Home » Thời nay, Văn hóa » Hoa hậu Biển Nguyễn Thị Loan: ‘Tôi không chảnh’
Trong những ngày cận Tết, khi tất cả bạn bè đã về quê, cô sinh viên năm ba Đại học Thương Mại vẫn bám trụ Hà Nội để đi diễn thời trang. Người đẹp có hình thể đẹp nhất Hoa hậu Việt Nam 2010 cho rằng, hạnh phúc nhất là tiêu những đồng tiền do chính mình kiếm được.


Nguyễn Thị Loan trình diễn tại Wedding Gala áo cưới hồi cuối tháng 8/2010, chỉ ít ngày sau cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.
Nguyễn Thị Loan trình diễn tại Wedding Gala áo cưới hồi cuối tháng 8/2010, chỉ ít ngày sau cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Nửa năm sau cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nhìn chị thay đổi rất nhiều. Chị chịu sự tác động nào trong suy nghĩ?

– Tôi nghĩ sự thay đổi là tất yếu. Tôi trở nên tự tin hơn, thấy mình năng động hơn, cuộc sống mở ra cho tôi nhiều cơ hội để phát huy những tố chất của bản thân. Còn về môi trường, tôi có sự giao tiếp xã hội rộng rãi hơn nên đòi hỏi bản thân mình phải chú ý cả về cách ứng xử cũng như hình thức bên ngoài.

Nhiều người nói tôi thay đổi, từ một cô gái quê trở nên sành điệu nhưng tôi cho rằng, người ta phải sống hợp trong từng hoàn cảnh. Ở địa vị của tôi, không thể không chăm sóc bản thân cho dễ nhìn – đó là điều hợp lý. Nhất là khi tôi trở thành gương mặt đại diện cho một hãng mỹ phẩm và tham gia diễn thời trang.

Nhiều cô gái từ sự chân chất ban đầu, sau một thời gian tham gia showbiz đã thay đổi rất nhiều về tính cách. Còn chị, chị giữ mình ra sao?

– Ban đầu, tôi khá choáng ngợp. Tôi cho rằng, ở đâu cũng có mặt tốt, mặt xấu. Sau nửa năm tôi thay đổi nhưng cái thay đổi của tôi là thay đổi tích cực cả về bên trong cũng như bên ngoài. Còn bản chất con người và những đức tính thì tôi luôn cố gắng giữ gìn. Hiện tại, tôi thấy mình làm tốt điều ấy.

Bố mẹ chị nhắc nhở điều gì khi chị lựa chọn con đường làm người mẫu?

– Bố mẹ tôi là nông dân chân chất nên không có hiểu biết nhiều về giới nghệ thuật với những câu chuyện nội bộ của nó. Bố mẹ chỉ khuyên tôi như những gì đã nói ngày tôi vào đại học. Hai người cho rằng, việc theo nghề người mẫu chỉ đơn giản là rẽ theo con đường mới, còn việc đi thế nào thì ở chính bản thân mình. Những lời khuyên của bố mẹ thúc đẩy bản thân tôi cố gắng hơn là gò ép tôi trong một khuôn khổ.

Tôi cho rằng, nghề người mẫu cũng như những nghề khác trong xã hội thôi, không có gì xấu cả. Nó còn tạo cơ hội cho mình có thu nhập cao hơn mức trung bình. Thật ra công việc chính của tôi vẫn là học nên việc đi diễn chỉ là phụ trợ. Nó giúp tôi có tiền để đăng ký học những khóa học thêm tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng, có thu nhập riêng của mình để không phải đắn đo nhiều như lúc trước.

Tuy nhiên, đây là một nghề nghiệp không ổn định nên có nhiều lúc tôi giúp đỡ được cha mẹ và em trai, có lúc không. Tết này, sau khi được nghỉ học, tôi ở tận đến ngày 30/1 (26 Tết) để diễn show. Đây là lúc tôi đi diễn vừa có thêm thu nhập, vừa không bị xáo trộn việc học.

Nguyễn Thị Loan của hiện tại đã tự tin, ý thức được giá trị của bản thân. Ảnh: Ngọc Trần.
Nguyễn Thị Loan của hiện tại đã tự tin, ý thức được giá trị của bản thân. Ảnh: Ngọc Trần.

Nghề này giúp chị trang trải cuộc sống. Vậy chị có dự định tương lai nào với nó?

– Trong cuộc thi Hoa hậu Viêt Nam, tôi từng hơi tự ti vì xuất thân từ một vận động viên, có dáng đi quá nam tính. Bây giờ, việc đi diễn hàng ngày vừa giúp tôi có thêm thu nhập, vừa giúp tôi rèn luyện mình. Tôi cũng hay học hỏi các đàn chị đi trước, xem các người mẫu nước ngoài trên tivi để rút kinh nghiệm.

Tôi đầu tư thời gian cho nghề người mẫu nhưng tôi biết đây không phải là nghề theo con người ta suốt đời. Không người mẫu nào về hưu ở tuổi 60. Vì thế, tôi luôn cố gắng hoàn thành việc học trên lớp. Còn với nghề người mẫu, nếu cơ hội của mình mở rộng đến đâu, tôi sẽ cố gắng nắm lấy nó đến đó để làm bàn đạp, bước tiến để mình hoàn thành những mục tiêu khác.

Bản thân chị có hình thể đẹp, và có danh hiệu nhưng chỉ là một người mẫu mới. Khi đi diễn, chị đứng ở vị trí nào?

– Trong một số chương trình, tôi được chọn đi ở vị trí vedette còn nhiều chương trình quan trọng khác như Đại lễ nghìn năm Thăng Long, trong 100 cô mẫu diễn ở vị trí nào cũng cảm thấy tự hào. Tôi không bao giờ đòi hỏi tôi phải được đứng chỗ này, phải nhận được cát-xê kia. Tất nhiên nếu mức cát-xê quá thấp, tôi sẽ từ chối. Ngoài ra tôi cũng có sự tìm hiểu để biết mức giá xứng đáng cho mình, tránh trường hợp người ta nói mình chảnh. Tôi không quá đắn đo về chuyện tiền nong.

Khi diễn, tôi thấy nhiều người có điều kiện đi bằng ôtô, taxi. Các chị ấy thấy như thế là tự tin vì nó phù hợp với bản thân các chị, còn tôi đi xe máy cho cơ động. Chiếc xe này tôi mua từ phần thưởng thi hoa hậu nên tôi rất tự hào. Tôi chưa bao giờ tự ti khi đứng cạnh những đồng nghiệp dùng hàng hiệu vì giá trị con người không thể đo bằng những vật chất họ họ khoác lên mình. Nó phải là tổng hòa bên trong và bên ngoài. Tôi nghĩ rằng mình có những cái khác để tự hào.

Thực ra không chờ đến khi chị đi làm người mẫu mới bị mang tiếng, sau khi nhận ngôi Hoa hậu Biển, có dư luận rằng, chị chảnh với cả ban giám khảo và các thí sinh khác và đây là nguyên nhân dẫn đến việc chị dừng lại ở top 5 Hoa hậu Việt Nam. Chị có thể nói gì về điều này?

– Tôi không biết vì sao có sự hiểu lầm này. Tôi xin khẳng định là tôi không chảnh. Cách sống của tôi rất mộc mạc, tôi không bao giờ nghĩ mình hơn người khác. Có lẽ tôi xuất thân từ quê lúa không khéo léo như những người con gái thành phố khác. Đánh giá con người là kiêu chảnh hay thân thiện rất khó, phải qua một quá trình dài chứ không nên vì một biểu hiện nhỏ. Để người ta nói như vậy, một phần tôi phải xem xét đánh giá về phía người đó, một phần phải nhìn lại bản thân xem điều gì khiến mình gây ra những hiểu nhầm này.

Tôi cho rằng cuộc thi là một cuộc chơi và mình tới đó chỉ để tham dự cho vui. Tôi không đặt nặng chuyện có giải. Tôi tiếc vì gây ra sự hiểu lầm nhưng không tiếc về việc trượt vương miện. Những gì đã đoạt được đủ là cơ hội để tôi có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống.

Cô cũng thường tham gia các chương trình từ thiện như thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm các em nhỏ có hoàn cảnh thiệt thòi. Ảnh: Ngọc Trần.
Cô cũng thường tham gia các chương trình từ thiện như thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm các em nhỏ có hoàn cảnh thiệt thòi. Ảnh: Ngọc Trần.

Đó là nhận xét của người ngoài, còn những người bên cạnh chị thì sao?

– Lúc đầu, sau cuộc thi, các bạn tôi ở trường, kể cả những bạn thân của tôi trong nhóm 5 người, có hơi dè dặt. Sau khoảng 1-2 cuộc trò chuyện, bây giờ chúng tôi đã bình thường trở lại. Trong lớp tôi cũng vẫn như ngày xưa. Khi đến trường tôi là một cô sinh viên, khi trình diễn tôi là người mẫu, khi tham gia sự kiện tôi xuất hiện với danh hiệu người đẹp. Tôi cho rằng phải cư xử phù hợp với cách nhìn của mọi người với mình ở những nơi mình xuất hiện.

Ngày tôi đoạt danh hiệu, hàng xóm sang nhà chúc mừng rất nhiều. Bản thân tôi rất vui vì được ủng hộ. Năm lớp 8 tôi cấy rất giỏi, sau khi học thể thao về, tôi cấy lúa cây bị nổi lên. Nhưng hai năm làm sinh viên, tôi vẫn thường về cấy giúp bố mẹ, tiếc là lần này về quê thì không đúng vụ mùa.

Vất vả kiếm sống, chị ứng xử với những đề nghị khiếm nhã thế nào?

– Đến giờ phút này tôi chưa cảm thấy có sự khiếm nhã nào. Tôi gặp được rất nhiều người tốt và họ đối xử với tôi như bạn bè. Như bạn đã thấy, tôi không ngần ngại khi nói về hoàn cảnh của mình. Tôi đã tự hào tâm sự về gia đình khi nhận danh hiệu Hoa hậu Biển và cha mẹ tôi luôn dạy tôi rằng: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Chị cũng từng nói mình chưa một lần yêu, lúc này thì sao?

– Tôi không đặt nặng vấn đề yêu. Những người con gái khác thường quan niệm mình làm sao tìm được một người đàn ông phù hợp, chăm lo cho hạnh phúc gia đình, kinh tế thì để chồng gánh vác. Riêng tôi cho rằng, con gái cũng cần có sự nghiệp, công danh. Tôi muốn hoàn thành tốt việc học, sau đó có một công việc ổn định để không thành người thừa hay ăn bám. Lúc đó, tôi mới có thời gian để ý đến những việc khác. Thế nên, chuyện yêu hiện tại của tôi vẫn là số 0.

Nhiều người cho rằng tôi hơi cực đoan nhưng tôi lại nghĩ, có khi mình chưa tìm được người thích hợp thôi. Họ nói, hơn 20 tuổi mà chưa có người yêu thì hoặc quá xấu, hoặc có vấn đề tâm lý – tôi thì cho rằng, đó là quan niệm hơi cổ hủ.

Tết này, khi đã có khả năng kiếm tiền, chị dự định sắm sửa cho cha mẹ ra sao?

– Ở quê tôi vui nhất là khi cả gia đình cùng tụ họp, chung tay dọn dẹp nhà cửa, đi chợ quê, gói bánh chưng, ngồi trong bếp nói chuyện, xem chương trình Táo Quân. Việc sắm sửa cũng không quá tốn kém. Năm nay tôi về muộn nên chắc cha mẹ cũng chuẩn bị hết rồi. Tôi nghĩ, mùa đông lạnh thế này, nếu mọi người có khăn ấm thì rất hay. Từ giờ tới khi về quê ăn Tết, tôi cố gắng xuống làng lụa Vạn Phúc, mua tặng mẹ và các cô trong họ một chiếc khăn. Riêng bố là một chiếc áo để bố đi xe máy không bị rét. Tôi cũng đang đan một vài chiếc mũ nhỏ cho các cháu trong họ nữa.

Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Ngọc Trần

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc