Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Kỷ nguyên mới tại Ai Cập
Người dân Ai Cập tiếp tục đấu tranh yêu cầu chính phủ lâm thời thả tù nhân chính trị và bãi bỏ các điều luật bất hợp lí để tiến tới một cuộc bầu cử công bằng vào tháng Chín tới.
[title]

Người biểu tình tại thủ đô Cairo, Ai Cập reo hò chiến thắng. (ABC)

Kiên quyết bám trụ đến cùng

Tại thủ đô Cairo, Ai Cập, hàng ngàn người dân đã rời khỏi Quảng trường Tahir để đi về nhà, quay trở lại với cuộc sống thường nhật sau khi ông Mubarak từ chức và quân đội nước này cam kết sẽ thực hiện một cuộc bầu cử tự do, công bằng nhằm chuyển giao quyền lực chính trị.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người biểu tình quyết tâm bám trụ tại quảng trường vào ngày 13/2 mặc dù quân đội đã yêu cầu họ giải tán. Họ tiếp tục đấu tranh để đòi thả một số tù nhân chính trị, yêu cầu bãi bỏ các điều luật khẩn cấp (nhằm đàn áp những người bất đồng quan điểm dưới thời ông Mubarak), cũng như bãi bỏ các tòa án quân sự và tiến hành một cuộc bầu cử công bằng để chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.

Bên cạnh đó, các nhân viên cảnh sát cũng tụ tập trước cổng Bộ Nội Vụ để yêu cầu tăng lương. Thậm chí họ còn bắn chỉ thiên nhưng may mắn là không có người nào bị thương. Tại các doanh nghiệp và một số cơ quan chính phủ, hàng ngàn công nhân, viên chức cũng đã đình công.

Cuộc nổi dậy ở Ai Cập đã lan sang khu vực Trung Đông. Tại Yemen, những người dân vốn bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình ở Tunisia và Ai Cập, đã xung đột với cảnh sát vì chặn đường họ đi đến dinh tổng thống Ali Abdullah Saleh.

Động thái của chính phủ

Vào ngày 12/2 vừa qua, chính phủ lâm thời Ai Cập đã tuyên bố giải tán Quốc hội và bãi bỏ hiến pháp cũ. Thủ tướng Ahmed Shafiq cho biết ưu tiên hàng đầu của Ai Cập trong giai đoạn hiện nay là duy trì hòa bình, ổn định đất nước và quân đội sẽ chỉ nắm chính quyền trong vòng sáu tháng kể từ nay cho đến khi bầu cử dân chủ diễn ra vào tháng Chín tới.

Sau cuộc biểu tình làm thay đổi lịch sử Ai Cập hiện đại và chấm dứt chế độ cầm quyền của ông Mubarak trong suốt 30 năm qua, Hội đồng Quân sự Cấp cao đã hứa hẹn sẽ thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý về việc cải cách hiến pháp.

Trước đây, hiến pháp cũ của Ai Cập có những điều khoản đảm bảo quyền lực cho ông Mubarak và theo đó, các cuộc bầu cử sẽ được tiến hành trên lập trường quan điểm của Đảng cầm quyền, dẫn đến những phe phái đối lập như Tổ chức Anh Em Hồi giáo cũng bị thanh trừng.

Hiện những người tổ chức biểu tình đang thành lập một Hội đồng Ủy thác nhằm bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng vừa qua, đồng thời kêu gọi chính phủ lâm thời nhanh chóng thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Ông Mohamed ElBaradei – một cựu nhân viên ngoại giao của Liên Hợp Quốc gốc Ai Cập đã lên tiếng kêu gọi quân đội nước này phải cho người dân tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực. “Chúng tôi muốn sự có mặt của rất nhiều người dân Ai Cập và quân đội không thể tự ý quyết định tất cả”, ông nói với kênh truyền hình CNN.
Một nguồn tin từ Reuters cho biết quân đội cũng đã tuyên bố sẽ có biện pháp xử những người biểu tình gây náo loạn. Lần đầu tiên nội các Ai Cập đã được triệu tập để họp bàn mà không cần treo ảnh của ông Mubarak.

Ông Shafiq cho biết quân đội sẽ quyết định vị trí của Phó Tổng thống Omar Suleiman trong nội các. Kể từ khi ông Mubarak từ chức và trao quyền lực cho quân đội thì vị trí của ông Suleiman đã trở nên lung lay.

Trước đây, vào ngày 19/1, việc ông Mubarak bổ nhiệm Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ahmed Shafiq làm thủ tướng sau khi sa thải nội các đã khiến cho rất nhiều người dân Ai Cập nổi giậnvì họ hy vọng rằng vây cánh của ông Mubarak sẽ không còn xuất hiện trong kỉ nguyên mới của đất nước.

Trước sức ép của người biểu tình, chính phủ lâm thời cho biết sẽ bãi bỏ các điều luật phi lí sau khi “chấm dứt tình trạng hiện nay”. Tuy nhiên, không có một mốc thời gian cụ thể nào được đưa ra.

Sách lược của chính phủ Ai Cập hiện nay là trấn an người dân trong nước và quốc tế về những kế hoạch tương lai. Trong ngắn hạn, Ai Cập sẽ nỗ lực củng cố hệ thống luật pháp để lấy lại sự hậu thuẫn từ phía lực lượng cảnh sát.

Ngoài ra, chính phủ nước này cũng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, trong đó có việc kí kết hiệp ước hòa bình với Isarel.

Cộng đồng Ai Cập ở Úc ăn mừng

Vào cuối tuần trước, tại thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc, khoảng 500 người Ai Cập đã tụ tập trước Thư viện Quốc gia trên đường Swanton để nghe quan chức thành phố và lãnh đạo của cộng đồng Ai Cập và Hồi giáo phát biểu sự ủng hộ cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày của người dân Ai Cập.

Tại trung tâm thành phố Sydney, bang New South Wales, hơn 100 người Ai Cập cũng đã tổ chức ăn mừng sự kiện trên. Họ cầm lá cờ và hô vang “Ai Cập trường tồn”, đồng thời đưa ra những bức ảnh những người dân đã bị thiệt mạng trong suốt 30 năm cầm quyền của ông Mubarak. Họ ca ngợi những công dân Ai Cập trẻ đã rất kiên cường trong cuộc biểu tình và biết sử dụng mạng xã hội như Facebook để nói lên tiếng nói của mình.

Tại thành phố Brisbane, bang Queensland, khoảng 60 người Ai Cập đã tham dự ‘Ngày hành động’ của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Chính phủ Úc đã gọi cuộc biểu tình ở Ai Cập là ‘cột mốc lịch sử’. Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd cho biết người dân Ai Cập đã thể hiện rõ ý chí và quyết tâm để đạt được mục đích. Ông nói: “Chính phủ Úc hoan nghênh sự dũng cảm đấu tranh của người dân Ai Cập và chúng tôi hy vọng sẽ được làm việc với giới chức trách nước này để hướng tới sự phát triển dân chủ cho Ai Cập trong tương lai”.

Tuy nhiên, Úc cũng bày tỏ mối quan ngại về chặng đường tiến tới một cuộc bầu cử dân chủ trong sáu tháng tới.

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc