Home » Thế giới » Nỗi đau của người sống sau sóng thần Nhật
Tại một nhà quàn ở tỉnh Miyagi, nơi hàng trăm thi thể phủ khăn trắng chờ đợi, những người sống phải vật lộn với chính mình: vừa không muốn thấy thân nhân nằm đó, lại vừa muốn thấy để có thể mang người quá cố về.
sóng thần Nhật Bản. Ảnh: AFP.
Album ảnh của một gia đình tại thành phố Kessennuma, tỉnh Migayi, bị vùi dưới đống đổ nát của ngôi nhà sau sóng thần. Ảnh: AFP.

Nế không thấy thân nhân ở đó, họ sẽ có động lực để tiếp tục tin rằng những người thân yêu của mình còn sống sau trận động đất kinh hoàng.

Nếu tìm thấy được người thân, họ có thể thanh thản trong lòng, đưa về hỏa táng hay chôn cất người đã khuất.

Yukiko Sakai, 33 tuổi, tới nhà xác ở thành phố Rifu để tìm kiếm chồng mới cưới 3 tháng nay. Kenji mất tích sau khi sóng thần cuốn trôi căn hộ bên bờ biển của họ. Dù một tuần trôi qua, Sakai vẫn không từ bỏ hy vọng. “Tôi tới đây để loại đi trường hợp xấu nhất. Nếu anh ấy không có ở đây, có thể anh ấy còn sống”, cô nói. “Tôi gửi anh ấy tin nhắn hằng ngày để khi nhận được chúng, anh ấy sẽ tìm thấy tôi nhanh hơn”.

Cặp vợ chồng này đang ở nhà khi trận động đất xảy ra. Họ lái hai xe để thoát thân. Sau một lúc, Yukiko dừng lại để gọi cho chồng, nói rằng cô đến nhà bố mẹ. Lần sau cô gọi thì anh không trả lời nữa. Cô nghĩ anh trở lại để lấy một số thứ ở trong căn hộ và có mặt ở đó khi sóng thần tràn vào.

Thật khó cho những người như Sakai chấp nhận sự thật rằng các nỗ lực cứu hộ giờ chuyển từ tìm người sống sót sang người đã chết từ mấy ngày nay. Các chuyên gia nói nhiều khả năng những người mất tích sẽ không còn sống sót do sóng thần quá dữ dội.

Chỉ trong thành phố Minamisanriku, cách Rifu khoảng 55 km về phía tây bắc, 8.000 dân được xác định là mất tích. Tuy nhiên, không một thi thể nào được thấy sau một tuần tìm kiếm.

Takumi Fukukawa, 35 tuổi, tới Rifu vài lần để tìm bà mẹ 60 tuổi Sachiko. “Chúng tôi tìm bà ở khắp các trung tâm tạm trú cũng như các danh sách trên mạng”, anh nói. “Chúng tôi tới đây hôm thứ 6 vừa rồi và quay lại để xem có tin gì mới không”.

Tin mới thường rất hiếm, và thường là không có. Điều đó cho thấy những thách thức khổng lồ mà giới chức đối mặt trong việc xác định thi thể người chết. “Thật sự là khó khăn”, Makio Akao, một quan chức tỉnh Miyagi, cho biết. “Những thông tin về nạn nhân hay bị cuốn trôi theo sóng thần như quần áo bị rách, đồ đạc cá nhân thất lạc, ngón tay méo mó khiến việc lấy vân tay gặp khó khăn”.

Các dữ liệu về răng có thể là một lựa chọn song các cơ sở nha khoa ở địa phương bị phá hủy trong sóng thần cùng với tất cả mọi thứ.

Những chi tiết giúp xác định người chết được đăng lên mạng, truyền hình hoặc các bảng tin thông báo. Nếu không ai đến nhận, Akao cho hay họ không còn lựa chọn nào khác là chôn thi thể vô danh và giữ lại mẫu DNA để phòng các khiếu nại trong tương lai.

Người Nhật thường hỏa táng người chết. Tuy nhiên, vì thiếu nhiên liệu nên chuyện chôn cất là lựa chọn tốt hơn.

Số người chết được giới chức xác nhận ở tỉnh Miyagi là 4.882 song cảnh sát cho hay tỉnh này cần cơ sở chứa thi thể của hơn 15.000 người.

Mai Trang (theo AFP)

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc