Home » Chia sẻ, Tiêu biểu sideshow » Kinh tế khó khăn, tình yêu ‘nhập nhằng’
Đôi khi người Úc đón Ngày lễ Tình nhân (Valentine’s Day) không mấy vui vẻ nếu biết rằng số vụ ly hôn hàng năm của người Úc tăng gần 5%, nguyên nhân chủ yếu là do… tranh cãi về tiền bạc.

Dù hôn nhân có khó khăn nhưng tình yêu vẫn ’lên ngôi’ tại Úc. Một bản tin từ ABC News cho hay ngày Valentine năm nay sẽ mang lại cho nền kinh tế tiểu bang New South Wales khoảng 300 triệu đô-la! Hơn 300.000 đóa hoa hồng được tiêu thụ ở bang này trong ngày hôm nay 14/2/2011. (ABC)

[title]

Hàng năm cả nước Úc có gần 50.000 vụ ly dị. Số vụ ly dị hồi năm 2009 tăng 4,7% so với 2008. Theo các chuyên gia về hôn nhân gia đình, tiền bạc là nguyên nhân hàng đầu làm cho vợ chồng chia tay.

Số liệu của Cục Thống kê Úc cho hay trung bình một hôn nhân ở Úc chỉ kéo dài 12,3 năm. Nhóm tuổi có tỷ lệ ly dị cao nhất là từ 35 đến 39. Một nửa số gia đình ly dị có ít nhất một con nhỏ dưới 18 tuổi.

Tiền hết thì… tình cạn?

Khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm qua tuy không tác động đến nước Úc một cách trực tiếp nhưng cũng gây ra tác động gián tiếp. Môi trường kinh doanh trở nên nhiều thách thức hơn, công ăn việc làm khó kiếm. Điều này khiến một số gia đình thiếu tiền trả góp (mua nhà) cho ngân hàng, từ đó góp phần tạo ra sức ép đối với hôn nhân.

“Tiền bạc được các cặp vợ chồng nhắc tới như là nguyên nhân gây mâu thuẫn hàng đầu, sau đó mới đến các bất hòa trong công việc, cách nuôi dạy con…”, bà Anne Hollonds từ Hội Relationships Australia (tạm dịch: Hội Gỡ rối Tơ lòng Úc) cho báo Daily Telegraph hay.

Bà Anne Hollonds đã chẳng ngần ngại dự đoán khó khăn về tài chính gia đình nhiều khả năng sẽ tạo ra “làn sóng ly dị trong tương lai gần”.

“Nhiều cặp vợ chồng vay tiền ngân hàng mua nhà khi lãi suất thấp, tuy nhiên sau bốn lần Ngân hàng Dự trữ Úc tăng lãi suất, giờ họ đang gặp khó khăn. Dù vậy, những người này vẫn sẽ ở với nhau để tìm cách hàn gắn khác biệt và vượt qua khó khăn, ngày nào hay ngày đó”.

Hugh Mackay, nhà xã hội học hàng đầu tại Úc dự đoán, dưới sức ép tài chính khó khăn trong thời buổi kinh tế biến động, tỷ suất sinh tại Úc sẽ giảm, tỷ lệ ly dị sẽ tiếp tục cao.

Brisbane: ‘Thủ đô ly dị’ của Úc

Brisbane, thành phố du lịch của Úc từ lâu nổi tiếng với không gian thoáng đãng, khí hậu nhiệt đới, lối sống thư giãn. Mấy ai ngờ rằng thủ phủ của tiểu bang Queensland này lại được xem là ‘thủ đô ly dị’ của Úc.

Theo số liệu từ Bộ Tư pháp bang Queensland, ước tính hàng năm Tòa án Gia đình bang này xử lý hơn 11.000 hồ sơ xin ly dị của cư dân trong tiểu bang. Theo Báo cáo thường niên của Tòa án Gia đình, tỷ lệ ly dị trên dân số của bang Queensland là 25 hồ sơ trên mỗi 10.000 dân.

Với dân số 2 triệu người, Brisbane là thành phố có số người ly dị đông nhất nước Úc: hơn 90% hồ sơ ly dị của tiểu bang Queensland đến từ Brisbane. Trong khi Sydney chỉ có khoảng hơn 7.000 hồ sơ, Melbourne có khoảng 9.000 hồ sơ ly dị/năm.

Các nhà xã hội học coi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự thiếu vắng hỗ trợ từ gia đình nội ngoại hai bên là các nguyên nhân hàng đầu để lý giải cho tỷ lệ ly dị cao tại Brisbane, Queensland.

Đã từ lâu người Úc từ các tiểu bang thời tiết lạnh có xu hướng chuyển đến Queensland, nơi có khí hậu ấm áp quanh năm. Ngoài những người hưu trí dọn đến Queensland để hưởng tuổi già an nhàn còn có khá nhiều gia đình trẻ cũng đến tiểu bang này sinh sống.

Tuy nhiên, những gia đình trẻ này đã mất đi sự giúp đỡ từ hai bên nội ngoại trông hộ con cái khi chuyển đến sống ở Queensland. Việc chăm sóc và nuôi dạy con cái trở thành gánh nặng. Theo chuyên gia về dân số học Bernard Salt, rạn nứt trong gia đình bắt đầu xuất hiện xung quanh vấn đề chăm sóc con trẻ này.

Một số cặp vợ chồng đang có vấn đề trong hôn nhân trong thời gian du lịch ở Queensland thay vì hàn gắn, giải quyết các sóng gió đã… vướng vào vòng tranh cãi và bàn về ly dị.

Bà Anne Hollonds từ Hội Relationships Australia kể: “Họ dùng kỳ nghỉ tại Queensland để tìm cách cứu con thuyền hôn nhân đang tròng trành. Nhưng khi đến Queensland, họ lại tiếp tục tranh cãi những chuyện bất đồng trong đời sống gia đình”.

Bà Hollonds khuyên các cặp vợ chồng nên giải quyết các bất đồng trong hôn nhân càng sớm càng tốt, đừng đợi đến sau này những rắc rối vốn âm ỉ từ lâu biết đâu lại được khơi gợi lên và làm hỏng cả kỳ nghỉ vui vẻ.

Theo bayvut

Chuyên đề: , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc