Home » Thế giới » Vùng cấm bay và khả năng can thiệp quân sự vào Libya
Bộ Quốc phòng Anh đang lên kế hoạch dự phòng lập vùng cấm bay trên toàn Libya và đây có thể là sự hiện thực hoá cho khả năng phương Tây can thiệp quân sự vào quốc gia Bắc Phi này.

Đây là một phần trong những nỗ lực quốc tế nhằm vào chính quyền đang bị cô lập của đại tá Muammar Gaddafi tại Libya, trong bối cảnh lo ngại lãnh đạo này có thể tiếp tục lệnh cho không quân tấn công người dân biểu tình.

Vùng cấm bay đã từng được áp dụng và phát huy tác dụng tại Bosnia và Iraq. Nhưng tại Libya đây có thể là cách thức câu giờ của phương Tây hay là một thông điệp nhằm khiến đại tá Gaddafi chấp nhận ra đi, trước khi có bất cứ hành động quân sự nào từ bên ngoài.

Máy bay chiến đấu Mỹ đang xuất kích từ tàu sân bay USS Enterprise, hiện có mặt gần Libya. Ảnh: NAvy
Máy bay chiến đấu Mỹ trên tàu sân bay USS Enterprise, hiện có mặt gần Libya. Ảnh: Navy

Vùng cấm bay là gì

Hai nước chủ chốt lập vùng cấm bay tại Libya sẽ là Mỹ và Anh, giống như họ từng làm trong chiến dịch Canh phòng Phương nam ở Iraq những năm 90. Khi đó máy bay chiến đấu Mỹ và Anh hàng ngày xuất kích nhằm phát hiện những hành động tấn công của chính quyền Saddam Hussein vào người Shiite ở miền nam.

Như vậy, mục đích chính của vùng cấm bay tại Libya nếu được áp dụng là các phi cơ của Mỹ và đồng minh sẽ làm mọi cách để buộc trực thăng và máy bay chiến đấu của chính quyền Gaddafi phải nằm yên tại các phi trường, ngăn không cho chúng cất cánh thực hiện mệnh lệnh tấn công người dân.

Với việc triển khai quân trong khu vực hiện nay, Mỹ và Anh hoàn toàn sẵn sàng cho lệnh cấm bay tại Libya nếu có lệnh. Trong đó hải quân Mỹ có hai nhóm tàu sân bay ở khu vực Địa Trung Hải và những căn cứ không quân nổi này có thể nhanh chóng thị uy sức mạnh dọc bờ biển Libya.

Trong khi đó, Anh có căn cứ không quân tại Akrotiri thuộc đảo Síp, nơi các phi đội máy bay chiến đấu Typhoon có thể được triển. Tuy nhiên từ căn cứ Akrotiri tới Libya xa hơn 1.600 km, nên có thể không quân Anh sẽ sử dụng đường băng gần hơn như tại Malta, đảo Sicily và đại lục Italy.

Một khả năng khác được tính đến là các máy bay của không quân Anh có thể sẽ được huy động để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, như tiếp dầu trên không cho các máy bay chiến đấu đi giám sát vùng cấm bay.

Trở ngại và rủi ro cuả vùng cấm bay

Trở ngại lớn nhất cho việc áp dụng vùng cấp bay tại Libya là tính pháp lý cho chiến dịch này. Sẽ là lý tưởng nếu kế hoạch nhận được sự ủng hộ bằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên ngoài Anh và Mỹ đã sẵn sàng, thì chưa có gì đảm bảo 3 thành viên thường trực còn lại là Nga, Pháp và Trung Quốc sẽ ủng hộ vùng cấm bay.

BBC dẫn lời Ngoại trưởng Anh William Hague ngụ ý rằng một vùng cấm bay có thể được áp dụng mà không cần một nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Đây là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng sẽ làm chia rẽ một liên minh quốc tế đang dần hình thành chống lại chính quyền đại tá Gaddafi mà Mỹ và Anh là “đầu tàu”.

Bên cạnh đó, vấn đề hậu cần và chi phí cho chiến dịch xây dựng vùng cấm bay cũng rất lớn. Sở chỉ huy trung tâm cho chiến dịch sẽ đặt tại đâu và ai đứng ra trả chi phí cho hoạt động này là những câu hỏi gây thách thức cho các bên tham gia.

Các nguyên tắc hoạt động của vùng cấm bay như trong hoàn cảnh nào thì máy bay liên quân có thể bắn hạ máy bay Libya cũng gây tranh cãi. Vùng cấm bay sẽ áp dụng cho tất cả máy bay của Libya hay chỉ máy bay quân sự, chỉ áp dụng cho máy bay cánh cố định hay cả trực thăng là những nội dung sẽ phải bàn bạc rất nhiều.

Quan trọng hơn, việc phương Tây lập vùng cấm bay lên một nước Ảrập và Hồi giáo có chủ quyền sẽ mang đến tranh cãi gay gắt. Nhiều người đối lập với Gaddafi kêu gọi thực hiện vùng cấm bay ngay lập tức, trong khi những người khác cho rằng phương Tây nên tránh xa Libya. Hệ thống phòng không của Libya cũng là rủi ro đáng kể nếu phương Tây thực hiện chiến dịch.

Một trong hai chiếc máy bay chiến đấu Mirage của không quân Libya đào ngũ sang Malta, nhằm chống lệnh của Gaddafi. Ảnh:
Một trong hai chiếc máy bay chiến đấu Mirage của không quân Libya đào ngũ sang Malta, nhằm chống lệnh của Gaddafi. Ảnh: AP

Khả năng can thiệp quân sự vào Libya

Đến nay cả Mỹ và Anh đều không còn úp mở về ý muốn đại tá Muammar Gaddafi phải rời ghế lãnh đạo Libya. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố trước quốc hội rằng không loại trừ khả năng sử dụng quân sự với Libya, đồng thời nhấn mạnh sự ra đi của đại tá Gaddafi là “ưu tiên cao nhất của nước Anh”.

Ngoại trưởng Anh William Hague tối qua trả lời trên BBC rằng London đã có kế hoạch trong trường hợp đại tá Gaddafi gia tăng tấn công quân sự vào người dân. Kế hoạch quân sự được cho là đã có sẵn trên bàn của thủ tướng Anh và ông có thể ra lệnh sử dụng khi cần thiết.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc đang tích cực triển khai quân tới gần Libya để “linh hoạt” hơn khi có lệnh. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua cảnh báo Libya đang đứng giữa ngả rẽ, với một bên là nền dân chủ và một bên là cuộc nội chiến. Theo đó Washington tuyên bố sẽ làm mọi cách để đại tá Gaddafi phải từ chức bằng cả kinh tế lẫn quân sự.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và sĩ quan hàng đầu của quân đội nước này là đô đốc Mike Mullen đều thừa nhận rằng, việc áp dụng vùng cấm bay tại Libya là “vấn đề cực kỳ phức tạp” và đến nay NATO vẫn chưa thống nhất về bất cứ sự can thiệp quân sự nào đối với chính quyền Gaddafi.

Như vậy, một cuộc can thiệp bằng quân sự vào Libya có thể chưa diễn ra ngay lập tức, nhưng những động thái của Mỹ và Anh là thông điệp rõ ràng cho đại tá Gaddafi. Washington và London đều nhắc đến hy vọng ông sẽ nhượng bộ trước khi có bất cứ máy bay phương Tây nào tiến vào không phận Libya.

Tuy nhiên, những thông tin mới nhất cho thấy đại tá Gaddafi vẫn quyết không lùi bước và cảnh báo Libya đối mặt nội chiến với “những dòng sông máu”. Chính quyền Gaddafi đang bám trụ với phần phía tây đất nước còn kiểm soát được, bất chấp sức ép gay gắt cả trong lẫn ngoài.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc