Home » Thế giới » Vợ được thả, Mubarak xin ân xá
Vợ cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak hôm qua được phóng thích, sau khi hiến tài sản cho chính phủ quân sự lâm thời nước này. Ông Mubarak đang xin được ân xá theo cách tương tự.

Cựu đệ nhất phu nhân Ai Cập Suzanne Mubarak bị bắt cuối tuần trước tại một bệnh viện ở thành phố nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh bên bờ Biển Đỏ, vì những cáo buộc tham nhũng. Trong một thông báo chính thức hôm qua, Bộ Tư pháp Ai Cập quyết định thả vợ của ông Mubarak sau khi bà chuyển 4 triệu USD vào hai tài khoản ngân hàng cho chính phủ Ai Cập.

Cùng với động thái này, bà Suzanne cũng đồng ý cung cấp mọi thông tin về các tài khoản của bà tại cả trong lẫn nước ngoài. Người phụ nữ mang hai dòng máu Ai Cập và Xứ Wales hôm qua còn trao cho Bộ Tư pháp Ai Cập quyền ủy nhiệm rút tiền mặt tại hai tài khoản ngân hàng, cũng như quyền bán một biệt thự xa hoa của bà tại thủ đô Cairo.

Vợ chồng cựu tổng thống Ai Cập. Ảnh: Couriermail
Vợ chồng cựu tổng thống Ai Cập. Ảnh: AFP.

Các cuộc điều tra đối với cựu đệ nhất phu nhân này về sự giàu có được cho là bắt nguồn từ những hoạt động phi pháp sẽ vẫn được tiếp tục. Việc bà Suzanne được thả chỉ là một thủ tục pháp lý bình thường, có thể áp dụng đối với bất cứ ai trong hoàn cảnh tương tự, AFP dẫn lời một quan chức Bộ Tư pháp Ai Cập.

Trong khi đó có tin ông Mubarak đang chuẩn bị giao nộp tài sản, đồng thời gửi lời xin lỗi tới nhân dân Ai Cập, nhằm đổi lại sự ân xá từ chính phủ lâm thời. Cựu tổng thống 83 tuổi đang thảo một bức thư sẽ được đưa lên các kênh truyền hình Ai Cập và Ảrập, để “nhân danh mình và gia đình xin lỗi vì bất cứ hành động tấn công nào mà người dân đã gặp phải”.

Ông Mubarak cũng xin lỗi “vì bất cứ hành động nào đã bắt nguồn từ thông tin sai lệch được đưa ra bởi các cố vấn”. Trong lá thư xin ân xá, cựu tổng thống Ai Cập cũng không quên kể ra những công trạng của mình, đồng thời nhấn mạnh vợ ông đã làm việc cho những chương trình từ thiện vì lợi ích của người dân nước này.

Trước diễn biến này, những người từng tham gia cuộc nổi dậy ở đất nước Bắc Phi hồi đầu năm nay, đã phát động một cuộc phản đối trên mạng nhằm từ chối bất cứ lời xin lỗi nào của ông Mubarak. Thậm chí, họ còn kêu gọi tổ chức những cuộc biểu tình mới nếu cựu tổng thống không bị đưa ra xét xử.

Chế độ Mubarak sụp đổ hôm 11/2, sau 18 ngày Ai Cập chìm trong những cuộc biểu tình đòi lật đổ vị cựu tổng thống đã cầm quyền ở nước này suốt 3 thập kỷ.

Phan Lê

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc