Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » “Rình” vàng tặc ở Vườn quốc gia Ba Vì
Nếu đúng như phản ánh của người dân thì việc khai thác vàng đã diễn ra ngay dưới chân núi Ba Vì. Nơi đây được đồn thổi là mỏ vàng rất lớn và chỉ cần đào xuống dưới đất khoảng 1m là đã có thể khai thác được vàng…

Thấy động là nằm yên

Ngày 12/1, chúng tôi nhận được đơn thư phản ánh của một số hộ dân miền núi sống ở xã Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội). Nội dung đơn ghi rõ những người dân nơi đây đang rất bức xúc trước cảnh vườn quốc gia Ba Vì bị xẻ thịt khai thác vàng. Bản thân họ cũng không biết việc khai thác này “được phép” hay là khai thác trộm nhưng hoạt động đó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân trong vùng.

Thật khó tin khi người ta có thể đào bới vàng trong Vườn Quốc gia và khu vườn ấy lại ở Hà Nội. Tuy nhiên, sau nhiều ngày khảo sát, điều tra, PV đã ghi được những bằng chứng ban đầu về những hoạt động mà người dân phản ánh.

Một góc vườn QG bị đào bới.
Một góc vườn QG bị đào bới.


Những ngày đầu tiên chúng tôi về làm việc không hề ghi nhận được tình trạng đào vàng. Người dân giải thích: Nhóm khai thác vàng này rất có tổ chức. Chỉ cần thấy có người lạ ra vào khu vực là chúng “nằm yên”. Khi nào thấy “tĩnh” mới tiếp tục khai thác.

Chúng tôi đã kiên trì nằm “rình” ba ngày tại nơi mà người dân cho là đang khai thác vàng nhưng vẫn không ghi được bất cứ hình ảnh nào. Tuy nhiên, người dân khẳng định: Kiểu gì chúng nó cũng khai thác!

Hơn một tuần sau thì người dân gọi điện. Trời mưa phùn rả rích, một số người dân dẫn chúng tôi đi tắt đường núi để bí mật tiếp cận địa điểm khai thác vàng. Càng đi đến gần khu vực khai thác, tiếng máy ủi, máy xúc gầm rú “đào bới” nghe càng chát chúa giữa vùng rừng yên ả.

Những chiếc máy xúc đang làm việc hết công suất
Những chiếc máy xúc đang làm việc hết công suất


Tiếp cận gần hơn, chúng tôi nhận thấy 4 chiếc máy xúc đang tăng hết công suất múc đất và đào đãi. Gần đó, có một vòi bơm lớn chảy xuống một chiếc máng khổng lồ. Chiếc máy xúc đưa đất đá vào chiếc máng khoắng cho kim loại lắng xuống. Đất theo dòng nước chảy xuống các sông và kênh dưới núi. Đá hộc được chuyển sang một bên. Ở giữa dòng chảy, hơn chục tay phu dùng cuốc, xẻng và các dụng cụ chuyên biệt khơi thông dòng cho nước bùn đất chảy ra ngoài. Nhóm khai thác hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tiếng máy gầm rú inh tai và đất đá cứ thế được khoắng dưới dòng nước và chiếc máng khổng lồ ở khu vực mà người ta gọi là “khu quy hoạch”.

Kéo máy vào Vườn quốc gia

Theo người dân địa phương: Khu vực rừng quốc gia Ba Vì là nơi có rất nhiều vàng, thậm chí chỉ cần bới đất lên khoảng 1m là đã có vàng. Trong đó, khu vực Đồng Xô là một trong những “rốn” vàng lớn. Chính vì vậy, một số công ty ngay sau khi trúng thầu các dự án đầu tư khu vực này đã lợi dụng việc xây dựng để đào đãi vàng trái phép. Việc đào đãi vàng này theo phản ánh của người dân cũng như ghi nhận của chúng tôi có quy mô khá “công nghiệp”. Quặng vàng được khai thác với tốc độ nhanh. Nhiều loại máy móc, trang thiết bị được huy động…

Cảnh tan hoang trong
Cảnh tan hoang trong “công trường” đào đãi vàng


Theo phản ánh, việc khai thác này đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán 2011. Đặc biệt, vào những dịp như Tết Nguyên đán, nhóm khai thác vàng đào đãi vàng cả ngày lẫn đêm. Họ tháo các thùng ô tô làm máng đãi vàng, rồi dẫn nước từ suối ra và cho máy xúc gạt những lớp đá to vứt đi, quặng vàng được giữ lại. Cao điểm nhất là đêm 30 Tết, nhóm này đã cho đào đãi vàng thâu đêm.

Dòng suối bị bức tử

Khu vực đào vàng, theo phản ảnh của người dân, nằm trong khu dự án đập Đồng Xô đang xây dựng. Dự án này không chỉ lấy đi một diện tích đất sản xuất vốn vô cùng nhỏ nhoi của bà con, mà còn tàn phá cả một diện tích không nhỏ rừng quốc gia Ba Vì, đe dọa việc phá vỡ cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học vào loại bậc nhất Việt Nam.

Suối Đồng Xô đổi màu đục ngầu
Suối Đồng Xô đổi màu đục ngầu


Việc khai thác kéo theo nước của suối Đồng Xô đổi màu đục ngầu đến hàng cây số. Người dân mất một nguồn nước sinh hoạt, còn gia súc không còn nơi để uống. Đồng thời, bùn thải nguy hại lắng đọng lại dòng suối này đe dọa môi sinh quanh vùng. Bà Trần Thị Tập ở thôn Xoan, xã Vân Hòa cho biết: Lượng bùn thải có chỗ ngập đến qua đầu gối. Chúng tôi rất phẫn nộ nhưng vì thấp cổ bé họng nên cũng chưa biết kêu ai.

Hẳn độc giả sẽ đặt câu hỏi, nhóm khai thác quặng này là ai? Họ đang tìm vàng hay quặng gì? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong các số báo tới.

Hòa Dương

Theo Bee


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc