Home » Kinh doanh » MobiFone sợ phát hành cổ phiếu giá cao như Vietcombank
Phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) với giá bán quá cao sẽ để lại nhiều hậu quả đối với cán bộ nhân viên và doanh nghiệp sau đó. Vì thế mà lãnh đạo MobiFone rất e ngại rơi vào tình cảnh tương tự Vietcombank.

Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của mạng di động này cho biết, việc cổ phần hóa nhằm mục tiêu đổi mới hoạt động của doanh nghiệp và thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. “Tiến trình này đã bị kéo dài nhiều năm và không nên tiếp tục để lâu hơn”, ông này nói. Tuy nhiên, ông này cũng tiết lộ, việc cổ phần hóa có được đẩy nhanh hay không nằm ngoài khả năng của MobiFone.

Về thời điểm tiến hành, ông này cho rằng, quá trình cổ phần hóa nói chung và MobiFone nói riêng có nhiều mục tiêu quan trọng hơn là đem về nguồn thặng dư cho ngân sách Nhà nước, như thể hiện cam kết cải cách, đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp… “Chúng tôi đã thấy những trường hợp chọn thời điểm IPO đem lại giá cao có những hệ quả ra sao và không muốn giống như họ. Vietcombank là một ví dụ”, ông này chia sẻ.

Tiến trình cổ phần hóa MobiFone đã bị trì hoãn nhiều năm. Ảnh: L.T
Tiến trình cổ phần hóa MobiFone đã bị trì hoãn nhiều năm. Ảnh: L.T

Trên thực tế, MobiFone đã hoàn thành tiến trình tư vấn cổ phần, định giá doanh nghiệp từ 2008 nhưng không thực hiện IPO bởi diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi. Đây cũng là lý do tổ chức này e ngại tiến trình sẽ tiếp tục bị trì hoãn với bối cảnh hiện nay.

Khi Vietcombank tiến hành cổ phần hóa, giá phát hành lần đầu (IPO) trung bình là 107.800 đồng một cổ phiếu, ưu đãi cho cán bộ công nhân viên là gần 65.000 đồng. Sau khi IPO, cổ phiếu của Vietcombank cứ tụt dốc không ngừng và thấp hơn mức giá ưu đãi cho cán bộ nhân viên rất nhiều. Trong 2 ngày gần đây, giá VCB chỉ còn 28.300 đồng một cổ phiếu, chưa bằng 50% mức giá mà cán bộ nhân viên được “ưu đãi”.

Một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này tâm sự: “Trong một thời gian dài, và đến tận bây giờ, cả lãnh đạo lẫn nhân viên Vietcombank đều cay đắng vì mức giá phát hành quá cao”.

Đại diện của Vietcombank phân tích, với mức giá IPO quá cao, ngân hàng loay hoay với các vấn đề pháp lý và rất khó chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài vì không tổ chức nào chấp nhận mức giá như vậy. Đối với tất cả cán bộ công nhân, đặc biệt là những người về chuẩn bị về hưu vào thời điểm IPO, cổ phiếu ưu đãi đã trở thành ngược đãi.

“Với những người giờ đây đã về hưu mà trước đó phải vay tiền ngân hàng để mua cổ phiếu ‘ưu đãi’ thì đúng là một bi kịch khó chấp nhận. Đó là hệ quả cay đắng của IPO giá cao”, vị này nói.

Lãnh đạo của Vietcombank cho rằng, phát hành vào thời điểm thị trường chứng khoán khó khăn thì giá có thể không cao nhưng giá phát hành sẽ đúng hơn với giá trị thực của cổ phiếu và mọi việc sau đó sẽ thuận lợi hơn. Vị này cho rằng, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã có một đợt IPO rất thành công đối với tương lai của nhà băng và cả cán bộ công nhân viên dù giá bình quân không cao.

Khi IPO vào cuối năm 2008, giá bình quân của Vietinbank chỉ là 20.265 đồng một cổ phiếu, bằng 20% so với Vietcombank. Thế nhưng, sau đó, nhà băng này dễ dàng tìm được 2 đối tác chiến lược nước ngoài lớn, và cán bộ công nhân viên cũng được hưởng lợi không nhỏ từ việc cổ phiếu tăng giá (được mua ưu đãi chỉ với hơn 12.000 đồng một cổ phiếu). Hiện tại, giá của Vietinbank cũng xoay quanh mức 28.300 đồng một cổ phiếu – tương đương với Vietcombank.

Tiền thu được cho ngân sách không nên là mối quan tâm số một khi thực hiện cổ phần hóa. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Tiền thu được cho ngân sách không nên là mối quan tâm số một khi thực hiện cổ phần hóa. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Vietinbank cho biết, tiến trình cổ phần hóa không thể cứ trì hoãn đặc biệt là với các tổ chức lớn và quan trọng như ngân hàng quốc doanh. Điều này thể hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế về đẩy nhanh cải cách nói chung và đổi mới hệ thống doanh nghiệp nhà nước nói riêng chứ không đơn thuần là việc bán được cổ phiếu với giá cao.

“Tất nhiên là phát hành khi thị trường chứng khoán khủng hoảng là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh đó thì giá bán vẫn phản ánh giá trị thị trường của ngân hàng và không nên trì hoãn. Bằng chứng là sau cổ phần hóa Vietinbank đã có rất nhiều thay đổi so với trước đây và nếu cứ kéo dài thì bây giờ còn kẹt hơn nhiều”, ông Thọ nói.

Một trong những bằng chứng rõ nhất được lãnh đạo của Vietinbank đưa ra là kết quả kinh doanh năm 2010. Trong khi nhiều nhà băng khác có kết quả ở mức trung bình thì Vietinbank – một ngân hàng quy mô lớn, đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tới gần 50% so với 2009 (đạt 4.378 tỷ đồng). Bên cạnh đó, đây cũng thời điểm nhà băng này chọn được 2 đối tác chiến lược nước ngoài là Bank of Novascotia (ngân hàng hàng đầu của Canada) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC).

Một lãnh đạo của Công ty Tài chính Dầu khí (PVI) – tổ chức từng IPO với giá bình quân lên tới hơn 160.000 đồng một cổ phiếu, tâm sự: “Nếu cổ phần hóa mà không quan tâm tới người lao động trong doanh nghiệp đó ra sao, tương lai của tổ chức đó như thế nào mà chỉ quan tâm tới giá bán sao cho cao, thu cho ngân sách thật nhiều sẽ là một bi kịch”.

Theo phân tích của ông này, cán bộ nhân viên là người sẽ góp sức phát triển doanh nghiệp bền vững và đóng góp nguồn thu ngày càng lớn cho ngân sách. Nếu họ bị “ngược đãi” bởi chính quá trình cổ phần hóa, cộng với việc doanh nghiệp không thể chọn được đối tác tốt cho tương lai vì bị ép chọn thời điểm bán giá cao thì sẽ không còn doanh nghiệp nào muốn IPO nữa.

Hoàng Ly

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc