ánh của người dân, những ngày qua, cây xăng tại ngã ba Tân Lập – Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cũng đóng cửa sớm hơn bình thường. Nếu như mọi khi, thời gian đóng cửa của cây xăng này là 22h đến 22h30, nhưng từ khoảng gần một tuần nay, cửa hàng này mở cửa muộn nhất chỉ đến 21h30. Chứng kiến cảnh này, nhiều người cho rằng các điểm bán xăng này đang cố tình găm hàng để chờ giá tăng lên để bán kiếm lời.

Điểm bán này có 2 cột xăng. Một cột bán, một cột nghỉ. Ảnh: Tuệ Minh.

Thế nhưng, trao đổi với VnExpress.net, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh than thở rằng việc đóng cửa hoặc bán cầm chừng là vì thiếu hàng hoặc hoa hồng cắt giảm, càng bán càng lỗ nên họ “ngại” kinh doanh. “Chúng tôi không thể găm hàng khi chưa biết khi nào giá bán lẻ được điều chỉnh. Mà găm hàng lợi chưa thấy đã có thể đối mặt với án phạt của cơ quan quản lý thị trường”, chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tư nhân cho biết.

Chủ doanh nghiệp xăng dầu tư nhân trên đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội cũng chia sẻ: Thời gian này, lượng xăng cung ứng về cửa hàng hầu như không đủ để bán cho khách. “Thôi thì chúng tôi vẫn mở cửa bán bình thường theo kiểu ‘có đến đâu bán đến đấy’ chứ chẳng thể làm khác được trong bối cảnh này”, ông nói.

Trong lúc người dân phản ánh khó mua hàng, hiện tượng đại lý bán cầm chừng với lý do khó về nguồn cung thì lãnh đạo Bộ Công Thương lại khẳng định việc cung cấp xăng dầu vẫn ổn định. Bên cạnh đó, cơ quan này còn liên tiếp đưa ra 2 văn bản tuyên bố sẽ xử phạt nghiêm các điểm đầu cơ, găm hàng.

Đại diện Hãng cung ứng xăng dầu PV Oil miền Bắc cũng khẳng định: “Khan hiếm xăng dầu hiện nay là ảo và chỉ xuất hiện tại các điểm bán nhỏ lẻ tư nhân. Với doanh nghiệp kinh doanh đầu mối với đại lý thuộc hệ thống chúng tôi quản lý, không ai dám làm chuyện này”.

Ông cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “đóng cửa”, “tạm dừng” như mất điện, cột bơm xăng hỏng, hàng chưa về kịp. Thậm chí, ngay cả việc xe chở xăng dầu bị hỏng máy giữa đường… cũng có thể khiến cửa hàng hay điểm bán xăng nào đó bị xáo trộn việc bán. “Ở thời điểm bình thường, việc tạm nghỉ này không bị ‘soi’ nhưng vào thời điểm nhạy cảm thì việc này lại trở thành chuyện bất thường”, vị đại diện này cho biết.

Theo ông, một nguyên nhân nữa khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân không mặn mà với việc bán hàng là vì với giá cả hiện nay là vì họ không nhận được sự ưu ái của các doanh nghiệp đầu mối. Thời gian trước ít khó khăn, có nhiều thời điểm nhà nhập khẩu cho phép đại lý mua xăng chịu. Nhưng hiện tại, tất cả cùng khó nên đại lý nào có tiền mới được mua xăng.

Trước đó, trao đổi với VnExpress.net, ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex cũng khẳng định chưa phát hiện bất cứ trường hợp cửa hàng nào thuộc hãng găm hàng chờ tăng giá. Ông khẳng định Petrolimex đảm bảo cung cấp đủ hàng theo đúng các điều khoản ký kết tại hợp đồng với đại lý, đơn vị phân phối. “Cơ quan chức năng hoàn toàn kiểm chứng được việc này bằng số liệu nhập khẩu, sản lượng bán ra…”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận nguồn hàng của hãng chỉ đảm bảo cung ứng đủ với hơn 2.100 đại lý 100% vốn thuộc Petrolimex. Còn với trên 4.000 điểm bán còn lại thuộc đại lý cấp dưới thì hãng không phải lúc nào cũng đảm bảo được.

Ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cũng khẳng định hãng vẫn cung ứng đủ nguồn hàng theo đúng cam kết. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đột ngột xin tăng sản lượng cấp, hãng sẽ từ chối với lý do tránh đầu cơ. “Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay các trường hợp cây xăng nghỉ bán mà báo chí phản ánh và sẽ công bố các đơn vị vi phạm”.

Tối qua, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện 6 cây xăng tại TP HCM đóng cửa với lý do công ty cung cấp không giao hàng kịp. Tuy nhiên, chiều nay, đại diện Công ty Hoá dầu quân đội MIPEC cho biết, 2 trạm xăng bị nêu tên không phải là đại lý của mình. Còn đại diện Công ty Comeco giải thích sự chậm trễ giao hàng rằng: “Trên thực tế có nhiều yếu tố khách quan dẫn đến việc cửa hàng xăng dầu Âu Cơ đóng cửa do trạm phải thuê xe bồn ở ngoài nên sau 21h mới chở được. Ngoài ra cũng cần nói là hiện nay các doanh nghiệp đầu mối cung cấp rất hạn chế hàng cho chúng tôi”, vị đại diện Comeco phân tích.

Theo đại diện Comeco, hiện nay khi phải đáp ứng đủ hàng cho các đại lý, trạm xăng là rất khó khăn, công ty phải gồng mình mới có thể giải quyết được.

Tương tự, theo ông Đặng Duy Quân, Phó giám đốc Công ty xăng dầu khu vực II-Petrolimex Sài Gòn khó khăn là chung, vì nhiệm vụ bình ổn thị trường và đảm bảo cung cấp nên phải cố gắng. “Khó khăn thì có nhiều yếu tố như giá cả, ngoại tệ… nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo cung cấp đủ hàng cho gần 90 đại lý tại TP HCM”, ông Quân khẳng định.

Hồng Anh – Tuệ Minh – Kiên Cường

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc