Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Anh quốc: Nhận tài trợ của con trai Gaddafi, Giám đốc Trường Kinh tế London phải từ chức!
Tờ báo mạng UWN số hôm nay ngày 6/3/2011 vừa đưa tin về vụ từ chức của ông Howard Davies, Giám đốc Trường Kinh tế London (London School of Economics, viết tắt là LSE) vì đã nhận tiền hiến tặng (donation) của con trai Gaddafi. Có thể tìm thấy tin ấy ở đây.

Cần dừng lại ở đây để giới thiệu về LSE cho những người chưa nghe nhiều về nó. Ngôi trường trên 100 tuổi này (LSE được thành lập từ năm 1895) là một trong những tên tuổi lừng lẫy trong giáo dục đại học của Anh Quốc, chuyên đào tạo và nghiên cứu cho khối ngành kinh tế – chính trị (tên đầy đủ của trường là The London School of Economics and Political Science), được Hội đồng đánh giá nghiên cứu của Anh Quốc đánh giá là một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu của nước này trong đợt đánh giá năm 2008. Còn trên các bảng xếp hạng đại học toàn cầu thì LSE luôn có mặt trong tốp 100 trường tốt nhất thế giới, và tốp 15 trường tốt nhất nước Anh. Điều này cũng dễ hiểu nếu ta xét những thành tựu của trường trong thời gian qua.

Theo thông tin trên trang web của trường, LSE có đến 16 giảng viên và cựu sinh viên đạt giải thưởng Nobel về kinh tế, đồng thời có đến 34 nhà lãnh đạo hiện tại hoặc quá khứ của thế giới đã từng là sinh viên của LSE. Riêng ở Anh, trong số dân biểu và thượng nghị sĩ hiện cũng có đến 31 dân biểu và 42 nghị sĩ đã từng giảng dạy hoặc học tập ở LSE. Thật là những con số đáng nể! Có thể xem thêm thông tin ở đây.

Cũng cần nói thêm về Howard Davies. Theo thông tin từ trang web của LSE, ông đang ở trong nhiệm kỳ thứ hai với vai trò là Giám đốc LSE, là một nhà khoa học có tên tuổi trong lãnh vực tài chính, và đã từng giữ những vị trí quan trọng về quản lý tài chính trong khu vực nhà nước trước khi đảm nhiệm chức vụ tại LSE. Việc từ chức mới đây của ông đã được Hội đồng Quản trị của LSE chấp nhận và đã thông báo trên trang web của trường bằng một mẩu tin ngắn gọn và thận trọng. Mặc dù vậy, khi lên trang web của trường ta vẫn có thể thấy dấu ấn của ông vẫn tồn tại ở khắp nơi trong ngôi trường danh tiếng này.

Vậy tại sao Howard Davies phải từ chức? Rất đơn giản: Người ta vừa phát hiện LSE có nhận một số tiền hiến tặng khá lớn, đến 1,5 triệu bảng Anh (gần 2 triệu rưỡi đô Mỹ) của cậu con trai nổi tiếng của Gahdafi là Saif Al-Islam, vốn là cựu sinh viên của trường này và đã được trường cấp bằng tiến sĩ vào năm 2008. Cậu con trai Gaddafi học ở LSE từ năm 2003 đến năm 2008, trước tiên lấy bằng thạc sĩ rồi sau đó lấy bằng tiến sĩ.

Nhưng nhận hiến tặng của cựu sinh viên thì có gì mà phải từ chức kia chứ? Không lẽ vì bố của cậu Saif Al-Islam là Gaddafi bị dân chúng phản đối và muốn lật đổ mà việc nhận hiến tặng của cậu con trai bỗng dưng trở thành một cái tội hay sao? Vậy nếu hiện nay không có vụ chống đối chính quyền ở Lybia thì việc nhận hiến tặng đó vẫn là tốt chứ? Thật rủi ro cho Howard Davies, vì khi nhận hiến tặng ông đâu ngờ rằng chỉ vài năm sau là Gaddafi bị phản đối và muốn lật đổ như hôm nay đâu. Vả lại, chính trị là chính trị, mà trường học là trường học, sao lại “chuyện nọ xọ chuyện kia” vậy nhỉ? Lỡ ông bố độc tài nhưng cậu con thì tài giỏi, học hành trong trường thì sáng láng và khi ra trường thì thành đạt, thì sao?

Mọi việc thực ra phức tạp hơn thế. Đầu đuôi của vụ từ chức của Howard Davies thật ra bắt nguồn từ việc người ta phát hiện ra luận văn tiến sĩ của con trai Gaddafi là đạo văn! Không những thế, vụ việc càng vỡ lở thì thông tin xấu càng xì ra, vì có tin tức cho rằng con trai Gaddafi thực sự chẳng có nghiên cứu gì cả mà đã sử dụng “tác giả ma” (ghost writer, tức là người viết thuê) để viết luận văn của mình. Có thể tìm thấy thông tin về vụ đạo văn này nhan nhản trên mạng, ví dụ như ở đây. (Chỉ hơi lạ là tin đã lâu, cả 2 tuần nay rồi nhưng báo chí Việt hình nhưng không đưa tin về vụ này nhỉ?)

Đã bị phát hiện đạo văn thì tất nhiên là phải điều tra. Và khi điều tra thì người ta mới … té ngửa ra là Giám đốc LSE có quan hệ quá thân thiết với gia đình Gaddafi. Không những nhận hiến tặng, Giám đốc LSE còn đã từng đến thăm Lybia và cố vấn cho chính phủ của Gaddafi về việc cải tổ hệ thống tài chính của đất nước này.

Vụ việc bị vỡ lở vào thời điểm phong trào đòi dân chủ ở Châu Phi đang lan ra như lửa cháy, khiến sinh viên LSE rất phẫn nộ vì không chấp nhận trường đại học của mình lại có dính líu đến một chế độ độc tài như vậy. Và việc gì phải đến đã đến, một khi sinh viên không còn hài lòng với cách điều hành của người lãnh đạo nhà trường, thì đối với phương Tây, cách phản ứng tốt nhất, tự trọng nhất của một người đang giữ một vị trí cao như vậy là thừa nhận mình đã có sai lầm và chấp nhận rời bỏ vị trí của mình. Nói gì thì nói, hành động của Howard Davies như thế thật sự là dũng cảm, cho dù trước đó ông đã có sai lầm gì đi chăng nữa.

Sai lầm của Howard Davies theo tôi chẳng có gì là quá lớn: với vai trò của một người thầy, Howard Davies hẳn sẽ rất hài lòng nếu như mình có được những tác động tốt đối với một thể chế chính trị thông qua những cựu sinh viên của mình, và việc nhận lời đi thăm Lybia và cố vấn cho lãnh đạo đất nước này về việc cải cách theo đúng những hiểu biết của mình là việc mà ai có cơ hội có lẽ cũng sẽ làm. Vì mong muốn đem lại những tác động tốt thực sự.

Điều xui xẻo cho ông Davies là hội đồng chấm luận văn tiến sĩ cũng như người hướng dẫn luận án của con trai Gaddafi lại làm việc lỏng lẻo sao đó để lọt qua luận văn gian dối này. Và đấy mới thực sự là lỗi của Davies với tư cách GĐ LSE, một lỗi không quá lớn vì việc đạo văn như thế này có lẽ không hề ít ở phương Tây, mặc dù vẫn bị lên án nặng nề. Chẳng hạn như mới đây một Bộ trưởng của Đức cũng đã phải từ chức vì bị phát hiện đạo văn. Tuy nhiên, hiệu trưởng của trường mà ông đã học không phải từ chức gì cả. Chẳng qua là vì Davies lại tình cờ cũng có quan hệ thân thiết với con trai Gaddafi và nhận hiến tặng của cậu ta nữa, mà Gaddafi thì gần đây đã trở nên quá nổi tiếng, cho nên …. Thật đáng tiếc cho Howard Davies!

Trông người mà nghĩ đến ta! Tôi nhớ ở VN trong năm 2010 có quá nhiều scandals trong giáo dục, hết đạo văn, đạo giáo trình, đạo bài viết, đạo dịch, đạo luận văn thạc sĩ, rồi bằng giả, trường ma, đủ cả, đến nỗi dư luận phát sốt lên, báo chí viết bài rôm rả. Rồi … mọi cái lại đâu vào đấy, có thấy ai bị kỷ luật hay từ chức gì đâu?

(À, xin mở ngoặc một chút, personally tôi cũng biết một trường hợp đạo văn bị phát hiện và sau đó đã phải xin nghỉ và chuyển đi nơi khác, nhưng người vi phạm dường như lại còn xin được chỗ làm với một vị trí tốt hơn thì phải, và vẫn tỏ ra hết sức tự tin vì vẫn có được sự bênh vực ở đâu đó, vì lập luận của người ấy là người khui vụ đạo văn ra vốn chỉ xuất phát từ những đụng chạm trong quan hệ cá nhân mà thôi????)

Tự nhiên tôi nghĩ, chỉ khi nào các vị lãnh đạo đại học và các nhà khoa học, giảng viên của chúng ta có đủ lòng tự trọng và biết từ chức vì bị phát hiện như thế này, thì có lẽ đến lúc ấy chúng ta mới hy vọng có được trường đại học lọt vào top 200, 300, 500 gì đó của thế giới.
———
Tôi mới tìm ra tin này đã đưa trên báo Việt rồi, nhưng ít người đọc. Ở đây: http://www.baomoi.com/Con-Gaddafi-nguy-co-bi-tuoc-bang-tien-si/59/5782068.epi

Còn nhiều tin khác liên quan đến vụ này, dưới cái nhìn học thuật và các giá trị đạo đức của đại học, chứ không phải là vấn đề chính trị. Tôi lưu lại một số links ở đây để sau biết đâu sẽ đọc và viết tiếp, dưới đây:

1. http://www.bbc.co.uk/news/education-12608869 – LSE investigates Gaddafi’s son plagiarism claims

2. http://www.bbc.co.uk/news/education-12537155 – UK university reviews funding from Libya

3. http://www.bbc.co.uk/news/education-12550876 – Gaddafi funds prompt LSE students’ protest

4. http://www.bbc.co.uk/news/uk-12642636 – LSE director Sir Howard Davies resigns over Libya links

Trích dẫn đáng chú ý:
i.

Saif al-Islam Gaddafi wrote his doctoral dissertation on the role of civil society in the democratisation of global governance institutions.
Saif al-Islam Gaddafi viết luận án tiến sĩ về vai trò của xã hội dân sự trong quá trình dân chủ hóa các định chế quản trị toàn cầu.

Chủ đề của luận văn quá hay, tiếc rằng cậu con trai của Gaddafi lại không tự làm mà đi nhờ người viết mướn! Thế nên anh ta mới có lời phát biểu ủng hộ chế độ độc tài của cha mình. Thật đáng tiếc, như lời thầy hướng dẫn của anh ta đã nói.
ii.

Sir Howard Davies told the BBC the university’s reputation had been damaged, and “I need to take the responsibility for that.”
Tôi đã làm hỏng danh tiếng của trường, và tôi phải nhận trách nhiệm về việc ấy.

Phát biểu hay quá, phải không? Còn đây là phát biểu của Hội sinh viên LSE:
iii.

The LSE students’ union, which had occupied Sir Howard’s office in protest at the Libyan links, said his resignation was “the first step in restoring our faith in the integrity of the university”.
Việc từ chức của Sir Howard là bước đầu tiên để lấy lại niềm tin của chúng tôi về sự liêm chính của nhà trường.

Thầy như thế, trò như thế, nên họ có những trường đại học hàng đầu thế giới cũng là dễ hiểu thôi!

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc